Bí quyết nhỏ mang lại thành công
HGĐT- Với 0,5ha đất hiếm hoi giữa đại ngàn đá tai mèo, gia đình ông Hoàng Trung Hinh, tổ 6 (thị trấn Đồng Văn) đã chọn cách phát triển chăn nuôi tổng hợp, mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.
Nuôi thỏ ‘1 vốn 4 lời” mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình ông Hinh.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông nhiều khó khăn, ông Hinh đã trải qua những tháng ngày thiếu lương thực mùa giáp hạt. Thấu hiểu nỗi cơ cực từ thời cha mẹ, sau khi lập gia đình, ông bắt tay vào chăn nuôi để cuộc sống gia đình bớt đi nghèo khó. Ban đầu, ông chọn nuôi lợn, gà, vịt,... theo hình thức nhỏ lẻ, tự nhân giống. Tuy nhiên, việc chăn nuôi ấy khiến gia đình ông nhiều lần thất thu bởi khó kiểm soát được dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Không nản lòng trước thất bại, ông đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc để đi tham quan mô hình, học hỏi kinh nghiệm ở Viện chăn nuôi, thăm Trung tâm nghiên cứu dê và thỏ ở Sơn Tây, Ba Vì (Hà Nội), cùng nhiều mô hình chăn nuôi trong và ngoài tỉnh để có thể vực dậy kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất khó.
Năm 2009, ông đến Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Văn vay 30 triệu đồng để nâng cấp, mở rộng chuồng trại, đầu tư thêm con giống để chăn nuôi đạt hiệu quả hơn. Theo đó, việc duy trì đàn lợn đen, dê, bò cùng đàn gia cầm trên 2.000 con đến nay tương đối thuận lợi, mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định. Cũng từ năm 2009, tận dụng nguồn thức ăn có sẵn, gia đình ông nuôi nhốt đàn thỏ 4 con. Nhưng do điều kiện thời tiết lạnh (có khi đóng tuyết) nơi Cao nguyên đá khiến đàn thỏ, đặc biệt là thỏ con mới sinh thường xuyên bị bệnh và giảm số lượng đàn. Trải qua những thất bại trong chăn nuôi thỏ không khiến ông Hinh nản trí mà thêm quyết tâm để bắt đầu lại với sự dạn dày kinh nghiệm. Ông bắt đầu làm nơi ở mới cho thỏ bằng cách: Trên nền đất cao khoảng 30 cm dưới mái hiên nhà bếp được ông đổ bê tông sạch sẽ. Bên dưới trát những dải xi măng tạo thành nhiều vách ngăn nhỏ, xen giữa các vách ngăn là những khoảng đất trống để thỏ tự đào hang làm chỗ ở cho mình. Những chiếc hang như vậy không chỉ giữ vệ sinh môi trường mà còn đảm bảo độ ấm, giúp thỏ sinh trưởng, phát triển và giữ được số lượng đàn khi thời tiết giá lạnh. Với nguồn thức ăn sạch từ những loại lá cây mọc tự nhiên quanh nhà hay trên núi đá, giúp việc chăn nuôi đàn thỏ trên 100 con của gia đình ông sinh lợi khi không cần đầu tư tiền thức ăn chăn nuôi. Ông cười bảo: “Khách hàng gọi điện đặt mua thỏ liên tục nhưng khổ nỗi, cung không đủ cầu. Thỏ con khi mới sinh ra, sau 3 tháng có trọng lượng từ 2-2,5kg, có thể đem bán với giá 130.000 đồng/kg. Nếu tuân thủ nghiêm những đặc tính của thỏ như: Ưa ấm về mùa Đông, mát mùa Hè, ưa bóng tối, cần nguồn thức ăn vệ sinh cùng nơi ở sạch sẽ cộng với sự chuyên tâm thì việc nuôi thỏ sẽ thành công, đem lại cuộc sống đủ đầy về vật chất chứ không chỉ dừng lại ở việc thoát nghèo”.
Ngoài thời gian chăm sóc đàn vật nuôi, hiếm có chương trình phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt hay và bổ ích như: “Nhà nông làm giàu”, “Sinh ra từ làng” của Đài Truyền hình Việt
Không chỉ là “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh”, điển hình trong học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, ông Hinh còn là người đầu tiên của huyện tiên phong trong việc trồng cỏ nuôi bò, mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế đáng khích lệ, được nhiều hộ chăn nuôi khác học tập. Không dừng lại ở những kết quả đã đạt được, sau khi tìm được đầu ra cho sản phẩm, ông Hinh ấp ủ dự tính nuôi tắc kè và dế xuất khẩu. Bởi ông hiểu: Ở nơi thừa đá, thiếu đất canh tác như Đồng Văn, nếu là người nông dân, ngoài việc trồng trọt trên những hốc đá tai mèo thì chăn nuôi chính là con đường cứu cánh để thoát nghèo bền vững.
Ý kiến bạn đọc