Ý chí làm giàu của chàng trai người Mông
HGĐT- Với lòng quyết tâm và nghị lực vươn lên trong cuộc sống, anh Sùng Pà Sính, thôn Sủng Trái A, xã Sủng Trái (Đồng Văn) là một tấm gương sáng về ý chí thoát nghèo và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình.
Anh Sính cho bò ăn.
Sùng Pà Sính sinh năm 1984, trong một gia đình thuần nông tại thôn Sủng Trái A, xã Sủng Trái. Mẹ mất sớm, bố lấy vợ hai, Sính lớn lên trong sự đùm bọc yêu thương của anh em họ hàng. Anh được người dân trong vùng biết đến là một chàng trai với hai bàn tay trắng, vươn lên bằng chính mồ hôi, công sức và đức tính hiền lành, chịu thương chịu khó.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà xây khang trang sạch đẹp, anh Sính nhớ lại quá trình lập nghiệp của mình. Ngày ấy cuộc sống của Sính rất khó khăn, lo ăn từng bữa, từ nhỏ đã cố gắng lao động với những công việc nặng nhọc như: Phụ xây, làm thuê, bốc vác... Năm 2004, Sính lấy vợ, cuộc sống của anh càng trở nên khó khăn hơn khi hai vợ chồng ra ở riêng, được bố chia cho mảnh nương khô cằn sỏi đá để làm nhà. Có đất rồi nhưng lấy tiền đâu ra để làm nhà và trang trải cuộc sống, đó là nỗi niềm lớn nhất khiến Sính lo lắng. Không cam chịu trước những éo le của cuộc sống, với quyết tâm tìm hướng đi mới, nhằm thoát khỏi cảnh nghèo túng, Sính bắt tay vào làm kinh tế, anh vay mượn họ hàng, làng xóm để dựng tạm ngôi nhà và mua 1 con bò cái để nuôi sinh sản. Hàng ngày, Sính đi phụ xây, bốc vác thuê để kiếm thêm tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày. Sau thời gian khai phá nương rẫy trồng ngô, đậu, con bò đẻ bê con, Sính bán con to để mua con nhỏ về nuôi, cứ như vậy dần tích cóp được ít vốn và mua thêm 1 con bò. Năm 2008, vợ chồng Sính mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách 8 triệu đồng để làm nhà, đầu năm 2009, nhờ Nghị quyết 30A của Chính phủ, hỗ trợ mỗi hộ nghèo 2,5 triệu mua lợn nái và 1 triệu đồng làm chuồng trại mô hình chăn nuôi lợn nái, nuôi bò. Sính chia sẻ: “Những ngày đầu chăn nuôi mình còn gặp nhiều bỡ ngỡ, nhưng nhờ ngày trước mình từng được học lớp thú y nên mình tự chăm sóc, phòng bệnh cho từng con lợn, con bò của gia đình. Song ngoài việc chăm sóc cho đàn gia súc của gia đình, mình phải thường xuyên lên xã, vào các hộ gia đình làm công tác khuyến nông, y tế thôn bản... nhà chỉ có hai vợ chồng làm nên thiếu người, nhiều khi phải bỏ bê công việc gia đình”. Sau nhiều năm cần cù lao động, kinh tế của gia đình Sính dần ổn định, có của ăn, của để được xếp vào hộ có thu nhập kinh tế khá giả trong thôn. Đến nay, gia đình anh đã có 5 con bò, 1 con lợn nái và gần chục con lợn con. Một năm, lợn nái đẻ 2 lứa, mỗi lứa thu về cho gia đình Sính gần chục triệu đồng và mỗi một năm cho xuất chuồng 2 con bò, ngoài ra còn vườn đậu tương trồng 10 kg giống đang cho thu hoạch... trung bình mỗi năm thu nhập gần 100 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả, lợi ích của việc phát triển kinh tế trong chăn nuôi, hàng năm Sính tiếp tục đầu tư mua thêm con giống để nhân rộng đàn gia súc, nuôi thêm gia cầm như ngan, vịt, bồ câu...
Khi được hỏi về định hướng trong thời gian tới, Sính cười: “Giờ mình sẽ cố gắng tiếp tục làm tốt hơn nữa để không phụ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước vì đã tạo điều kiện để gia đình mình phát triển chăn nuôi thoát khỏi cái đói, cái nghèo. Gia đình mình giờ có vốn để làm rồi, mong Nhà nước hỗ trợ những hộ gia đình khác nữa để nhà nào cũng có cuộc sống no ấm, mình chỉ có thể giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế cho bà con trong thôn thôi!.”. Đó là những lời tâm sự thật lòng của Sùng Pà Sính - một tấm gương sáng trong phát triển mô hình chăn nuôi ở vùng Cao nguyên đá.
Ý kiến bạn đọc