Nguyện làm “bóng mát” đời con
HGĐT- Ở tổ 6, thị trấn Vị Xuyên (huyện Vị Xuyên) nhiều người vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện hiếu học của gia đình ông Vũ Trường Sơn. Ở nơi ấy, người cha, người mẹ nghèo vẫn một đời lam lũ để 5 cô con gái được bay cao những ước mơ nơi giảng đường đại học.
Ông Vũ Trường Sơn làm thợ xây.
Trong ngôi nhà hai tầng đã ngả màu của gia đình ông Sơn, thật hiếm thấy có vật dụng nào giá trị hơn những những chiếc giấy khen treo kín bức tường cũ kỹ. Để có được điều quý giá ấy, ông bà đã trải qua biết bao nghề từ chăn nuôi lợn, chạy chợ đến nghề thợ xây, đóng than,... chắt chiu, dành dụm từng đồng nuôi các con ăn học nên người. Trong đủ thứ nghề, người ta biết đến vợ chồng ông với cái tên “Sơn tổ ong” như sự gắn bó keo sơn với nghề. Dù biết nghề đóng than tổ ong vất vả, luôn hít phải khí độc từ than tỏa ra nhưng vì tương lai của các con, ông bà đã nhận cho mình những công việc cực nhọc để các con được cắp sách đến trường. Đúng như nhiều người vẫn ví: “Rễ cây của sự học vấn thì cay đắng nhưng hoa trái của nó thật ngọt ngào”. Sau bao quyết tâm: “Dù cha mẹ có nghèo, có cực khổ nhưng không bao giờ để các con thất học”, niềm hạnh phúc đã đến với gia đình ông khi 4 cô con gái lần lượt tốt nghiệp đại học, ra trường có việc làm ổn định tại các cơ quan Nhà nước. Trong đó, cô con gái Vũ Thị Lương, Vũ Thị Hằng, Vũ Thị Duyên đều là giáo viên tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Còn cô con gái Vũ Ngọc Dung hiện đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Vũ Thị Vui vừa thi đỗ trường Đại học Nông, lâm Thái Nguyên.
Con gái ông, cô Vũ Thị Lương chia sẻ: “Thương bố mẹ lao động vất vả, sau mỗi buổi lên lớp, chị em chúng tôi dành tất cả thời gian để phụ giúp gia đình. Có khi phải dậy từ 3-4 giờ sáng để đóng than cho kịp phơi khi trời vừa nắng”. Trời mùa đông, những đôi tay, đôi chân trần giẫm than, nhào than đến nứt nẻ. Rồi họ đến trường khi chân tay, mặt mũi còn lấm lem màu than, chưa kịp rửa sạch. “Khi tổ dân phố tắt đèn đi ngủ, vẫn thấy ánh điện phát ra từ căn phòng chật hẹp của 5 chị em. Bởi khi ấy, chúng mới có thời gian học bài... Dù mệt nhọc với những công việc cần sức lao động nhưng chị em họ đều là những con ong chăm chỉ, biết rèn đức, rèn tài để làm nên mật thơm cho đời”, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Vị Xuyên, Nguyễn Thị Nhật chia sẻ.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, ngôi nhà nhỏ “vỡ” òa niềm vui khi sự hy sinh, vất vả của ông bà Sơn ngày đêm miệt mài “trồng” cây học vấn cũng đến ngày đơm hoa, khi các con lần lượt đỗ thẳng vào các trường Đại học... Bao đêm ông bà khóc vì mừng, vì tủi. Bởi niềm vui lớn bao nhiêu đồng nghĩa với việc đôi vai họ thêm nặng gánh bấy nhiêu. Nhưng không vì khó khăn mà ông bà từ bỏ việc chắp cánh ước mơ cho các con. Nhiều khi họ phải tiết kiệm, bớt ăn, bớt chi để con có thêm tiền mua sách. Rồi công việc đóng than, ông Sơn chuyển hẳn cho vợ để học nghề phụ xây, cùng vợ góp thêm tiền dành dụm nuôi con. Nhận hết những vất vả về mình, ông bà Sơn mong sao: “Các con chỉ lo học, tuyệt đối không nghĩ chuyện kiếm tiền mà xao nhãng việc học. Bố mẹ còn sống là còn lo được”... Nhưng rồi một ngày kia, người vợ hiền bao năm tần tảo cùng ông nuôi con ăn học đã mãi mãi ra đi vì căn bệnh hiểm nghèo. Để lại cho ông một vai “gánh” cùng lúc 3 cô con gái đang học đại học và con gái út theo học phổ thông. Những ngày cuối cùng của cuộc đời, người ta vẫn nhìn thấy bà đẩy xe than giao hàng cho khách... Biết bao nước mắt của những người con đã rơi vì thương mẹ, xót cha nhưng cũng không bù lại được công ơn biển trời và sự hy sinh cao cả của người cha, người mẹ... Vượt qua những nỗi đau, những khó khăn của cuộc sống nghèo, 5 người con của họ lớn lên đều trở thành những con ngoan, trò giỏi, những sinh viên xuất sắc, được nhận học bổng của nhà trường. Nhiều người trong số họ tốt nghiệp đại học với tấm bằng giỏi, được nhà trường ngỏ ý giữ lại làm giảng viên trong sự ngưỡng mộ của bao người về tinh thần hiếu học, không khuất phục khó khăn.
Ngày qua ngày, đôi tay người cha vẫn nhuốm màu than đen hoặc thay bằng màu xi vừa để tiếp tục nuôi con học đại học. Người ta ví ông như cây lớn giữa đời, vươn mình chắn hết bão giông để các con được hưởng những bóng mát yên lành. Và người mẹ nơi trời cao sẽ mãi an lòng khi các con của mình đều trở thành những công dân có ích cho xã hội, được nhiều người ái mộ...
Ý kiến bạn đọc