Mua Mí Nam “thổi khèn hay, làm khèn giỏi”
HGĐT- Khèn là một loại nhạc cụ độc đáo từ lâu đời và có một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, đời sống tâm linh của dân tộc Mông. Hình ảnh các chàng trai người Mông cầm khèn thổi, khom lưng nhún nhẩy lượn quanh các cô gái trong các phiên chợ, âm thanh trầm bổng của tiếng khèn trong Lễ hội Gầu Tào, làm ma khô hay thổi cho người đã khuất... không còn xa lạ và góp phần tái hiện được những sắc màu cuộc sống thường nhật, trở thành một nét văn hóa độc đáo không thể thiếu của người Mông. Tuy nhiên, để tìm mua những cây khèn không khó, nhưng để tìm được người vừa biết thổi khèn hay lại vừa biết làm khèn giỏi thì không có nhiều.
Anh Mua Mí
Tiếng lành đồn xa về một chàng trai trẻ từ Yên Minh chuyển về, mang theo nghề làm khèn được nhiều khách hàng vào tìm hỏi, lại có cả những vị khách là người nước ngoài đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người. Điều đó giúp chúng tôi không khó để tìm đến nhà của anh Mua Mí Nam (sinh năm 1984), là một trong những hộ người Mông đầu tiên chuyển từ Yên Minh về sống tại thôn Đội 5, xã Ngọc Linh (Vị Xuyên) năm 2010. Vẫn là ngôi nhà được ôm trọn bởi những nương chè, nương sắn, nương ngô như những ngôi nhà của người Mông ở vùng cao, nhưng ngôi nhà của anh khang trang hơn nhiều bởi khuôn viên sạch sẽ, thoáng đãng. Bên trong ngôi nhà nhỏ nhắn được trát xi, lợp Phi Brô xi-măng là những vật dụng đơn giản, một gian riêng để anh và cha cùng nhau làm khèn; khu bếp chứa các sản phẩm nông nghiệp và để nấu ăn được làm tách biệt với chuồng trâu, chuồng lợn... Đó chính là những thành quả và thay đổi lớn từ khi anh xây dựng cuộc sống trên vùng đất mới. Anh tâm sự “ Khi mới chuyển xuống, gia đình anh còn nhiều khó khăn, phải ở nhờ nhà của người quen, làm thuê làm mướn. Nhưng anh chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ bỏ nghề làm khèn, chỉhy vọng nó có thể cùng gia đình anh vượt qua mọi khó khăn. Cũng nhờ có những chiếc khèn và sự quan tâm của địa phương mà giờ đây, cuộc sống của gia đình anh đã ổn định hơn, không còn bấp bênh như trước nữa”.
Điều đặc biệt ở anh, đó là khả năng làm được cả khèn của người Mông hoa, Mông mán và Mông trắng; sự am hiểu về sở thích, nét văn hóa đặc trưng khác nhau về hình dáng chiếc khèn, cách thổi khèn của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền một cách tường tận, tỉ mỉ như từng bước, từng khâu làm khèn mà anh đã thuộc đến độ đưa tay thoăn thoắt mà vẫn chính xác đến từng li; anh cũng có thể tự điều chỉnh để mỗi chiếc khèn mang một âm thanh khác nhau theo âm vực hay yêu cầu của khách hàng... Điều mà rất hiếm thấy ở những người thợ làm khèn khác. Mỗi chiếc khèn được cha con anh làm racũng phải trải qua những nguyên tắc nhất định, đảm bảo có một sản phẩm chất lượng, có thương hiệu trước khi đến tay người mua. Ngay từ nguyên liệu để làm ra một chiếc khèn cũng được anh chọn lọc kỹ càng theo con mắt “nhà nghề”. Ví như, bầu khèn phải là gỗ của cây thông đá trên rừng Yên Minh; vỏ cây cũng phải là vỏ cây đào rừng, đào rừng thì chỉ ở Yên Minh và Xín Mần mới đạt yêu cầu... Mỗi chiếc khèn bán ra hiện nay dao động trong hoảng từ 600.000 – 2.000.000 đồng, trừ chi phí vận chuyển, mua nguyên liệu, gia đình anh thu lời được khoảng từ 4 – 500.000 đồng một chiếc. Tuy nhiên, thu nhập từ việc làm khèn không ổn định, phụ thuộc vào lượng khách mua hàng và mục đích của khách mua hàng. Khách mua hàng để trưng bày hay để bán; người biết thổi khèn mua khèn để thổi chơi hay cần một chiếc khèn “vừa ngon, vừa chuẩn”... sẽ có một mức giá, mức bảo hảnh khác nhau. Và có khi, cả tháng khách chỉ đặt anh làm một vài chiếc, nhưng cũng có khi lại lên đến 50 chiếc từ một đơn vị mua.
Đã từng tham gia biểu diễn múa khèn ở các chương trình lớn nhỏ của huyện và các lễ hội truyền thống, nghi lễ, tín ngưỡng của dân tộc, hơn ai hết, anh hiểu rõ giá trị văn hóa và ý nghĩa to lớn của những chiếc khèn từ chính đôi bàn tay mình làm ra. Anh chia sẻ : “Cả đời cha, ông anh làm khèn, cho đến giờ, cái nghề làm khèn cũng đã gắn bó với anh gần 30 năm rồi. Với anh, chiếc khèn không chỉ là một vật dụng riêng trong nhà hay giúp gia đình anh tăng thêm thu nhập. Quan trọng hơn thế, nó còn là “cầu nối” giúp anh duy trì và bảo tồn nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình, mang chúng đến gần hơn với mọi người, làm đẹp thêm cho nền văn hóa cộng đồng đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam”. Hiện nay, các sản phẩm của anh đã có mặt ở hầu hết các huyện trong tỉnh, nhà trưng bày của Cột cờ Lũng Cú, Dinh thự Nhà Vương, Phố Cổ Đồng Văn và có những đơn đặt hàng quen thuộc từ các tỉnh lân cận... Anh cũng đang từng bước truyền lại kinh nghiệm, dạy con trai cách làm khèn và tự mình gây trồng cây nguyên liệu để làm khèn. Hy vọng, đây sẽ là một sáng tạo thành công giúp anh trong hành trình mang tiếng khèn Mông vang xa hơn đến với mọi người.
Ý kiến bạn đọc