Thấm lời Bác dạy về “Lương y”

07:49, 28/08/2013

HGĐT- Đó là Bác sỹ chuyên khoa I Vương Thị Chung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc.Sinh năm 1977 tại xã Tùng Vài (huyện Quản Bạ), gia đình khó khăn, học hết lớp 9, chị phải ở nhà phụ giúp cha mẹ công việc gia đình và chăm sóc các em. Học hành gián đoạn, nhưng chị không ngừng ước mơ được tiếp tục đi học và trở thành Bác sỹ.


Khi trở thành sinh viên trường Đại học Y Thái Nguyên, chị Chung được biết đến không chỉ là một sinh viên vượt khó giành thành tích cao trong học tập, mà còn luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động ngoại khóa của lớp, khoa và trường. Càng tham gia các hoạt động tình nguyện đến những vùng khó khăn, chị càng quyết tâm học tập tốt hơn nữa để có năng lực vững vàng. Đặc biệt, dịp hè năm 2000, chị được vinh dự là một trong 10 sinh viên của trường tham gia “Chiến dịch tình nguyện mùa hè xanh” - chương trình khám và phát thuốc miễn phí cho nhân dân huyện Đồng Văn (gồm 3 xã: Sủng Là, Sính Lủng, Sà Phìn) do Trung ương Đoàn tổ chức.


Ra trường, với mong muốn được trở về cống hiến cho quê hương, chị xin làm việc không lương tại Bệnh viện huyện Mèo Vạc. Ghi nhận sự nhiệt tình và năng lực vững vàng trong chuyên môn, cuối năm 2002, chị được nhận vào làm chính thức tại bệnh viện. Năm 2005, chị vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.


Gắn bó với bệnh viện hơn 10 năm nay, nữ Bác sỹ ấy luôn tâm niệm phải đặt chữ tâm làm đầu; chịu khó học tập, nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật mới vào chuyên môn; góp phần giảm tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên cũng như chi phí khám, chữa bệnh của bệnh nhân khi phải chuyển tuyến. Để chủ động nắm bắt tình hình và hỗ trợ về chuyên môn tuyến cơ sở, chị đã chủ động xin được tăng cường đến xã Xín Cái biên giới, còn nhiều khó khăn của huyện Mèo Vạc. Gần 30 tháng tăng cường, chứng kiến cái nghèo, cái đói, những lúc ốm đau, người dân lại sa vào những hủ tục; am hiểu tiếng địa phương, chị đã đến từng gia đình tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện “phòng bệnh hơn chữa bệnh” bằng những biện pháp khoa học và đấu tranh với những hủ tục. Gần 3 năm kiên trì, công tác y tế tại xã đã có nhiều chuyển biến, đồng bào các dân tộc xã Xín Cái đã thay đổi nhiều về nếp nghĩ. Ngày chị chuyển công tác về tuyến huyện, yêu mến người cán bộ, đảng viên, bà con Xín Cái viết đơn đề nghị để chị được ở lại. Những hoạt động hướng về cơ sở của chị có ảnh hưởng tích cực đến đồng nghiệp. Trở về bệnh viện, hiểu được những khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh ở tuyến xã, chị đề ra kế hoạch đi khám, chữa bệnh tại cơ sở theo lịch trình cụ thể: mỗi quý đi khám cơ sở ở 1 cụm, mỗi cụm gồm 3 xã luân phiên. Đến nay, chị và các đồng nghiệp đã đến được hết các tuyến cơ sở trên địa bàn huyện.


Say mê trong khoa học, chị còn tham khảo tài liệu và học tập các bệnh viện bạn để cập nhật thêm kiến thức, kinh nghiệm, nhằm nâng cao tay nghề, đặc biệt là tìm hiểu về phương pháp mổ hiện đại. Đến nay, chị đã cùng tập thể bệnh viện tham gia khám 95.855 lượt bệnh nhân, đặc biệt là mổ cấp cứu về sản, ngoại và chấn thương 1.216 ca, trong đó mổ lấy thai cấp cứu 488 ca. Các ca mổ đều với tỷ lệ thành công cao, không có biến chứng. Với tấm lòng “Lương y như từ mẫu”, chị luôn cùng các y, bác sỹ của bệnh viện thường xuyên xuống các phòng bệnh thăm hỏi, động viên bệnh nhân và xây dựng Bếp ăn tình thương cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.


Từ một Bác sỹ trẻ, trưởng khoa, chị được bổ nhiệm là Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc.


Ngoài làm tốt công việc chuyên môn, Bác sỹ Chung còn tích cực tham gia các phong trào tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng và các hoạt động khác. Chị đã nỗ lực tuyên truyền và cùng tập thể bệnh viện thực hiện tốt công tác phối hợp với Hội Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên huyện vận động mọi người tham gia hiến máu nhân đạo. Hiện tất cả 114 cán bộ, công chức, viên chức của bệnh viện đều tham gia hiến máu, nhiều người hiến 2 - 3 lần. Phong trào nhận được sự hưởng ứng đông đảo của 120 đơn vị trên địa bàn.


Chị Vương Thị Chung là 1 trong 58 cá nhân được nhận Bằng khen của Tỉnh ủytại Hội nghị gặp mặt, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” 2 năm 2011-2012.


NGUYỄN YẾN (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nữ hộ sinh yêu nghề
HGĐT- Nhẹ nhàng, cởi mở, ân cần, chu đáo với người bệnh cũng như người nhà bệnh nhân và đồng nghiệp trong Trạm, đó là lời nhận xét của mọi người dành cho nữ hộ sinh Nguyễn Thị Hoa Sen - Phó trạm Trưởng Trạm Y tế xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc.
27/08/2013
Thoát nghèo bằng... “chất lính”
HGĐT- Đó là lời khẳng định của đồng chí Hoàng Đình Thi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Mèo Vạc khi nói về sự vươn lên trong gian khó của các CCB trên địa bàn. Phát huy bản chất “Anh bộ đội cụ Hồ”, các CCB đang là một trong những nhân tố gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế, XĐGN và góp phần vào sự đổi thay trên quê hương Mèo Vạc.
27/07/2013
Thoát nghèo trong gian khó
HGĐT- Nhiều người biết đến gia đình chị Đỗ Thị Ngân tổ 1, phường Minh Khai (TP Hà Giang) bởi chị là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế gia đình. Từ một hộ nghèo, vượt qua bao khó khăn bộn bề cuộc sống, chị đã tận dụng, khai thác tối đa diện tích đất của gia đình để phát triển mô hình vườn, ao, chuồng, rừng (VACR).
24/07/2013
Ông Lý Văn Minh làm kinh tế giỏi
HGĐT- Gia đình ông Lý Văn Minh, thôn U Khố Sủ, xã Tụ Nhân (Hoàng Su Phì) được nhiều người dân trong xã biết đến bởi ông là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu trên đất quê hương còn nhiều gian khó.
24/07/2013