Phân vùng sản xuất chủ lực ở Ngọc Linh
HGĐT- Ngọc Linh (Vị Xuyên) là xã thuần nông, việc phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, chính quyền địa phương thực hiện phân vùng sản xuất chủ lực, coi đây là khâu đột phá sản xuất nông nghiệp.
Sử dụng máy tạo bước đột phá trong khâu thu hái chè ở thôn Đội 5.
Chủ tịch UBND xã Ngọc Linh, Tô Văn Trường, cho biết: Nhằm sử dụng hiệu quả diện tích đất nông nghiệp, chính quyền xã đặc biệt quan tâm tận dụng thế mạnh riêng từng vùng để phát triển kinh tế bền vững, với3 vùng chủ lực: Sản xuất nông nghiệp ở thôn Nà Qua, Khuổi Vài, Nậm Dầu, Tân Phong...; sản xuất chè ở Ngọc Hà, Ngọc Quang và thôn Đội 5; phát triển rừng gắn với chăn nuôi ở các thôn: Nậm Nhùng, Ngọc Quang và Lăng Mu. Thực tế chứng minh, sự phân vùng thế mạnh trong lãnh, chỉ đạo của chính quyền xã những năm gần đây là đúng hướng, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt khi người dân có sự đầu tư, phát triển kinh tế một cách trọng tâm theo thế mạnh riêng từng vùng.
Từ việc phân vùng sản xuất lúa, vụ đông - xuân vừa qua, tổng sản lượng lương thực trên địa bàn xã đạt 1.515 tấn, tăng 110,3 tấn so cùng kỳ. Để nông nghiệp thực sự phát triển, vụ mùa năm nay, xã chú trọng đưa nhiều giống lúa mới vào sản xuất: Thực hiện gieo cấy 10 ha lúa trên những “Cánh đồng sử dụng 1-3 loại giống” tại Cốc Mị (thôn Ngọc Thượng) và thôn Khuổi Vài với cơ cấu giống chủ yếu: TH 3-3, BC 15, Chiêm hồng hoặc Nhị ưu 725, Shan ưu 63. Đồng thời, gieo cấy khảo nghiệm 0,6 ha giống lúa Hương biển tại thôn Tân Phong. Chị Nguyễn Thu Hương, cán bộ khuyến nông xã, cho biết: “Giống lúa mới có những đặc điểm nổi trội như: Không bị bạc lá, khô vằn, tính chống chịu tốt, phù hợp với thời tiết phức tạp trong vụ mùa, nên 4 hộ mạnh dạn gieo cấy khảo nghiệm. Đến nay, số diện tích trên đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển tốt”. Bên cạnh đó, xã còn chú trọng phát triển 194 ha ngô lai. Trong đó, có 60 ha ngô hàng hóa, được trồng chủ yếu tại các thôn: Đội 5, Ngọc Hà, Tân Phong, Nậm Dầu, Nậm Thanh. Diện tích ngô hàng hóa được bà con chú trọng đầu tư, chăm sóc, cho năng suất 60 tạ/ha, sản lượng 360 tấn, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ dân.
Anh Trường chia sẻ: Ngoài những cây trồng chủ yếu trên, chè thực sự trở thành cây công nghiệp xóa đói, giảm nghèo bền vững vì khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, thích ứng với điều kiện đất trồng của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện xã có 94 ha chè kinh doanh cho năng suất 45 tạ/ha, sản lượng 351 tấn; địa phương thực hiện nhiều biện pháp như: Tích cực vận động nhân dân trồng chè phủ xanh đất trống, đồi, núi trọc; phối hợp với Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp huyện cung ứng cây giống, phân bón và tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc và chế biến chè,... Từ nay đến năm 2015, xã phấn đấu trồng mới 50 ha chè tại các thôn: Tân Lập, Tân Phong, Ngọc Thượng...
Trên đường đến thôn Đội 5, bao lấy tầm mắt chúng tôi là những diện tích chè xanh ngát đang được bà con thu hái bằng những máy hái chè hiện đại. Bí thư Chi bộ thôn Đội 5, Nguyễn Xuân Trường, vui vẻ: “Đây là thôn có nhiều diện tích chè nhất xã, với trên 70 ha, trong đó 65 ha đang cho thu hoạch. Mỗi năm, chè đem lại cho bà con nguồn thu trên 1,5 tỷ đồng. Năm 2012, thôn chúng tôi thoát khỏi vùng 135 dựa vào nguồn thu nhập từ cây chè. Trong đó, nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, được công nhận hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, như gia đình anh: Nguyễn Xuân Xuyến, Nguyễn Duy Hân, gia đình ông Lương Công Hòa”...
Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi cũng là một lợi thế, được địa phương được chú trọng phát triển. Hiện tổng đàn gia súc, gia cầm của xã có 20.266 con. Trong đó, gần 2.000 con trâu, bò và 15.720 con gia cầm, số còn lại là dê, ngựa và lợn. Huyện Vị Xuyên cũng đã hỗ trợ cho 3 hộ nghèo thôn Khuổi Vài, Cốc Thổ mỗi hộ 1 triệu đồng làm chuồng trâu, nhằm hạn chế tối đa những tác động xấu của thời tiết. Mặt khác, công tác thú ý được triển khai thường xuyên qua việc tiêm phòng, phun và cấp thuốc khử trùng tiêu độc cho các hộ chăn nuôi, nên số lượng đàn gia súc, gia cầm phát triển tương đối ổn định và không có dịch bệnh lớn xảy ra. Việc phát triển chăn nuôi góp phần không nhỏ cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân.
Phân vùng sản xuất chủ lực ở xã thuần nông Ngọc Linh đem lại hiệu quả thiết thực trong phát huy tiềm năng, thế mạnh riêng từng vùng nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung toàn xã. Để diện mạo thôn quê khởi sắc: “Xã cần tập trung phát triển cây, con theo hướng sản xuất hàng hóa; mở rộng phát triển các ngành nghề. Mỗi cán bộ, công chức xã, ngoài phụ trách địa bàn, cần tham gia giúp một hộ thoát nghèo; vận động nhân dân phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng” – đó là mong muốn của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sèn Chỉn Ly tại buổi làm việc với xã hồi cuối tháng 7 vừa qua...
Ý kiến bạn đọc