Người cán bộ y tế thôn bản được dân tin yêu
HGĐT- Nói đến chị Sằm Thị Ình, ở thôn Bản Cưởm 2, xã Ngọc Đường (TPHG) mọi người trong thôn đều khen chị không chỉ là người năng động, sáng tạo, là người vợ, người mẹ đảm đang mà còn là một người nhiệt tình với công tác Y tế thôn bản (YTTB), được người dân trong thôn tin yêu.
Sinh năm 1965, dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông nghiệp, sau khi học hết lớp 6 chị phải ở nhà phụ giúp bố mẹ chăm sóc các em nhỏ và tham gia hoạt động phong trào ở thôn. Năm 1985 chị làm Đội phó sản xuất, năm 1996 làm Chi hội trưởng phụ nữ thôn. Đến năm 1999, được sự động viên của gia đình, chị quyết tâm theo học lớp sơ cấp YTTB tại Hà Giang. Với sự chịu khó, ham học hỏi, năm 2009 chị đã đi học tiếp lớp YTTB 9 tháng do dự án GAVI tài trợ với mong muốn trang bị thêm kiến thức để về phục vụ cho gia đình và bà con trong thôn.
Với địa hình phức tạp, các hộ dân sống rải rác, chủ yếu là đồng bào dân tộc, trình độ dân trí không đồng đều, chính vì vậy kiến thức về chăm sóc sức khỏe của người dân còn nhiều hạn chế. Những năm đầu đi làm tuy công việc đối với chị khó khăn, vất vả, phụ cấp hàng tháng chỉ với 40.000đ/tháng nhưng là một người hăng hái, nhiệt tình có trách nhiệm nên chị đã không quản ngại khó khăn, vất vả mà chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với Trưởng thôn và các đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân... để lồng ghép công tác tuyên truyền tới bà con về: Vận động các hộ gia đình di rời chồng gia súc ra xa nhà ở, làm công trình phụ hợp vệ sinh theo 6 nội dung của cuộc vận động; Vệ sinh làng xóm sạch đẹp; Khi ốm đau cần đến Trạm Y tế xã để khám và điều trị, không nên mời thầy cúng về cúng tại nhà... Đối với những gia đình không có phương tiện, chị lại lấy xe của mình để đưa họ đến ra Trạm Y tế khám, chữa bệnh. Chị vận động phụ nữ có thai đến cơ sở Y tế khám thai định kỳ, đăng ký quản lý thai nghén cũng như hỗ trợ đẻ thường và xử trí những trường hợp đẻ rơi khi sản phụ không kịp đến cơ sở Y tế... Trong các buổi họp phụ nư, chị luôn tuyên truyền, hướng dẫn chị em sinh đẻ có kế hoạch, khuyến khích các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai, hiện nay đã có 49/53 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai. Nhiều năm liền thôn không có cặp vợ chồng nào sinh con thứ 3 trở lên. Ngoài ra, hàng tháng chị vận động các bậc cha mẹ có con nhỏ đi tiêm chủng, cân trẻ và uống Vitamim A theo đúng quy định đạt 100%. Chị cũng luôn vận động, hướng dẫn nhân dân nuôi trồng và sử dụng thuốc nam tại gia đình để phòng và chữa một số chứngbệnh thông thường. Gia đình chị cũng trồng vườn thuốc nam để phục vụ bà con trong thôn. Đối với người mắc bệnh xã hội, mới đầu người dân còn hoang mang lo sợ, không dám lại gần chị đã đến giải thích để người dân hiểu, không xa lánh, kì thị và phân biệt đối xử với người bệnh. Chị cũng hướng dẫn cách chăm sóc để không lây bệnh cho mọi người trong gia đình.
Chị Chu Thị Khánh Hải, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ngọc Đường nhận xét: “Chị Ình là một người nhiệt tình, ham học hỏi và luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; luôn biết sắp xếp thời gian phù hợp với phong tục tập quán, sinh hoạt của người dân trong thôn để tổ chức tuyên truyền những kiến thức về Y tế tới nhân dân, chủ động học hỏi nâng cao trình độ. Đồng thời, chị cũng là người có trách nhiệm trong bảo quản trang thiết bị được cấp, có đầy đủ sổ sách theo dõi, giám sát dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe. Sự đóng góp của chị cùng với Trạm Y tế đã thực hiện tốt công tác giám sát, phòng chống dịch nâng cao sức khỏe nhân dân”.
Chị Ình tâm sự: “Để có được kết quả như ngày hôm nay là nhờ sự động viên, tạo điều kiện của chồng và sự giúp đỡ của người dân trong thôn nên mình đã có được thời gian và kiến thức để chuyên tâm phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe. Mình mong sao bà con không bị ốm đau bệnh tật, có đủ sức khỏe để lao động sản xuất, thoát khỏi đói nghèo”.
Từ sự nỗ lực, phấn đấu của mình, nhiều năm liền chị đã được UBND xã và thành phố, Trung tâm Y tế tặng Giấy khen. Đặc biệt, năm 2012 chị được Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương về sự nghiệp Dân số.
Ý kiến bạn đọc