Anh Lưu Công Nguyên làm kinh tế giỏi
HGĐT- Sinh ra và lớn lên tại thành phố Hà Giang, năm 2010, anh Lưu Công Nguyên quyết định rời thành phố lên xã Minh Tân (Vị Xuyên) sinh sống và làm kinh tế. Anh Nguyên tâm sự: “Thấy được tiềm năng phát triển chăn nuôi, nhất là nơi đây có sẵn nguồn thức ăn cho gia súc được bà con sản xuất, do đó, tôi đã chuyển nhà từ thành phố Hà Giang lên đây với quyết tâm gây dựng kinh tế từ chăn nuôi lợn”.
Anh Nguyên chăm sóc đàn lợn.
Để phát triển chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại, những ngày đầu gia đình anh Nguyên gặp không ít khó khăn do thiếu vốn đầu tư cũng như chưa có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi. Để tháo gỡ khó khăn về vốn, anh mạnh dạn vay 400 triệu đồng từ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Hà Giang để đầu tư làm chuồng trại và mua 40 con lợn giống... Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi nên lứa lợn đầu tiên của anh mắc bệnh dịch và chết hàng loạt. Nhưng với quyết tâm làm giàu từ chăn nuôi và suy nghĩ “lấy thất bại là bài học kinh nghiệm”, anh tự mày mò, tìm hiểu, tham khảo qua sách, báo, ti vi về một số mô hình chăn nuôi lợn của các hộ chăn nuôi điển hình. Khi có thêm kiến thức chăn nuôi, anh tiếp tục đầu tư phát triển chăn nuôi lợn. Do có nhu cầu chăn nuôi lớn nên anh được huyện, xã đầu tư 30 triệu đồng để làm chuồng trại kiên cố từ Chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi quy mô trang trại của huyện. Anh đầu tư sửa sang lại hệ thống chuồng trại, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, làm tốt công tác tiêm phòng. Để đảm bảo chất lượng, an toàn vật nuôi, gia đình anh đã áp dụng khoa học kỹ thuật như lắp quạt trần trong chuồng, bóng điện sưởi ấm giúp chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè, giữ ấm vào mùa đông; áp dụng công nghệ ủ thức ăn dành cho lợn bằng men vi sinh. Lứa lợn thứ hai với 40 con lợn thịt của gia đình anh phát triển nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình anh mạnh dạn mở thêm cửa hàng tạp hóa với mục đích vừa thu mua nông sản cho bà con để phục vụ chăn nuôi, vừa cung cấp những mặt hàng thiết yếu có chất lượng tốt phục vụ nhu cầu của bà con. Bằng tiền lãi thu được từ chăn nuôi và kinh doanh hàng tạp hóa, gia đình anh Nguyên tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi lợn thịt từ 40 con/lứa lên 80 con/lứa. Cho đến nay, gia đình anh chăn nuôi 2 lứa lợn/năm, bình quân sản lượng lợn thịt đạt gần 15 tấn, tổng doanh thu từ chăn nuôi trên 500 triệu, trừ chi phí mỗi năm thu hàng trăm triệu. Từ phát triển chăn nuôi và kinh doanh, gia đình anh có nguồn thu trên 200 triệu đồng/năm. Quan trọng hơn, hàng năm gia đình anh còn tiêu thụ hàng chục tấn nông sản ngô, sắn cho nhân dân, góp phần không nhỏ trong việc kích cầu sản xuất hàng hóa trên địa bàn. Tuy nhiên trong quá trình chăn nuôi anh cũng gặp không ít khó khăn về vốn đầu tư để tiếp tục mở rộng quy mô, công tác tiêm phòng dịch bệnh...
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Nguyên còn tích cực hướng dẫn, vận động bà con trong xã cách chăn nuôi lợn thịt. Trước lúc chia tay, anh tâm sự: “Mong muốn sắp tới sẽ mở rộng thêm quy mô chăn nuôi và mở thêm một nhà hàng để phục vụ ăn ở cho khách du lịch và người dân địa phương”.
Ý kiến bạn đọc