Thoát nghèo trong gian khó
HGĐT- Nhiều người biết đến gia đình chị Đỗ Thị Ngân tổ 1, phường Minh Khai (TP Hà Giang) bởi chị là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế gia đình. Từ một hộ nghèo, vượt qua bao khó khăn bộn bề cuộc sống, chị đã tận dụng, khai thác tối đa diện tích đất của gia đình để phát triển mô hình vườn, ao, chuồng, rừng (VACR).
Chị Đỗ Thị Ngân chăm sóc đàn gia súc của gia đình.
Với tác phong nhanh nhẹn, gần gũi, chị kể chúng tôi nghe về những tháng ngày gian khó của hai vợ chồng khi bước đầu chập chững làm nghề. Câu chuyện bắt đầu sau tiếng thở dài, như trút bỏ nỗi lo lâu ngày khi chị phải bươn trải, gánh vác việc nhà. Chị Ngân cho biết: “Năm 1992 hoàn cảnh gia đình gặp rất nhiều khó khăn, cuộc sống vốn nghèo nay lại càng nghèo hơn kể từ khi căn bệnh nan y đang từng ngày, từng giờ đày đọa trong cơ thể chồng chị. Gánh nặng kinh tế cũng như nỗi đau tinh thần và cái nghèo cứ bám riết cuộc sống của gia đình chị, nhiều khi cơm ăn không đủ no, mặc không đủ ấm... Nhiều đêm chị không thể ngủ được chỉ vì lo làm thế nào để có nguồn thu nhập cho 2 con nhỏ ăn học, rồi lấy đâu ra tiền để chữa bệnh cho chồng...
Sống trong gian nhà lụp sụp vách nứa, xung quanh là núi đồi hoang vắng. Với chị, gia đình nhỏ chính là động lực thôi thúc để vượt lên tất cả khó khăn, cực nhọc với một quyết tâm rũ bỏ cái nghèo, vươn lên làm giàu từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá và trồng rừng. Với tính cần cù, chịu khó, gia đình chị cần mẫn cải tạo vườn đồi để trồng rừng, kết hợp với trồng sắn tạo nguồn thu nhập chính cho gia đình; tận dụng triệt để khe đồi, suối đắp đập làm ao nuôi cá... Bắt tay vào làm kinh tế từ 1 con lợn nái cùng vài mái gà, bước đầu đã tạo cho gia đình chỉ chó thu nhập ít nhiều để rồi từng bước hình thành và nhân rộng mô hình kinh tế VACR.
Những năm đầu, do chưa có kinh nghiệm nên ao cá, lợn, gà mới gây chết hàng loạt, dẫn đến vốn liếng đầu từ vào làm kinh tế của gia đình gần như mất trắng. Không nản lòng, chị bàn với chồng vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện và số tiền dành dụm thu được từ bán sắn cùng với tiền vay mượn của anh em trong gia đình; chị tiếp tục đầu tư mua con giống, gây dựng lại mô hình sản xuất vốn có của gia đình. Để tránh rủi ro lặp lại, chị tích cực tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, chăm sóc vườn rừng và áp dụng KHKT vào sản xuất, đồng thời tuân thủ đúng theo những gì đã được học vào thực tế. Sau nhiều năm vừa làm, vừa rút kinh nghiệm; đến nay, trong chuồng nhà chị lúc nào cũng có trên 20 con lợn và mỗi năm chị xuất 4 lứa, mỗi lứa bình quân trên 2 tấn lợn hơi; có năm được giá, chị thu từ nuôi lợn lên đến trăm triệu đồng; trừ chi phí còn lãi khoảng 50-70 triệu đồng. Với trên 10ha diện tích rừng trồng các giống cây như: Mỡ, quế, keo... cùng hơn 2.000m2 ao nuôi cá và đàn gia cầm các loại hơn trăm con cũng mang lại nguồn thu trên 50 triệu đồng/năm cho gia đình chị. Chị Ngân cho biết: Thu nhập bình quân của gia đình, trừ tất cả các khoản đầu tư cũng thu được trên 80 triệu đồng/năm. Sau nhiều năm vất vả đến nay, vợ chồng chị đã xây được ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi phục vụ cho cuộc sống gia đình. Đến nay, kinh tế gia đình chị đã dần ổn định và thoát được cảnh nghèo. Chị Ngân chia sẻ: gia đình chị tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi và sắp tới chị sẽ đầu tư nuôi giống lợn rừng sinh sản.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, làm giàu cho gia đình; chị Ngân còn là một tổ trưởng gương mẫu, nhiệt tình, năng nổ, trách nhiệm. Chị luôn thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; tập trung phát triển kinh tế, xoá bỏ các tập tục lạc hậu và đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ngoài hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, cách làm kinh tế cho bà con trong tổ, chị còn giúp đỡ 7 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn mượn 800m2 ao chăn thả cá và 2 ha đất rừng trồng để làm kinh tế, nhờ có sự tận tâm của chị mà nhiều hộ trong tổ dân phố đã thoát nghèo bền vững.
Ý kiến bạn đọc