Thầy giáo trong... “lòng dân”
HGĐT- Có lẽ ít nơi nào người dân lại gọi Bí thư Đảng ủy xã bằng cái tên “thầy giáo” một cách quý trọng và gần gũi đến như vậy. Cũng có thể do thời gian trước đây anh công tác trong ngành giáo dục, nhưng với anh, gần dân, sâu sát, sẻ chia khó khăn với người dân và bình dị trong công tác, trong cách sống sẽ luôn được dân quý, dân yêu. Anh chính là Ngô Mạnh Cường, Bí thư Đảng ủy xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc). Trong sự đổi thay của xã nghèo hôm nay, những đóng góp của người cán bộ mẫu mực đã tạo nên một tấm gương sáng trong “học” và “làm theo” lời Bác Hồ kính yêu.
Dẫu không sinh ra và lớn lên trên vùng đá núi này nhưng gần như cả tuổi trẻ của anh đã cống hiến cho vùng đất còn nhiều gian khó. Sinh năm 1975 tại quê hương Hoàng Hóa (Thanh Hóa), anh Ngô Mạnh Cường quyết tâm rời xa quê tìm con đường lập nghiệp tại mảnh đất Mèo Vạc khi vừa tròn 21 tuổi. Ngày ấy thị trấn Mèo Vạc hoang sơ, chỉ có lác đác vài ngôi nhà nép mình bên chân núi. Khó khăn có thể trông thấy ngay trước mặt nhưng không thể đẩy lùi nhiệt huyết và sức trẻ trong anh. Hành trang anh mang theo khi ấy là... “hai bàn tay trắng”. Những ngày đầu với anh nơi đây thật quá xa lạ, nghèo nàn, trình độ dân trí còn thấp và đó đã trở thành một nỗi niềm trăn trở. Với mong muốn mang đến kiến thức cho người dân còn mang nặng nhiều hủ tục, anh đã quyết định theo học lớp sơ cấp ở thị trấn Mèo Vạc. Đến năm 1997, Ngô Mạnh Cường chính thức “kết duyên” với nghề giáo khi anh trở thành thầy giáo đứng lớp tại trường Tiểu học xã Pải Lủng. Ngày ấy, lương “ba cọc, ba đồng” trong khi cơ sở vật chất nhà trường coi như chưa có gì, học sinh cũng chẳng có bao nhiêu, nhưng tâm huyết với nghề anh vẫn hàng ngày bám lớp, bám trường để thỏa niềm trăn trở. Năm 1998, thầy giáo Ngô Mạnh Cường chuyển về dạy tại trường Tiểu học Cán Chu Phìn. Kể từ đó, mảnh đất gian khó ấy đã gắn bó với anh đến năm 2010 khi anh chuyển về công tác tại Phòng Giáo dục huyện Mèo Vạc, trong năm này anh lại trở về Cán Chu Phìn giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã cho đến ngày hôm nay. Đây cũng là những tháng ngày kỷ niệm khó quên khi anh xây dựng “tổ ấm” hạnh phúc cho riêng mình.
Trên cương vị mới, có những ngày ở lại nhà dân để được chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, điều đó đã làm anh có được những chỉ đạo sát sao, thực tế và có lợi cho dân nhất, hợp lòng dân nhất. Vì thế mà trong các cuộc họp chi bộ, cán bộ xóm không thể nói dối về tình hình đời sống nhân dân. Có lẽ thế mà anh luôn được cán bộ xóm cũng như người dân tin yêu, coi trọng. Cho đến bây giờ, là Bí thư Đảng ủy xã được gần 3 năm nhưng dẫu ở đâu, gặp bất kỳ ai là người dân Cán Chu Phìn cũng đều chào anh bằng cái tên “thầy giáo”. “Thấy mọi người gọi như vậy cũng vui, bởi ít nhiều mình cũng đã cống hiến cho nền giáo dục xã nhà”. Anh Cường tâm sự. Nhưng hơn hết ai cũng có thể hiểu rằng, để được tôn trọng và yêu quý như vậy chắc chắn cách sống hòa đồng vẫn là điều quyết định. Một người cán bộ xã có thể thuộc tên và nắm rõ hầu hết vài trăm hộ gia đình có thể nói là “hiếm” ở giữa nơi điệp trùng núi rừng này. Nhưng với anh đó cũng chỉ là một... “niềm vui nhỏ”. Bởi có gần gũi, có hiểu dân thì mới làm cho dân bớt khổ, và như vậy không có cớ gì lại không được dân quý, dân yêu.
Trên quan điểm, định hướng đúng đắn, phát huy vai trò người cán bộ, đảng viên trong xây dựng “chi bộ điểm”, với cương vị Bí thư Đảng ủy xã, anh Ngô Mạnh Cường đã và đang góp phần lớn trong việc mang lại một diện mạo mới cho xã nghèo. Thông qua xây dựng “chi bộ điểm”, chất lượng đảng viên trong xã được nâng cao, các chi bộ thực hiện tốt công tác lãnh, chỉ đạo nhân dân phát triển KT – XH, đó là nền tảng để xã Cán Chu Phìn nhanh chóng XĐGN bền vững. Đã hơn một lần, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc Sùng Minh Sính khẳng định: “Đồng chí Ngô Mạnh Cường là một nhân tố điển hình trên các mặt công tác. Đó là một người cán bộ gần dân, biết cách chia sẻ với dân. Dù trên cương vị nào cũng rất cần một người cán bộ như thế”.
Ý kiến bạn đọc