“Nhỏ không học lớn lên em biết làm gì?”

08:22, 18/06/2013

HGĐT- Câu hỏi nhỏ đặt ra cho tương lai ấy của em Vừ Thị Pà, học sinh lớp 7C, trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tát Ngà, xã Tát Ngà (Mèo Vạc) khiến nhiều người mến phục bởi con đường đến trường của em gập ghềnh gian khó nhưng không vì thế đôi chân em dừng bước. Ngày qua ngày, Pà bước qua bao gian khó để “xây” ước mơ cháy bỏng trở thành cô giáo đầu tiên “gieo” chữ ở bản Mông quê em.



Dù không có nhiều thời gian để học nhưng Pà luôn vươn lên học tốt.


Từ UBND xã Tát Ngà, anh Chư Văn Hiệp, giáo viên chủ nhiệm lớp 7C chỉ cho tôi con đường đến nhà Pà. Không xa tầm mắt, ngôi nhà sàn nhuốm màu thời gian nằm cheo leo trên một quả đồi hiện ra trước mắt tôi. “Ở chỗ Pà, cuộc sống của người dân còn nghèo, trình độ dân trí còn hạn chế, đường xá đi lại khó khăn... Nhưng các em yêu trường lớp và ham học lắm”, anh Hiệp giới thiệu. Một đoạn đường chưa đầy 4 km nhưng chúng tôi đã mất gần 30 phút đi bằng... xe máy. Con đường đất quá nhỏ và dốc “vắt” mình qua những quả đồi dễ làm chùn tay lái bất cứ ai thiếu can đảm. Gần đến nhà Pà, chúng tôi phải dừng xe mãi ngoài con dốc cạnh đường để “cuốc” bộ vào nhà em theo con đường mòn nhỏ. Đường đi khó đến độ nếu “may mắn” có xe đạp để đi cũng đành... khước từ. Sau 1 giờ đồng hồ chờ đợi, chúng tôi gặp được Pà nhờ cô em gái nhỏ làm “giao liên”, lặn lội tìm em về từ mãi nương cao. Tiếp xúc với em, ấn tượng để lại cho tôi là hình ảnh cô bé Pà nói chuyện lịch thiệp, khéo léo và và đầy nghị lực.

 

Pà tâm sự: “Gia đình em nghèo lắm. Bố mẹ nghĩ em mang phận gái cho em đi lấy chồng là bố mẹ hết trách nhiệm, không phải đi học... tốn tiền nên dặn em ở nhà làm nương ngô. Mỗi lần như vậy, em chỉ biết khóc và tìm cách trốn bố mẹ để đến trường học chữ”. Sau bao lần bị bố giấu túi sách, bị đánh đòn vì “mất tích” thường xuyên nhưng chưa bao giờ Pà từ bỏ ước mơ theo học... Cuối cùng, bố mẹ cũng không cản được bước chân em đến trường nên thuận ý chiều em. Với dáng người nhỏ nhắn nhưng Pà đã gánh vác rất nhiều công việc trong gia đình từ: Chăn trâu, cắt cỏ, vun ngô đến trông em và quán xuyến việc nhà. Sự vất vả để lại cho Pà khuôn mặt khá chững chạc so với tuổi 13 của em. Pà chia sẻ: Từ ngày chị gái đi lấy chồng, mọi công việc trong gia đình phần lớn do em đảm nhiệm. Bởi cha mẹ già sức khỏe ngày một yếu. Ngoài thời gian đến trường, ít ai thấy Pà ở nhà. Họ chỉ có thể thấy em cần mẫn bên nương ngô hay chăm sóc từng đám ruộng,... Những lúc như vậy, Pà phải tranh thủ mọi thời gian rảnh rỗi để học. Mỗi lần đi chăn trâu, em đều mang theo sách vở để ôn bài cũ và đọc qua bài mới. Nhiều khi công việc đòi hỏi sự luôn tay như vun ngô hoặc gặt lúa, Pà tranh thủ đọc qua bài cũ một lượt rồi vừa làm vừa ngẫm những điều mình vừa đọc để nhớ bài. Tối đến, sau khi đã nấu xong nồi cám to cho đàn lợn kịp bữa sáng và dọn dẹp việc nhà, thời gian học của em chỉ còn lại khi đêm về.

 

Sinh ra trong nghèo khổ và thiếu thốn, thấm đẫm những giọt mồ hôi chát mặn của tuổi học trò rơi trên từng nương ngô, ruộng lúa, Pà cố gắng theo học chữ, ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo đầu tiên “gieo” chữ bản nghèo. Ngày ngày, để chuẩn bị kịp giờ học lúc 1 giờ chiều, Pà phải đi học từ... 11 giờ trưa. Những ngày mưa, đường trơn, em có thể đi học sớm hơn để không muộn giờ tới lớp. Pà nhớ lại: “Có những lần đến lớp, bàn chân em lấm lem màu đất, phải xách dép, bấm từng ngón chân xuống đường để không bị trơn ngã”. Dù vất vả là vậy nhưng chưa một ngày Pà nghỉ học khi không có lý chính đáng. Vượt qua mọi khó khăn, 7 năm liền, Pà luôn là học sinh khá, giỏi của trường, của huyện. Năm học vừa qua, em là học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ Văn. Thầy Hiệp khoe: “Khi nhiều người trong bản còn chưa biết tiếng Việt nhưng một cô gái Mông như Pà lại học Văn rất giỏi, chữ viết rất đẹp. Kỳ thi năm đó không có giải Nhất. Em Pà đoạt giải Nhì với điểm số 18/20 đấy”.

 

“Dù chưa một lần được đến trường bằng xe đạp nhưng em sẽ luôn cố gắng học chăm để ước mơ sớm trở thành hiện thực. Em tin lời thầy Hiệp dạy: “Học để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy rễ của việc học thì đắng nhưng quả của nó thật ngọt ngào”, Pà tâm sự.


THU PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Những cựu binh làm kinh tế giỏi
HGĐT - “Dám nghĩ, dám làm” đó là hình ảnh chúng tôi nhận thấy ở các cựu chiến binh Phạm Ngọc Dũng, Nguyễn Bình Bình (xã Hùng An, huyện Bắc Quang). Họ đã tạo ra những mô hình kinh tế đạt hiệu quả, có sức lan toả rộng trong cộng đồng, góp phần làm phát triển kinh tế địa phương.
30/04/2013
Đảng bộ Quân sự tỉnh: Đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
HGĐT- Sau 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 3 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 317 của Quân ủy T.Ư và Kế hoạch số 40 của Tỉnh ủy về việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, LLVT tỉnh đã phát huy hiệu quả tích cực, thiết thực góp phần bồi đắp phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tạo sự chuyển biến từ ý thức tới hành động của mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng trong thực
29/05/2013
Luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
HGĐT- Đó là Thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp Phan Đức Kiên, trợ lý Tham mưu Ban CHQS huyện Quản Bạ, là chàng trai quê ở tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1997 anh tham gia quân ngũ, với bản chất hiền lành, chịu khó ham học hỏi, tận tụy với công việc; sau một thời gian, anh được Quân đội cử đi học tiểu đội trưởng, trung đội phó rồi trợ lý huyện, thị. Từ năm 2005 tới nay, anh được điều
29/05/2013
Người có nhiều đóng góp cho ngành Giáo dục Yên Minh
HGĐT- Nhiều năm gắn bó với nghề dạy học ở huyện Yên Minh, cô giáo Tống Thị Lý hiểu rõ nỗi vất vả của nghiệp “gieo” chữ ở nơi vùng cao khó khăn này;vì đồng cảm với nghèo khó của bà con nơi đây, nhất là thương những đứa trẻ như mầm non đang nhú lên trên vùng đất khô cằn mà cô giáo Lý đã gắn bó với nghề từ những ngày đầu ra trường (năm 1984) đến nay đã 29 năm.
28/05/2013