Bí thư Chi bộ thôn tích cực vận động trẻ tới trường
HGĐT- Nhắc tới phong trào khuyến học của xã Bạch Đích, mọi người đều nói về anh Nùng Sử Cáo, người dân tộc Nùng, Bí thư Chi bộ thôn Lùng Vái, xã Bạch Đích (Yên Minh) là người luôn tích cực trong công tác vận động trẻ em đến trường.
Anh bắt đầu trở thành “cầu nối” đưa học sinh đến trường từ năm 2000, lúc mới nhận chức Trưởng thôn do bà con bầu chọn. Khi ấy, Lùng Vái là một điểm “trắng” không có trường, lớp học cho trẻ em trong thôn. Nhận thấy sự cần thiết mở một điểm trường ở thôn cho trẻ em đi học được thuận lợi, Nhà nước đã đầu tư cho dựng điểm trường Tiểu học. Với mong mỏi con em trong thôn được học chữ đầy đủ, anh đã vận động bà con trong thôn góp công sức để cùng dựng điểm trường. Nói về suy nghĩ lúc đó, anh Cáo cho biết: “Tôi nghĩ bây giờ đã đổi mới nhiều rồi, con em mình phải được học hành đầy đủ, ít nhất cũng phải cho con đi học hết THPT; không giống như mình ngày xưa chỉ cần trồng trọt có đủ cơm ăn là hạnh phúc rồi”.
Lúc mới có điểm trường, đường sá vào thôn chật chội, cơ sở vật chất nhà trường chưa được đầu tư nhiều chỉ có 2 lớp học nhà tranh vách đất, mùa đông khí lạnh lùa qua khe hở lạnh cóng; mùa hè thì bị dột, không đảm bảo phòng cháy cho cả cô lẫn trò. Vì thương và biết ơn cô giáo từ vùng xuôi lên dạy học cho các cháu trong thôn mà anh luôn tất bật giữa việc ở nhà, việc ở điểm trường. Nhờ có sự giúp đỡ tận tình của anh cùng bà con mà các cô giáo đã vượt qua những khó khăn, thiếu thốn ở đây; tập trung hết lòng dạy dỗ các học trò nhỏ của mình. Sự kiện đáng nhớ đối với anh Cáo đó là: “Lúc điểm trường mới xây dựng được khoảng 2 năm, do một cơn bão lớn khiến mái nhà bị sập; hôm đó cô giáo Hà và con nhỏ ở trong phòng nhờ may mắn chui xuống gầm giường mới thoát nạn. Sáng sớm hôm sau, người dân trong thôn tập trung lại để kéo các gậy chống gãy nát từ mái nhà ra mới đưa được cô giáo và con ra ngoài. Sau đó, tôi đã huy động mỗi nhà góp 40 viên ngói, 6 cái rui cùng với ngày công, vật liệu để dựng lại điểm trường bằng tường đất lợp mái ngói âm dương cho đảm bảo an toàn. Ngày cô giáo rời điểm trường có đến cảm ơn chúng tôi và khóc mãi lúc chia tay vì nhờ sự giúp đỡ, tình cảm của bà con mà cô mới có thể bám trụ ở điểm trường”. Sau này, Nhà nước đầu tư gạch, xi măng còn người dân trong thôn bỏ công ra xây trường học kiên cố được vài năm thì do số học sinh không đủ nên đã chuyển toàn bộ học sinh ra trường ở trung tâm xã.
Thế nhưng công việc vận động trẻ em đến trường của anh Cáo, nay là Bí thư chi bộ thôn Lùng Vái vẫn tiếp tục. Theo anh Cáo, hiện tại ở thôn có 7-8 cháu học mẫu giáo; 18 học sinh tiểu học; trung học cơ sở có 25 em; học chuyên nghiệp 10 em; và có 5 người đã trở thành giáo viên, công an tiếp tục góp sức xây dựng quê hương. Nhờ sự nỗ lực vận động bà con trong suốt 13 năm qua, cùng với lý lẽ hợp lý, rằng “thời buổi bây giờ ít nhất cũng phải biết chữ để ghi chép, tính toán kinh doanh, buôn bán” đã thấu được lòng bà con. Và nay người dân đã hiểu ra tầm quan trọng của việc học chữ nên chủ động cho con đến trường, không cần có người đến tận nhà khuyên giải như trước nữa. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường của thôn luôn cao, có nhiều em học sinh đạt thành tích tốt trong học tập. Người dân thôn Lùng Vái cũng luôn tích cực đóng góp các khoản hỗ trợ việc học tập của con em mình, hàng năm mỗi gia đình góp vào Quỹ Nội trú dân nuôi của xã 1,2 tạ thóc...
Hiện nay, gia đình anh Cáo có 3 người con thì có 2 đứa lớn đã đi học chuyên nghiệp ở trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang và trường Trung cấp Sư phạm Việt Trì; con gái út của anh đang học tại trường THPT Yên Minh. Sự chăm chỉ học hành của con cái đã trở thành niềm an ủi, tự hào của gia đình anh. Dù thương con đi học xa nhà vất vả nhưng gia đình anh vẫn cố gắng lo cho con đi học vì suy nghĩ “người làm cha mẹ mà không cho con cái được học hành đầy đủ là chưa làm tròn bổn phận, là có lỗi”.
Ý kiến bạn đọc