Người có nhiều đóng góp cho ngành Giáo dục Yên Minh
HGĐT- Nhiều năm gắn bó với nghề dạy học ở huyện Yên Minh, cô giáo Tống Thị Lý hiểu rõ nỗi vất vả của nghiệp “gieo” chữ ở nơi vùng cao khó khăn này;vì đồng cảm với nghèo khó của bà con nơi đây, nhất là thương những đứa trẻ như mầm non đang nhú lên trên vùng đất khô cằn mà cô giáo Lý đã gắn bó với nghề từ những ngày đầu ra trường (năm 1984) đến nay đã 29 năm.
Bằng sự cố gắng, không ngừng trau dồi kiến thức; cô Lý luôn là giáo viên chắc về chuyên môn và nhiều năm được công là giáo viên giỏi cấp huyện và cũng là người đào tạo rất nhiều thế hệ thầy, cô giáo trong huyện đi làm công tác xóa mù; truyền sự yêu mến nghề nghiệp đến nhiều học trò của mình. Cô Tống Thị Lý, sinh 1965, quê ở Tuyên Quang. Năm xưa, nghe theo tiếng gọi của Đảng, học xong chương trình xóa mù 10+2 rồi đi làm “nghĩa vụ ánh sáng” 3 năm. Nơi đầu tiên cô đến là trường Tiểu học xã Lao Và Chải (Yên Minh). Nhớ về ngày ấy, cô kể: “Lần đầu tiên lên trường học, đi một mình trong khi đang xảy ra chiến tranh biên giới, xe đi suốt buổi tối mà không được bật đèn, mỗi khi có đạn bay qua là tôi hồi hộp lo sợ. Ở trường chính song chỉ có 3 thầy, cô giáo; khi đó nhiều thôn là điểm trắng không có giáo viên dạy. Việc vận động trẻ đến trường rất khó, cứ ban đêm là mấy thầy cô lại đến từng nhà vận động vì ban ngày người dân đi làm nương. Ngày nào chúng tôi cũng đi vận động, nhưng học sinh đến trường rất ít vì khi ấy trình độ dân trí chưa cao”. Thấy con vất vả quá, lần nào về nhà, bố mẹ cô cũng khuyên cô không đi dạy học nữa; nhưng rồi cô Lý vẫn lên trường và cố gắng theo nghề dạy học. Trong hoàn cảnh đó, cô Lý gặp khoông ít khăn, phần vì lạ nước lạ cái, phần còn thiếu kinh nghiệm. Nói về việc vận động trẻ đến trường, cô Lý cho biết: “Lúc đầu tôi vận động các gia đình theo như những gì được dạy ở trường, giải thích cho bà con hiểu về những cái được của việc học chữ như: Đời sống của con em họ sau này sẽ khá hơn, có thể trở thành cán bộ ở xã hoặc nếu không thì sau này cũng biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất...”. Nhưng sau một thời gian thấy thuyết phục như vậy là chưa đủ vì đồng bào không biết tiếng kinh, cô đã nghĩ ra nhiều cách khác như hứa sẽ giúp tìm quần áo cho bọn trẻ, em nào không có cặp thì cô xin cặp về cho; rồi tiếp cận các gia đình bằng cách đến chơi, cùng ăn cơm với gia đình dù các món ăn của bà con đều không hợp với khẩu vị của cô. Nhờ sự nhiệt tình và hành động thiết thực của cô, các bậc cha mẹ cũng dần thuận ý cho con đi học. Sau này cô Lý còn dạy ở một số trường khác, tiếp tục công việc vận động trẻ đến trường. Năm 1987, cô Lý được điều đến dạy ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện; tại đây, cô Lý đã truyền nghề cho nhiều lớp thanh niên, đào tạo nhiều giáo viên tiếp tục sự nghiệp gieo chữ cho trẻ em ở các thôn, bản nghèo. Và hiện tại, cô là giáo viên của Trường Tiểu học Hữu Vinh (Yên Minh); với nhiều năm theo nghề dạy học, câu chuyện mà cô nhớ mãi trong quá trình vận động học sinh, đó là em Vừa Thị Dính, người Mông, cô tâm sự: “Khi tôi nhận lớp thì thấy em học sinh này có tên trong danh sách nhưng đã nghỉ học từ 1 năm trước. Tôi liền tìm đến nhà để vận động gia đình cho em đi học, nhà Dính cách trường 7 km, đường đi khá khó; khi đến nhà thì thấy em đang ở nhà và trông 4 đứa bé. Tìm hiểu mới biết hoàn cảnh của em rất khó khăn, mẹ đã già nhưng vẫn phải làm việc để nuôi gia đình, bố em lại mất sớm. Tôi khuyên mẹ Dính nên cho con đi học thì chị lắc đầu không đồng ý và nói: Cho nó đi học thì nhà không có ai trông trẻ và làm nương. Tôi phải ở lại nhà Dính chơi, vừa làm việc cùng với gia đình vừa thuyết phục mẹ em; nói cho chị biết về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước... cuối cùng thì mẹ dính đã đồng ý cho em đi học”.
Thầy Phạm Văn Đức, Hiệu phó trường Tiểu học Hữu Vinh cho biết: “Cô Lý là một giáo viên giỏi, luôn đứng đầu trường về chuyên môn, rất nhiệt tình với công tác vận động học sinh. Thậm chí, có nhiều thầy, cô giáo trong trường trước đây cũng là học sinh của cô. Ở trường, cô luôn gương mẫu, chấp hành tốt các quy định, chan hòa giúp đỡ đồng nghiệp; nhiều năm học cô được công nhận là giáo viên giỏi cấp huyện”. Có thể nói, cô Lý là một trong những người có nhiều đóng góp cho việc phát triển học tập trên địa bàn huyện và là một điển hình đẹp trong việc xây dựng cộng đồng học tập của huyện.
Ý kiến bạn đọc