Người có nhiều đóng góp phát triển kinh tế địa phương
HGĐT- Về thôn Tân Thành II, xã Liên Hiệp (Bắc Quang), chúng tôi được biết đến anh Mông Văn Đỗ, dân tộc Dao là một nông dân có trí và miệt mài làm giàu từ chính những đồi rừng.
Nhiều năm trước, thực hiện chủ trương của Nhà nước về phủ xanh đất trống, đồi trọc, phát triển kinh tế, gia đình anh đã xin nhận 21ha đất đồi để trồng keo. Đứng trước những quả đồi khi ấy, nhiều người không khỏi e ngại bởi công sức đâu mà có thể đem lại thu nhập từ những mảnh đồi khó khăn ấy. Mùa xuân 2013 này, sau 5 năm quyết tâm của cả gia đình anh Đỗ, những vườn đồi khó khăn ngày nào, giờ đã xanh một màu hy vọng.
Anh Đỗ (đứng cạnh người đeo loa) đang cùng các cán bộ nông nghiệp tỉnh và huyện đánh giá sự phát triển của mô hình rừng thâm canh kinh tế.
Với biết bao mồ hôi, công sức, biết bao ngày tháng nhọc nhằn khai hoang, chăm bẵm, những đồi keo của anh Đỗ đang trổ lên xanh tốt. Anh Đỗ cho biết, 21ha rừng keo của gia đình đã bước qua tuổi thứ 5 và theo lộ trình, khoảng gần 10 năm sẽ cho thu hoạch. Ước tính hiện nay, 1ha keo thu hoạch sẽ có giá trị khoảng 60 triệu đồng, đó là nguồn lợi không nhỏ, công sức của 10 năm trồng cây sẽ mang đến cho gia đình anh một cuộc sống đầy đủ hơn. Tiếp tục nhân thêm màu xanh cho quê hương, năm 2012, gia đình anh Đỗ đã đi đầu trong việc thực hiện mô hình trồng rừng thâm canh kinh tế do Sở NN&PTNT và huyện Bắc Quang triển khai tại xã Liên Hiệp. Anh Đỗ cho biết, gia đình đã bán đi 2 con trâu to để có tiền triển khai 6,1ha rừng thâm canh. Với nhận thức từ trước đến nay, nhiều người chỉ biết trồng rừng theo cách truyền thống, mật độ dày và chưa biết chăm sóc để rừng cây đạt giá trị kinh tế cao nhất. Qua việc triển khai mô hình trồng rừng thâm canh kinh tế, bước đầu đã đem đến một sự thay đổi về nhận thức trong sản xuất cho chính gia đình anh và nhiều hộ tham gia mô hình. Qua đó, sẽ tạo đột phá trong sản xuất lâm nghiệp tại địa phương, đưa việc trồng rừng trở thành lĩnh vực đem lại thu nhập cao cho người dân địa phương.
Không chỉ nỗ lực trồng rừng kinh tế, gia đình anh Đỗ còn là gia đình có thu nhập khá từ việc tăng gia chăn nuôi, trồng trọt. Gia đình anh thường xuyên duy trì tốt việc phát triển đàn gia súc, gia cầm. Hiện gia đình có đến 5 con lợn nái sinh sản, 2 con trâu; đàn gà, vịt có trên 140 con, cùng hệ thống ao thả cá không nhỏ. Mỗi năm, gia đình anh thu hoạch đạt khoảng 5 tấn lúa, 1 tấn ngô, vừa để sử dụng, vừa bán ra thị trường.
Không chỉ sản xuất tốt, với vai trò là đảng viên, anh Đỗ tích cực tham gia các phong trào của thôn. Hiện anh là Hội trưởng Hội Cựu chiến binh của thôn. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình anh Đỗ tích cực hưởng ứng, tự mở 2km đường vào lô đồi rừng 21ha mà gia đình đang nhận trồng. Cùng với đó, thời gian qua, anh cũng tích cực tham gia vận động bà con trong thôn, kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước về xi măng để làm mới được 426m đường bê tông rộng 2,5m. Với những kết quả đạt được, gia đình anh Đỗ luôn được coi là một gia đình tiêu biểu ở địa phương trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa.
Ý kiến bạn đọc