Nguyễn Văn Hòa, người “sinh ra từ làng”
HGĐT- Nhìn sự già dặn của Nguyễn Văn Hòa, chủ cơ sở cơ khí, gò hàn ở tổ 5, thị trấn Việt Quang, Bắc Quang, không ai nghĩ Hòa sinh năm 1979. Cái tuổi mệnh hỏa ấy hình như có rất ít người bám vào hoạt động kinh doanh, ấy thế mà chàng trai “sinh ra từ làng” này đã và đang thành công trên con đường đầy thử thách đó.
Cơ sở cơ khí của anh Nguyễn Văn Hòa luôn luôn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
Sinh ra từ một làng quê nghèo thuộc xã Dậu Dương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, học hết cấp II, nhà khó khăn nên Hòa phải nghỉ học. Cuộc sống đưa đẩy, Hòa lăn lộn ngược xuôi để tìm đường lập nghiệp, những vất vả đối với Hòa là quá đủ. Nhưng, đi mãi rồi cũng tìm được bến đậu, mảnh đất Bắc Quang đã có duyên níu kéo Hòa ở lại.
Năm 2001, theo chân một người chú lên Hà Giang làm xây dựng, nhưng những ngày đầu ở đất Bắc Quang, do người chú khó khăn làm lụng mãi mà chẳng có đồng tiền công nào, anh phải đi làm thuê để kiếm tiền về quê. Trong lúc loay hoay làm thuê, Hòa đã gặp được một cơ sở gò hàn mới mở và đang trong cảnh “thừa thầy, thiếu thợ”. Thế là Hòa được họ trọng dụng bởi anh cũng có sẵn trong tay nghề làm gò hàn cơ khí. Làm ở đó đến năm 2004, khi có trong tay ít vốn, Hòa xin nghỉ việc để lập riêng cho mình một xưởng cơ khí. Nhờ có chí và chịu khó, cơ sở của Hòa ngày càng làm ăn khấm khá. Nhưng để phát triển thì cần phải có một sự đột phá, Hòa đã mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng No&PTNT với số tiền 100 triệu. Đó là lần đầu tiên, nguồn vốn đã góp phần “chắp cánh” cho ước mơ của anh. Năm 2007, Hòa chuyển cơ sở đến một địa điểm rộng lớn hơn ở tổ 5. Khi ấy, là lần thứ 2 với nguyện vọng mở rộng quy mô sản xuất, Hòa được Ngân hàng No&PTNT Bắc Quang cho vay 300 triệu đồng.
Tạo lập một cơ sở cơ khí, sắt trang trí phục vụ các công trình xây dựng đúng lúc nhu cầu xây dựng đang phát triển là một thuận lợi. Với bản tính khéo léo, chân thành, khách hàng của cơ sở Hòa Thủy ngày càng được mở rộng đến các xã trong huyện, thành phố Hà Giang, Quang Bình và thậm chí là cả khách hàng ở tận Hàm Yên, Tuyên Quang cũng tìm đến. Giữa lúc đang cần vốn để đáp ứng cho các công trình dài hơi hơn, năm 2011, Hòa tiếp tục được vay số vốn 600 triệu đồng. Cả 3 lần vay vốn ngân hàng No là cả 3 lần việc làm ăn của Hòa đều thuận lợi, cơ sở ngày càng phát triển mạnh. Có những thời điểm, anh còn được tạo điều kiện để vay nguồn vốn hỗ trợ lãi suất..
Nhờ làm ăn hiệu quả, cơ sở cơ khí Hòa Thủy đã giải quyết việc làm cho khá nhiều lao động địa phương. Bình quân, cơ sở tiếp nhận 6 lao động, có những lúc cao điểm làm công trình, anh phải thuê đến 10 thợ. Nhiều thanh niên được anh tận tình chỉ bảo kỹ thuật, chuyên môn đã trở thành những người thợ khéo léo, có mức thu nhập từ 5 – 6 triệu đồng/tháng. Bình quân, mỗi lao động trong cơ sở của anh cũng có mức thu nhập trên 4 triệu đồng/tháng. Được Ngân hàng tạo điều kiện về vốn sản xuất và làm ăn hiệu quả, đây là điều không dễ dàng trong giai đoạn kinh tế còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Hòa tâm sự, cũng nhờ có nguồn vốn Ngân hàng No, đã góp phần giúp cho cơ sở sản xuất của anh được vươn lên. Qua đó, từ 2 bàn tay trắng, cộng với ý chí vượt khó, Hòa đã mua được đất, làm được nhà ở thị trấn và mở được một cơ sở sản xuất với tổng giá trị cơ sở sản xuất ước tính hơn 2 tỷ đồng. Thu nhập bình quân mỗi tháng trừ tất cả các chi phí, gia đình anh cũng có lợi nhuận từ 15 – 20 triệu đồng và trở thành một trong những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện Bắc Quang.
Tạm biệt Nguyễn Văn Hòa, người thanh niên “sinh ra từ làng”, tôi vẫn nhớ câu nói khá “triết” của Hòa, người không hề có bằng cử nhân hay thạc sỹ: “Mỗi người có một hoàn cảnh, lên Hà Giang, mình không có ai để nhờ cậy cả, nhưng chính điều đó đã giúp mình trụ lại mảnh đất này”.
Ý kiến bạn đọc