Người thương binh “giữ hồn” khèn Mông

07:22, 26/07/2012

HGĐT- Với người Mông, tiếng khèn từ rất lâu đã trở thành thứ không thể thiếu trong những dịp lễ hội, ma chay, cưới hỏi. Tiếng khèn ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ, vào phong tục tập quán để rồi trở thành bản sắc văn hóa đặc trưng không thể pha trộn. Với quyết tâm gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, không để mai một bởi thời gian, người thương binh Sùng Sía Chứ ở thôn Ngài Lầu, xã Pải Lủng (Mèo Vạc) vẫn hàng ngày thổi khèn, múa khèn truyền dạy lại cho các con. Mang trên mình vết thương chiến tranh nhưng nghe lời Bác dạy, người thương binh Sùng Sía Chứ luôn nêu cao tinh thần “Thương binh tàn nhưng không phế”, trở thành một tấm gương sáng trong học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ vĩ đại.



Sinh ra và lớn lên ở chính nơi chỉ có đá và núi này, tuổi thơ của Sùng Sía Chứ cũng đầy nỗi vất vả như bao đứa trẻ khác cùng thời. Phải làm việc từ khi còn nhỏ để cùng gia đình nhọc nhằn cuộc sống mưu sinh trên vùng đất khó.


Có lẽ điều đó đã làm cho dáng vẻ của người thương binh Sùng Sía Chứ bây giờ có phần già trước tuổi. Nỗi vất vả, lăn lộn nuôi 6 đứa con trưởng thành, ai cũng được học hành dường như đã in đậm trên dáng người cao gầy và nước da xạm đen vì nắng, gió. Sinh ra trong những năm tháng đất nước còn chiến tranh, đồng bào ta đã đổ nhiều xương máu, hy sinh vì nền độc lập, tự do nước nhà. Khi vừa tròn 18 tuổi, chiến tranh biên giới vẫn còn gay go, quyết liệt, chàng thanh niên Sùng Sía Chứ không ngại gian khó, đứng chân vào lực lượng dân quân tự vệ, góp phần đấu tranh, giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Hòa bình lập lại, trở về với gia đình khi đã để lại chiến trường một phần cơ thể, chàng trai Sùng Sía Chứ lấy vợ, sinh con. Là thương binh hạng ¾, tuy một bên mắt vĩnh viễn không thấy ánh mặt trời nhưng theo lời bác Chứ thì như vậy vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng chí khác. Nghe theo lời Bác Hồ dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, bác Chứ luôn quyết tâm vun vén cho hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con khôn lớn và hết lòng giúp đỡ bà con lối xóm. Chính vì thế mà bác Chứ luôn được bà con tin tưởng, nhờ cậy.


Đến nay đã trải qua 52 mùa hoa đào nở, cũng gần như ngần ấy năm bác Chứ được nghe tiếng khèn, được thổi và múa khèn. Để giờ đây, bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu gắn bó bên cạnh bác Chứ luôn là chiếc khèn Mông đã cũ. Người dân nơi đây đã quá quen thuộc với hình ảnh người thương binh chịu thương chịu khó với biệt tài thổi khèn. Chính vì thế mà bác Chứ được gọi là nghệ nhân khèn Mông và hiện tại đang hoạt động trong Hội Nghệ nhân dân gian của xã. Tài năng được rèn luyện từ khi còn nhỏ với những bài khèn, điệu múa được học hỏi qua nhiều thế hệ, đến nay người thương binh Sùng Sía Chứ gần như trở thành “kho tàng sống” về khèn Mông. Điều đáng nói ở đây là “kho tàng” ấy đang hàng ngày được truyền dạy thế hệ sau. Mỗi khi nhàn rỗi, lúc nghỉ làm nương, hay những buổi tối ấm cúng bên gia đình, bác Chứ thường mang khèn ra thổi, dạy cho các con những bài khèn hay, điệu múa khó. Nhiều đêm, âm vang da diết, đôi khi rộn ràng, trầm bổng của tiếng khèn cộng với bước nhảy nhịp nhàng được phát ra từ ngôi nhà người thương binh cứ như lan tỏa khắp ngõ ngách trong thôn và vọng ra cả cao nguyên núi đá.


Có một điều luôn khiến người thương binh ấy trăn trở là giờ đây, ngay ở nơi mình sinh sống, có quá ít trẻ con biết thổi khèn, múa khèn. Là người thường được các gia đình ở trong thôn và các thôn xung quanh nhờ đến thổi khèn mỗi khi nhà có việc. Đặc biệt lại hay tham gia thổi khèn ở những ngày lễ hội nên bác Chứ biết rất rõ rằng, bà con ít người biết thổi, múa khèn nên sẽ khó giữ được nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Tiếng khèn của đồng bào cứ bị mai một dần theo thời gian. Sự tha thiết mời mọc trong điệu khèn “Mời bạn”, “Gọi bạn”... nay không còn như trước. Không đâu xa, ngay trong dòng họ cũng ít người biết thổi, múa khèn. Vốn là người có được tiếng khèn làm say lòng người, lung lay trái tim bao cô gái, người thương binh Sùng Sía Chứ quyết tâm mang những điệu khèn hay truyền dạy cho các con và mọi người với mong muốn giản dị là gìn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Tiếng khèn của người thương binh Sùng Sía Chứ nay không còn được khỏe khoắn, dẻo dai như ngày còn trai tráng nhưng từng âm vực phát ra từ chiếc khèn không hề sai nốt, các động tác kết hợp cùng bài khèn vẫn nhịp nhàng, uyển chuyển. Sau nhiều năm tháng truyền thụ, những người con của bác Chứ đến nay ai cũng biết thổi, biết múa khèn. Sự đúng mực, ân cần của người cha đã tạo cho những người thân trong gia đình một niềm vui và đam mê điệu khèn.


Đến bây giờ, nhìn các con có thể thổi khèn, múa khèn thuần thục, giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc, trên gương mặt người thương binh Sùng Sía Chứ hiện rõ một niềm vui khó tả. Nhận xét về người thương binh, nghệ nhân khèn Mông Súng Sía Chứ, anh Sùng Mí Pó, Chủ tịch Hội Nghệ nhân dân gian xã Pải Lủng cho rằng: “Nghệ nhân Chứ là một nhân tố quan trọng góp phần vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Bởi với người Mông thì tiếng khèn có tầm quan trọng không nhỏ trong đời sống tinh thần. Việc làm của nghệ nhân Chứ tuy đơn giản nhưng có một ý nghĩa rất lớn trong việc giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống. Việc làm này cần được phát huy rộng khắp trong cộng đồng dân tộc Mông. Để nói về nghệ nhân Sùng Sía Chứ có thể nói rằng đó là một thương binh “giữ hồn” khèn Mông và là gương sáng về người thương binh “tàn nhưng không phế”.


ĐẶNG KIM

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Người lớp trưởng và Liên đội trưởngThèn Như Thảo
HGĐT- Hiền lành, thông minh, năng động, rất tự tin và học giỏi, được thầy cô giáo và các bạn yêu mến, đó chính là cô bé Thèn Như Thảo - Lớp trưởng lớp 5A1 và là Liên đội trưởng thiếu niên tiền phong Trường tiểu học Cốc Pài (Xín Mần).
30/04/2012
Lý Chòi Quyền – gương sáng trong phong trào xây dựng Làng Văn hóa du lịch gắn với nông thôn mới
HGĐT- Thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên được huyện Hoàng Su Phì chọn làm điểm xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới. Chủ trương của huyện được bà con nơi đây hưởng ứng nhiệt tình, từ đó tích cực góp công, góp của thực hiện các tiêu chí nhằm xây dựng thôn khang trang, sạch đẹp hơn.
28/05/2012
Cựu Chiến binh Hoàng Văn Toản làm kinh tế giỏi
HGĐT- Được Hội cựu chiến binh huyện Quang Bình giới thiệu về mô hình CCB làm kinh tế giỏi chúng tôi ghé thăm gia đình cựu chiến binh Hoàng Văn Toản, thôn Yên Trung, Thị trấn Yên Bình, một CCB giỏi việc nước, giỏi việc nhà.
27/04/2012
Chuyện làm giàu của lão nông Nguyễn Văn Lỷ
HGĐT- Tiếp chúng tôi trong buổi chiều muộn, với dáng vẻ tất bật của một lão nông thực thụ; câu chuyện khởi nghiệp của ông dần được gợi mở trong sự ngạc nhiên, khâm phục của mọi người. Ông là Nguyễn Văn Lỷ, thôn Tân Tiến, xã Phương Độ (TP Hà Giang)
26/06/2012