Chuyện làm giàu của lão nông Nguyễn Văn Lỷ

08:37, 26/06/2012

HGĐT- Tiếp chúng tôi trong buổi chiều muộn, với dáng vẻ tất bật của một lão nông thực thụ; câu chuyện khởi nghiệp của ông dần được gợi mở trong sự ngạc nhiên, khâm phục của mọi người. Ông là Nguyễn Văn Lỷ, thôn Tân Tiến, xã Phương Độ (TP Hà Giang)



                   Ông Nguyễn Văn Lỷ chăm sóc đàn lợn của gia đình.

Ngày ông quyết định đi vay vốn của Ngân hàng Chính sách (NHCSXH) về đầu tư trang trại chăn nuôi lợn để phát triển kinh tế, mọi người đều chép miệng: “Đã bước qua cái tuổi 50 mới bắt đầu khởi nghiệp, không biết có làm được hay không”? Nhưng lão nông Nguyễn Văn Lỷ vẫn quyết tâm: “giờ còn sức khỏe thì phải cố gắng làm kinh tế để tạo điều kiện cho thế hệ tiếp sau...”. Vậy mà hơn hai năm sau, câuchuyện làm kinh tế của ông giờ đã thành hiện thực.

Ông Lỷ sinh năm 1959, tuổi trẻ của ông đã có một thời gian dài công tác trong LLVT. Năm 1990, ông phục viên và đưa gia đình trở về quê cũ để làm ăn, sinh sống. Mặc dù hai vợ chồng ông rất chịu khó làm ăn, khai hoang phục hóa diện tích đất để canh tác nhưng lúa chẳng được mùa, chăn nuôi không gặp may nên cứ nghèo đói mãi. Năm 2010, ông vay NHCSXH tỉnh 30 triệu đồng, đầu tư xây dựng chuồng trại và mua lợn giống để chăn nuôi; sau hơn 3 tháng, lứa lợn đầu tiên đã đủ cân để bán ra thị trường, ông có thêm nguồn vốn và tiếp tục tái đầu tư vào chăn nuôi. Đến nay, ông đã có một trang trại chăn nuôi lợn trên 30 con, trong chuồng lúc nào cũng có gần chục con lợn thịt chờ ngày xuất bán, cho thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng. Chia sẻ về những khó khăn ngày đầu khởi nghiệp, ông Lỷ cho biết: “Có những thời điểm chăn nuôi bị lỗ vốn vì giá lợn giống cao trong khi giá lợn thịt lại thấp, trừ hết chi phí, người nuôi chẳng còn lãi, có lúc cũng thấy nản lòng. Nhưng tôi quyết không bỏ cuộc nên chuyển sang đầu tư nuôi lợn nái, vừa để giảm chi phí, lại chủ động được lợn giống. Bây giờ trang trại của tôi đã có 5 con lợn nái thường xuyên chửa đẻ, không phải bỏ vốn nên lợi nhuận cũng cao hơn...”.


Ngay từ khi bắt tay vào phát triển chăn nuôi, ông đã rất quan tâm đến vấn đề VSMT, tiêm phòng dịch bệnh cho đàn lợn nên lợn của ông lớn nhanh, khỏe mạnh, ít dịch bệnh. Khi được hỏi về cách phòng tránh dịch bệnh cho đàn lợn, ông chỉ cười: “Già rồi nhưng tôi luôn chuyên cần đi học khi xã mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, rồi ghi chép cẩn thận, hỏi cán bộ thú y những điều chưa biết, mua sách về kỹ thuật chăn nuôi lợn để học hỏi và áp dụng thực tế một cách khoa học, bên cạnh đó là việc đầu tư vào nấu chín thức ăn cho lợn, vệ sinh chuồng trại...”.Hiện tại, ông đang đầu tư nuôi thêm lợn đen, là loại lợn đặc sản của vùng cao được thị trường rất ưa chuộng. Ông mong muốn sau này sẽ tạo ra một cơ sở chăn nuôi lợn đen chất lượng và có thương hiệu. Đối với lão nông Lỷ, thức ăn cho lợn tốt nhất vẫn là các loại thức ăn hữu cơ, tận dụng sản phẩm phụ của nông nghiệp như ngô, khoai, rau các loại và phải cần mẫn nấu thức ăn chín cho lợn. Theo ông, nếu nuôi bằng thức ăn tăng trọng thì lợn sẽ lớn nhanh, lợi nhuận cao nhưng đầu tư cũng phải lớn và quan trọng là thịt không ngon, thị trường không ưa chuộng, lợn con sinh ra cũng dễ mắc bệnh hơn. Dự định sắp tới của ông là xây bể Bioga để tận dụng nguồn chất thải chăn nuôi và chủ động về nguồn nhiên liệu trong việc nấu chín thức ăn cho đàn lợn. Bên cạnh đó, mở rộng quy mô trang trại thành trang trại VAC, đầu tư nuôi thêm nhiều lợn đen, lợn đực giống để chủ động giống chăn nuôi, đồng thời cung cấp giống cho người dân trong vùng.


Chị Vũ Thị Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Độ cho biết: “Gia đình ông Lỷ là một trong những hộ sử dụng nguồn vốn vay của NHCSXH đúng mục đích. Mô hình chăn nuôi lợn của ông Lỷ tuy quy mô nhỏ, nhưng cho thấy tính khoa học và hiệu quả mang lại là rất rõ nét, sắp tới chúng tôi sẽ cho nhiều hộ dân đến để tham quan, học hỏi...”. Mô hình chăn nuôi lợn của lão nông Nguyễn Văn Lỷ tuy chưa lớn, giá trị kinh tế mang lại chưa nhiều nhưng đã cho thấy bước đi đúng hướng của người dân trong phát triển kinh tế khi có nguồn vốn vay hỗ trợ. Được biết, ông Lỷ còn đang làm Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Tân Tiến; ông luôn động viên, khích lệ mọi người sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, trả lãi, nợ đúng hạn.


AN GIANG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Người lớp trưởng và Liên đội trưởngThèn Như Thảo
HGĐT- Hiền lành, thông minh, năng động, rất tự tin và học giỏi, được thầy cô giáo và các bạn yêu mến, đó chính là cô bé Thèn Như Thảo - Lớp trưởng lớp 5A1 và là Liên đội trưởng thiếu niên tiền phong Trường tiểu học Cốc Pài (Xín Mần).
30/04/2012
Liên đội trưởng nỗ lực vượt khó, học giỏi
HGĐT- Theo lời giới thiệu của chị Tổng phụ trách Đội trường THCS Vĩnh Phúc, chúng tôi tìm đến nhà Vũ Thị Kiều Oanh, học sinh lớp 9A trường THCS Vĩnh Phúc (Bắc Quang), ngôi nhà nhỏ khang trang ngay trung tâm xã. Bởi là ngày nghỉ cuối tuần nên chúng tôi may mắn được gặp chị Tuyết, mẹ của Kiều Oanh về nhà thăm con gái.
30/03/2012
Lý Chòi Quyền – gương sáng trong phong trào xây dựng Làng Văn hóa du lịch gắn với nông thôn mới
HGĐT- Thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên được huyện Hoàng Su Phì chọn làm điểm xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới. Chủ trương của huyện được bà con nơi đây hưởng ứng nhiệt tình, từ đó tích cực góp công, góp của thực hiện các tiêu chí nhằm xây dựng thôn khang trang, sạch đẹp hơn.
28/05/2012
Cựu Chiến binh Hoàng Văn Toản làm kinh tế giỏi
HGĐT- Được Hội cựu chiến binh huyện Quang Bình giới thiệu về mô hình CCB làm kinh tế giỏi chúng tôi ghé thăm gia đình cựu chiến binh Hoàng Văn Toản, thôn Yên Trung, Thị trấn Yên Bình, một CCB giỏi việc nước, giỏi việc nhà.
27/04/2012