Than tổ ong không mùi trên cao nguyên đá
HGĐT- Thiếu nước, thiếu đất sản xuất và đặc biệt là thiếu chất đốt đang là thách thức lớn đối với đời sống của người dân trên cao nguyên đá khi mà nhu cầu đun nấu ngày càng nhiều. Trăn trở trước tình trạng người dân tùy tiện chặt phá rừng làm chất đốt, anh đã quyết tâm làm than tổ ong để giữ rừng.
Anh Mai Xuân Hùng bên dây chuyền sản xuất than tổ ong không mùi vừa được đầu tư. |
Anh là Mai Xuân Hùng (sinh năm 1965) trú tại thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ), nguyên là một công an, vì điều kiện sức khỏe nên phục viên về quê. Dẫn chúng tôi thăm xưởng sản xuất than trên đôi nạng gỗ, câu chuyện về người làm than tổ ong không mùi dần được gợi mở. Sau một cơn đau bệnh, đôi chân khỏe mạnh của anh không thể đi lại được nữa, nhưng không nản lòng, không cảm chịu cái đói nghèo, anh đã làm đủ thứ nghề để kiếm sống trên chính mảnh đất quê hương từ việc sản xuất vật liệu đến nhận thầu các công trình xây dựng, nhưng khi nhìn những người phụ nữ, trẻ em mỗi ngày phải vất vả vào rừng chặt củi, lại “xót” những cánh rừng ít ỏi đang bị chặt phá để phục vụ nhu cầu chất đốt của người dân, anh đã đầu tư mua máy sản xuất than tổ ong với một hy vọng để “cứu” rừng.
Bắt chuyến xe sớm đi tận Thái Nguyên mua dây chuyền sản xuất theo lời giới thiệu của một người bạn, rồi lại “nhọc nhằn” ra tận Hải Phòng để tìm đầu mối mua than nguyên liệu, và kiêm luôn chức công nhân để tiếp cận với nghề. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, đầu năm 2010 mẻ than tổ ong đầu tiên được ra lò thành công trước sự chứng kiến của nhiều cán bộ huyện Quản Bạ. Được biết, đây không phải là cơ sở sản xuất than tổ ong đầu tiên trên cao nguyên đá, nhưng do thị trường đang khan hiếm nên than tổ ong của anh ngay khi ra lò đã được đông đảo người dân đón nhận. Trong một cuộc trò chuyện nhanh với những người phụ nữ tại phiên chợ huyện về tác dụng của than tổ ong, chúng tôi đều nhận được câu trả lời đồng tình: Trước đây, họ phải mất rất nhiều thời gian cho việc đi lấy củi và việc đun nấu nhưng từ ngày có than tổ ong, họ có nhiều thời gian hơn để phát triển kinh tế và chăm sóc gia đình, còn những người làm nghề buôn bán thì tỏ ra phấn khởi vì giảm được 3 – 4 lần so với tiền mua củi trước đây. Tuy nhiên, than tổ ong thông thường gây mùi khó chịu, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân nên không có tính bền vững. Điều này lại khiến ông chủ Hùng phải trăn trở nhiều đêm. Rồi anh vét cạn những đồng tiền tích góp được, vay mượn thêm bạn bè để làm một “cuộc cách mạng” mới mặc cho nhiều người ngăn cản. “Mục đích của tôi không chỉ giữ rừng mà còn phải đảm bảo môi trường và giữ sức khỏe cho bà con khi đun nấu”, anh đã trả lời với mọi người như thế. Năm 2011, anh đầu tư một dây chuyền sản xuất than tổ ong không mùi hiên đại trị giá hàng trăm triệu đồng với công suất 12.000 viên/ngày. Có dây chuyền sản xuất mới lại nảy sinh vấn để là lượng than nguyên liệu phải mua tận Hải Phòng không đủ để sản xuất và cung cấp ra thị trường. Bên cạnh đó, do địa hình đồi núi phức tạp nên cước vận chuyển than nguyên liệu cũng theo đà tăng cao. Anh phải thuê thêm 3 công nhân làm việc trả lương theo ngày công (100 ngàn đồng/ngày), lại thêm khoản làm mặt bằng, xây dựng nhà xưởng... Vốn đầu tư lớn, nhưng thu hồi nhỏ lẻ, phải mất một thời gian dài, lãi không cao đang đặt cơ sở sản xuất của anh đứng trước nguy cơ thiếu vốn để quay vòng, nhưng điều đó không làm anh nản chí, vẫn quyết tâm thực hiện “dự án” lớn của đời mình. Nói về “dự án” này, anh chia sẻ: “Tôi là một người bệnh tật, không thể tiếp tục cống hiến cho ngành công an, tôi chỉ mong góp một chút sức để bảo vệ rừng và giúp bà con nơi đây đỡ vất vả”. về tính ưu việt của thân tổ ong không mùi? Tôi hỏi. “Rẻ, dễ đun nấu, tiết kiệm thời gian trông lửa, đảm bảo sức khỏe, môi trườngvà bảo vệ rừng là những đặc tính để than tổ ong không mùi chiếm lĩnh được phần lớn thị trường vùng cao”. Còn lợi ích kinh tế mà than tổ ong không mùi mang lại? Anh chỉ cười: “Chẳng đáng là bao vì đang khó đủ đường, thu nhập của gia đình tôi vẫn trông chờ vào quán phở sáng của vợ. Nhưng tôi tin mình đang đi đúng hướng”. Anh cũng cho biết thêm, mặc dù đến thời điểm hiện tại, than tổ ong không mùi chưa mạng lại hiệu quả rõ nét về kinh tế, nhưng đã giải quyết được phần nào về nhu cầu chất đốt cho người dân, giảm bớt tình trạng chặt phá rừng lấy củi một cách bừa bãi. Đây là mô hình đã được lãnh đạo huyện và các ngành chức năng trên địa bàn đánh giá cao, người dân thực sự ưa chuộng. Nhưng cơ sở sản xuất của anh đang rất cần sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương và các dự án phát triển bền vững để mở rộng quy mô và duy trì sản xuất thường xuyên, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Than tổ ong không mùi, một sản phẩm đời thường gắn liền với những người phụ nữ trên cao nguyên đá, nhưng câu chuyện về nó đã minh chứng một nghị lực, một quyết tâm, một tấm lòng trọn vẹn với quê hương của anh công an phục viên Mai Xuân Hùng. Đó là một tấm gương sáng trong phong trào “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Ý kiến bạn đọc