Chàng trai Tày với biệt danh “Thầy giáo mầm non”

16:42, 17/02/2012

HGĐT- Nếu không chịu khó và không có tình yêu thương lớn lao dành cho trẻ thì rất khó để gắn bó lâu dài với nghề nuôi dạy trẻ, vậy mà giữa đại ngàn của núi rừng Phiêng Luông, có một chàng trai người Tày đã gần 3 năm nay vẫn bám điểm trường, bám bản chỉ với một niềm đam mê duy nhất là tình yêu đối với trẻ em.


Chàng trai Hoàng Văn Thành là cái tên được hầu hết cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục huyện Bắc Mê nhắc đến với sự yêu thương và khâm phục. Điều đó không chỉ đơn giản vì anh là thầy giáo mầm non duy nhất trong ngành giáo dục huyện Bắc Mê mà còn khâm phục bởi ý chí, quyết tâm và tình yêu nghề của chàng trai trẻ.


Theo lời giới thiệu của cán bộ phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Mê, chúng tôi vượt chặng đường dài, khó khăn nhất của huyện để đến với Phiêng Luông. Không gặp được thầy Thành vì thầy vào bản dạy thay cho một cô giáo nghỉ ốm. 11 giờ trưa, chiếc xe máy của thầy Thành mang theo một ít củi khô, một bó cải cay và mấy quả su su xuất hiện từ đỉnh dốc...


Thầy giáo Thành sinhnăm 1982, trong một gia đình nghèo, ở Na Hang (Tuyên Quang). Không biết từ lúc nào anh đã dành một tình yêu thương con trẻ thế rồi anh quyết định thi vào khoa Sư phạm mầm non, trường Đại học Hùng Vương. Nhớ lại quãng thời gian là sinh viên, anh tâm sự: “Cả lớp đông mấy chục người mà chỉ có mình tôi là con trai, bạn bè, người thân đều tỏ ra ái ngại cho tôi, nhưng cứ nghĩ đến những gương mặt ngây thơ, những đôi mắt trong sáng của bọn trẻ là tôi lại thêm quyết tâm theo đuổi...”.


Ra trường, Hoàng Văn Thành xin về trường Mầm non xã Phiêng Luông công tác và anh được bố trí giảng dạy tại điểm trường bản Phiêng Luông. Hai năm cắm bản là một quãng thời gian chưa dài nhưng với thầy giáo Thành đó thực sự là khoảng thời gian rèn luyện ý chí và đam mê với nghề. “Ngày mới về với Phiêng Luông, khó khăn trăm bề. Tôi không biết tiếng Mông nên rất khó để trò chuyện với các em, khi cần việc gì cũng không trao đổi được với người dân. Cơ sở vật chất thiếu thốn đủ thứ, đường vào bản gập ghềnh khó đi. Mỗi lần có bạn hay người thân đến thăm, họ đều ra về với cái lắc đầu ái ngại. Có lúc tôi cũng thấy nản lòng... nhưng chính các em đã níu chân tôi ở lại”.


Giờ thì thầy giáo Thành đã thông thạo những con đường, những ngôi nhà và cả tính cách từng đứa trẻ ở bản Phiêng Luông. Chúng cũng yêu quý thầy giáo như người trong gia đình vậy. Để có được những tình cảm ấy, thầy giáo đã phải tự mình học tiếng Mông, ngoài giờ lên lớp thì cùng bà con trỉa bắp, trồng rau, nuôi gà để cải thiện bữa ăn và giúp bà con phát triển kinh tế. Kể về khoảng thời gian 2 năm ở điểm trường, nhiều kỷ niệm với học trò khiến thầy nhớ mãi, đến hôm nay, khi nhắc lại thẳm sâu trong đôi mắt thầy vẫn còn nhiều khắc khoải, yêu thương: “ Mùa đông ở Phiêng Luông lạnh hơn nhiệt độ chung của toàn huyện, nhìn thấy các bé đến trường trong chiếc áo mỏng manh, tôi không cầm lòng được. Vậy là bảo với các thầy giáo cùng dạy ở điểm trường tiểu học lên núi lấy củi khô về nhóm lửa cho các em đỡ lạnh... ”. Những bài hát, điệu múa và cả những trò chơi do thầy sáng tạo raở điểm trường Mầm non Phiêng Luông diễn ra bên bếp lửa hồng, càng gắn bó nồng ấm hơn tình thầy trò và người dân trong bản. “Có những hôm, các em bị ốm, cứ khóc suốt, bố mẹ bận đi làm nương, vậy là tôi phải cùng với cán bộ y tế thôn bản đưa các em ra trạm xá để khám bệnh và lấy thuốc”, thầy Thành nhớ lại.


Từ tháng 9.2011, thầy giáo Thành được chuyển về dạy ở trường chính xã Phiêng Luông, điều kiện sinh hoạt, đi lại đã bớt phần vất vả, nhưng tuần nào thầy cũng dành thời gian rảnh rỗi để vào thăm các em ở điểm trường cũ. Điều mà cả thầy Thành cũng không cắt nghĩa được đã có một thứ chất kết dính nào giữa thầy và trò nơi đây, chỉ biết rằng nếu tuần nào không vào được là thầy lại thấy... nhớ các em.


Dạy học ở lứa tuổi mầm non từ trước đến nay người ta vẫn nghĩ là công việc của các cô giáo xinh đẹp, khéo léo, hát hay, múa giỏi... Nhưng giờ đây, nếu ai được một lần xem thầy Thành dạy học, hẳn suy nghĩ ấy đã có sự thay đổi ít nhiều. Khi được hỏi về năng khiếu này, thầy bật mí: “Khi còn đi học, tôi không phải là người năng nổ trong lĩnh vực văn nghệ, vậy mà sau gần ba năm dạy trẻ, giờ thì tôi đã có chút năng khiếu rồi”.


“Còn những dự định của tương lai”? Tôi hỏi. Thầy Thành cười: “Giờ thì say với nghề và mến trẻ lắm rồi, sẽ bám trường, bám lớp và gắn bó suốt đời với cái “biệt danh” này thôi”.


Chia tay thầy Thành và các em trường Mầm non Phiêng Luông, tiếng gió vẫn rít bên tai khi chúng tôi trên đường ra phố huyện. Tiếng khèn của một chàng trai Mông vô tình cất lên sau phiên chợ khiến lòng người xao xuyến, xốn xang và càng xốn xang hơn khi có một chàng trai Tày cũng đang ngày đêm viết nên những bài ca ươm mầm tương lai giữa bạt ngàn rừng núi này.


BIỆN LUÂN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Các Đảng bộ tổng kết việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
HGĐT- Tối 28.12, Đảng bộ Sở Văn hóa, Thể thao - Du lịch tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2011.
30/12/2011
Cựu chiến binh Nguyễn Đình Trá giàu lên từ vườn rừng
Theo Quốc lộ 279, chúng tôi hỏi thăm và đến nhà anh Nguyễn Đình Trá thôn Nà Tho, xã Tân Bắc (Quang Bình) không mấy khó khăn. Nằm trên một quả đồi khá bằng phẳng căn nhà mới xây của gia đình anh Trá nằm lọt thỏm giữa mênh mông vườn cây ăn quả, vườn chè và vườn ươm cây giống – một khung cảnh thanh bình hiện ra trước mắt chúng tôi.
30/12/2011
Gương sáng Bình An
HGĐT- Giữa bạt ngàn rừng núi của thôn Bình An, có một chàng trai trẻ tuổi đang ngày đêm cố gắng học hỏi để giúp bà con thoát nghèo. Với vẻ ngoài nhỏ thó, trẻ trungít ai biết được rằng, chàng trai mới 25 tuổi đời này lại có một bản “lý lịch” khá dài về quá trình tìm tòi, phát triển kinh tế và các vị trí công việc mà anh đã tham gia hoạt động ở thôn.
30/01/2012
Đảng ủy Khối cơ các quan tỉnh: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ngày càng được thể hiện qua những việc làm cụ thể
HGĐT- Những ngày cuối năm, dù rất bận rộn với công việc, nhưng Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Phạm Bá Gia vẫn giành thời gian trao đổi với chúng tôi về kết quả việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Đảng bộ.
28/12/2011