Người cựu chiến binh làm tốt công tác dân số ở Tân Thành
HGĐT- Đó là bác Nguyễn Ngọc Cách, năm nay 59 tuổi, cán bộ chuyên trách công tác dân số/kế hoạch hoá gia đình (DS/KHHGĐ) ở xã Tân Thành, huyện Bắc Quang. Nhờ sự năng nổ, nỗ lực và kinh nghiệm trong công việc của bác Cách nên công tác DS/KHHGĐ ở xã trong nhiều năm vừa qua luôn đạt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Bác Nguyễn Ngọc Cách gặp gỡ gia đình trẻ để tuyên truyền về DS-KHHGĐ. |
Năm 1971, sau khi tốt nghiệp Trường Y tế Hà Giang, bác Nguyễn Ngọc Cách đi làm ở ngành Y tế Hà Giang. Đến năm 1974, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, bác lên đường nhập ngũ, trở thành anh bộ đội cụ Hồ. Đến năm 1979 ra quân về quê tiếp tục gắn bó với ngành y tế cho đến năm 2011 bác Cách xin về nghỉ chế độ. Khi về nghỉ, biết bác là người có bằng cấp, trình độ lại có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác y tế, dân số nên lãnh đạo xã Tân Thành động viên, khuyến khích bác tiếp tục tham gia làm công tác dân số cho xã nhà. Từ năm đó, bác Nguyễn Ngọc Cách là cán bộ chuyên trách DS/KHHGĐ xã Tân Thành cho đến nay. Khi được hỏi, bác tuổi đã cao, làm công tác DS/KHHGĐ có khó khăn, thuận lợi gì không? Bác Cách vui vẻ cho biết: “Tân Thành là xã vùng thấp nhưng có mấy thôn vùng cao cũng xa, đường đi lại khó khăn lắm. Thế nên với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác y tế, dân số có nhiều kinh nghiệm nên bản thân tôi cũng dễ tiếp cận và vận động bà con. Mặt khác, mình là đàn ông nên có thể cơ động trong việc đi lại vì công việc đòi hỏi phải đi vào giờ nghỉ, kể cả buổi tối mới gặp được bà con vì ban ngày họ đi làm hết. Dù vậy thì cũng có khó khăn cũng bởi mình là đàn ông, khi tiếp xúc vận động chị em phụ nữ cũng có mặt hạn chế nhất định”. Dù khó khăn hay thuận lợi thì bác Cách luôn cố gắng, năng nổ, nhiệt tình trong công việc. Nhờ sự năng nổ, nhiệt tình của cán bộ chuyên trách dân số nên trong những năm vừa qua, công tác DS/KHHGĐ ở Tân Thành luôn đạt chỉ tiêu, kế hoạch năm. Tất cả các chỉ tiêu, kế hoạch về DS/KHHGĐ luôn đạt từ khá trở lên như tỷ lệ đặt vòng, tỷ lệ người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, tỷ lệ sinh, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên... Đến năm 2010, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở xã đã giảm xuống còn 1%. Tỷ lệ sinh con thứ 3 cũng giảm, đến năm nay chỉ còn 2 trường hợp. Nói về kinh nghiệm trong công tác DS/KHHGĐ, bác Cách cho biết: “Trong công tác này thì nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân là quan trong nhất. Ở một xã có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống thì muốn vận động được bà con làm theo, cá nhân cán bộ chuyên trách dân số phải tìm hiểu phong tục, tâp quán của từng dân tộc. Khi nắm được phong tục, tập quán, tiếng nói của bà con thì mình nói bà con mới nghe. Mặt khác, khi tuyên truyền, trước hết phải tìm những người có uy tín, người già để tuyên truyền, vận động trước bởi họ là lực lượng đắc lực, có tiếng nói trong cộng đồng dân cư, giúp mình hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền, vận động. Trong việc tuyên truyền, cần biên tập kỹ nội dung cho thật ngắn gọn, dễ hiểu”.
Ngoài thực hiện công tác dân số, bác Nguyễn Ngọc Cách còn trực tiếp khám, chữa bệnh cho người dân. Bất kể là ngày hay đêm, nếu có người dân bị ốm, hay sinh đẻ bác đều đến tận nhà để thăm khám, đỡ đẻ. Thế nên, ở Tân Thành hầu như ai cũng biết bác Cách, người cán bộ y tế, dân số của xã. Từ những thành tích đạt được trong công tác, bác Nguyễn Ngọc Cách được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của tỉnh, của huyện, của ngành Dân số. Đặc biệt, năm 2006, bác còn được đại diện cho 6 tỉnh miền núi phía Bắc đi dự hội nghị tuyên dương những tấm lòng yêu trẻ của cán bộ dân số xã toàn quốc.
Ý kiến bạn đọc