Người “nghiện” đi cơ sở
HGĐT - Ông về hưu rồi, tôi cũng vậy. Thuở còn làm việc dưới quyền ông, tôi hoặc phóng viên của tôi viết bài dính dáng đến ông, tôi hay cân nhắc khi duyệt đăng lắm, chỉ cần quá một tý là mang tiếng nịnh bợ cấp trên ngay. Còn bây giờ không còn sợ điều ấy nữa, chỉ viết theo cảm nhận thôi.
Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Hà Giang thành lập năm 2005, do ông Triệu Đức Thanh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch. Ngay từ khi mới thành lập, dưới sự lãnh đạo của ông, Hội đã tập trung thực hiện ba nhiệm vụ chính: hướng dẫn thành lập tổ chức hội ở cấp cơ sở; vận động xây dựng quỹ và chăm sóc nạn nhân. Đến năm 2011, hầu khắp đơn vị cấp huyện xã, phường, thị trấn trong tỉnh thành đã lập được tổ chức hội theo tiêu chí cấp xã có từ 5 nạn nhân trở lên, cấp huyện có từ 20 nạn nhân trở lên. Việc xây dựng quỹ được đặc biệt quan tâm và triển khai với nhiều hình thức: tổ chức phát hành xổ số gây quỹ, vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ nạn nhân chất độc da cam... và quỹ của Hội đã có được 2,7 tỷ đồng.
Từ nguồn quỹ của Hội, nhiều nạn nhân đã được giúp đỡ để ổn định cuộc sống. Phối hợp với chương trình xóa nhà tạm của tỉnh, với cách làm linh hoạt theo điều kiện của từng địa phương, từng gia đình, Hội đã hỗ trợ với 316 triệu đồng cho hơn 100 gia đình hội viên làm nhà, sửa nhà hộ thì được giúp xi măng làm nền, làm sân; hộ thì được hỗ trợ mái lợp... Những trường hợp nạn nhân phát bệnh nặng, Hội hỗ trợ tiền khám bệnh hoặc giám định với từng mức cụ thể: đi khám ở Hà Nội được hỗ trợ 5 triệu đồng, khám ở tỉnh được hỗ trợ từ 2 đến 3 triệu đồng, trợ cấp khó khăn cho 126 đối tượng, thăm hỏi, tặng quà 1092 lượt đối tượng... Trong chương trình giúp những gia đình khó khăn phát triển kinh tế, Hội đã vận động các doanh nghiệp ủng hộ được 359 triệu đồng và phối hợp với các ngành khuyến nông, khuyến lâm hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc cây trồng, nhờ đó nhiều gia đình đã giảm bớt khó khăn.
Tỉnh Hà Giang có 3.672 người nghi nhiễm chất độc da cam (CĐDC), trong đó 1.370 người có đủ điều kiện để hưởng các chế độ, song trong số này mới có 1.012 người được hưởng chế độ trợ cấp, số còn lại đang rà soát hoàn chỉnh hồ sơ. Cứ đến ngày Vì nạn nhân chất độc da cam 10/8, các cấp Hội tỉnh Hà Giang lại tổ chức tuyên dương những cá nhân tiêu biểu là các bà mẹ, vợ, con và người thân nạn nhân, bởi chính họ là những người vất vả, hy sinh nhiều nhất nhưng không hưởng một chế độ đãi ngộ nào. Các cấp Hội Vì nạn nhân chất độc da cam tỉnh Hà Giang đã có rất nhiều hoạt động thiết thực, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả, nhằm động viên các nạn nhân và gia đình họ vượt qua những khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Bài viết này tôi không có ý định giới thiệu các hoạt động của Hội mà chỉ nói về ông Chủ tịch Hội Triệu Đức Thanh. Tôi lên Hà Giang công tác khi ông đang giữ chức vụ Chủ tịch HĐND tỉnh, sau đó ông làm Chủ tịch UBND tỉnh hai khóa liền. Tôi chưa gặp một quan chức đầu tỉnh nào giản dị và chân chất như ông. Ông là người dân tộc Dao, quê ở xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, nơi đầu nguồn sông Chảy với những ngọn núi trẻ cao ngất tầng mây.
Tôi từng về thăm ngôi nhà đậu chênh vênh trên sườn núi của gia đình ông. Vùng đất quê ông có cái đẹp vừa duyên dáng của những dải ruộng bậc thang mềm mại ôm quanh những triền núi, vừa có cái đẹp hùng vĩ của núi non với những đồi thông bạt ngàn. Thu về, lúa nương chín vàng khoác lên Hoàng Su Phì một màu vàng ruộm xen trong những cánh rừng xanh biếc... Có lẽ “vỏ cây vàng” - Hoàng Su Phì quê ông, là một trong những nơi có ruộng bậc thang nhiều và đẹp nhất Việt
Thời ông làm Chủ tịch tỉnh, tôi làm Tổng biên tập báo, cứ xuống cơ sở ông lại gọi tôi, tất nhiên không phải chuyến nào tôi cũng đi được. Gần hết nhiệm kỳ thứ hai, ông bảo: “Cả tỉnh chỉ còn bốn xã tôi chưa đến, đợt này phải “phủ sóng” 100%” . Ngày ấy đường sá còn khó khăn, đâu được như bây giờ, trong gần 200 xã, có nhiều xã phải đi bộ 5-6 giờ đồng hồ mới đến được trung tâm, nhưng ông đã đến với người dân ở những nơi xa xôi ấy. Ông tâm sự, mình đến chưa chắc đã giúp được gì cho bà con, nhưng sẽ biết dân mình ăn ở thế nào, họ thiếu cái gì, tại sao lại nghèo... Cán bộ, nhân dân nhiều nơi thấy Chủ tịch tỉnh lội bộ hàng chục cây số đến với mình, hỏi thăm gia cảnh, hướng dẫn cách làm ăn, cảm động rơi nước mắt.
Tôi nhớ chuyến đi Khau Vai (Mèo Vạc) với ông năm 1995. Để lại ô tô ở Lũng Pù, chúng tôi đi bộ từ 3 giờ chiều trên con đường mòn gập ghềnh đến tối mịt mới đến nơi. Thấy mấy anh cán bộ xã cứ lung ta lúng túng, đi ra đi vào vì Chủ tịch tỉnh đến bất ngờ, ông cười hồn nhiên: “Không phải lo thế đâu, cứ hái một nắm lá lốt về nấu canh ăn cho đỡ đau người rồi đi ngủ”. Nhưng nào ông có ngủ, ông hỏi chuyện hết người này đến người khác, từ những người ở Bảo lạc, Cao Bằng sang họp chợ đến người dân các xã trong huyện, để tìm hiểu đời sống và tâm tư của người dân. Hôm sau, trên đường về, ông nói với chúng tôi, “Gọi chợ tình có lẽ không ổn các ông ạ, các cụ ngày xưa gọi đây là chợ phong lưu tôi thấy đúng hơn”.
Tôi thấy ông nói đúng, mặc dù lớp trẻ bây giờ cứ gọi “chợ tình Khau vai” nhưng tôi thấy bản chất của nó không phải thế, nó nhân văn và lãng mạn hơn chúng ta tưởng rất nhiều, mà điều đó ông Chủ tịch tỉnh bình dị cũng đã cảm nhận được. Ý kiến này trùng hợp với suy nghĩ của ông Cư Hòa Vần, nguyên Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc của Quốc hội, “có bán mua tình đâu mà gọi là chợ tình”.
Đi cơ sở với ông nhiều, được biết những tâm sự, những nghĩ suy, mong muốn và những dự định của ông lo cho đồng bào vùng sâu vùng xa Hà Giang thật chân thành. Với tình cảm và những nghĩ suy ấy, ông đã góp phần không nhỏ làm thay đổi cuộc sống của người dân vùng cao Hà Giang với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo giản dị, đó là mái nhà, bể nước, con bò, điện, đường, trường, trạm... Chỉ vậy thôi đủ thấy con người của cơ sở Triệu Đức Thanh đã làm được những gì cho người dân sống cheo leo trên sườn núi sau những chuyến đi cơ sở bằng chính đôi bàn chân mình.
Bây giờ ông đã nghỉ hưu, con trai ông lại tiếp bước ông lo toan cho mảnh đất còn nghèo khó Hà Giang với cương vị Bí Thư tỉnh ủy. Ông cũng đã 67 tuổi, cái tuổi đáng lẽ phải được nghỉ ngơi nhưng ông vẫn nghiện đi cơ sở như xưa. Với cương vị Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh, cứ nghe ở đâu có cựu chiến binh, thanh niên xung phong nghi nhiễm chất độc ông lại vượt đèo, lội suối nhiều chuyến bằng xe gắn máy đến với họ, dù xa xôi cách trở.
Các chuyến đi ấy đã giúp ông góp phần xác định, làm rõ và giải quyết chế độ cho hơn 200 trường hợp theo đúng chính sách đãi ngộ của nhà nước. Đáng nhớ nhất là chuyến đi Bát Đại Sơn (Quản Bạ) để xác minh nạn nhân Vũ Văn Cầu. Kiểm tra trên sổ sách chẳng thấy tên đâu, ông đi bộ 2 tiếng đồng hồ đến tận nhà mới rõ tên cúng cơm của anh là Vừ Chá Sèo, khi đi bộ đội anh đã phiên âm ra thành Vũ Văn Cầu. Nếu ông không đến tận nơi hẳn nạn nhân Vừ Chá Sèo sẽ mãi phải chịu thiệt thòi, không bao giờ được hưởng chế độ đãi ngộ bởi quanh năm nương rãy, có lúc nào tìm hiểu chế độ, chính sách.
Còn bao trường hợp khác như Quan Văn Bượng, ở Bản Pâu, xã Ngọc Minh, Phạm Văn Việt thôn Xuân Phong xã Linh Hồ, Nguyễn Văn Trọng ở Bản Mường, Xã Bạch Ngọc, ông Lục Thanh Bình, thôn Làng Trần, bà Phạm Thị Toán, thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức; ông Vũ Văn Cừ, thôn Xuân Phong, xã Linh Hồ; ông Phạm Văn Ngữ, thôn Cốc Thổ, xã Ngọc Linh, Nguyễn Thanh Xuân, tổ 8 thị trấn Việt Lâm (huyện Vị Xuyên), Triệu Chài Pẩu, Bản Chàn, xã Xuân Minh (huyện Quang Bình), Phạm Văn Nghiễm, thôn Tân An (huyện Bắc Quang), rồi Nguyễn Văn Sông, Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Trọng Đải, Nguyễn Trọng Cừ, Nguyễn Thanh Tâm ở thành phố Hà Giang..., nhiều trường hợp vì quá nghèo, gia đình đã bỏ mặc nạn nhân vất vưởng, mót khoai, mót sắn qua ngày. Tất cả những nạn nhân đó, nhờ tinh thần tận tụy hy sinh của vị Chủ tịch Hội, không quản gian khó đã xuống tận cơ sở xác minh, giúp họ hoàn thiện hồ sơ để được hưởng chế độ theo quy định, góp phần cải thiện đời sống, giảm bớt “nỗi đau da cam” cho nạn nhân.
Ông tâm sự với chúng tôi, “chế độ đãi ngộ của nhà nước không nhiều nhưng đó là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ tổ quốc. Quan tâm đến họ không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, củaHội và của mỗi chúng ta”. “Đi cơ sở, tôi không chỉ xác minh các trường hợp cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho họ mà còn chia sẻ, động viên, khuyến khích họ trong cuộc sống, đồng thời nhắc nhở cán bộ cơ sở quan tâm đến các nạn nhân, những người đã từng chiến đấu vì độc lập tự do của tổ quốc”.
Từng là người lính, ông thấu hiểu những mất mát của đồng đội và gia đình họ, bởi “Nỗi đau vẫn còn đó”. Việc làm hôm nay của ông và các đồng sự trong Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Hà Giang chính là sự sẻ chia, tri ân với đồng đội của mình. Đi cơ sở, một tác phong sâu sát từ thời còn là Chủ tịch UBND tỉnh của ông đến nay vẫn đem lại những kết quả bất ngờ trong cương vị mới: Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam!
Ý kiến bạn đọc