Một nữ cán bộ người Mông và cuộc vận động mang đầy tính nhân văn ở xã nghèo Lùng Tám
HGĐT- Mới được bầu làm Chủ tịch Hội LHPN xã được hơn 1 năm, nhưng Đào Thị Hà, một cô gái người Mông, sinh năm 1988 đã đáp lại sự tin tưởng của cấp ủy, chính quyền và các hội viên phụ nữ trong xã, bằng sự năng nổ vươn lên cống hiến cho quê hương. Một trong những việc làm có ý nghĩa mà Hà đã và đang rất tâm đắc đó là việc triển khai cuộc vận động (CVĐ) giúp cho rất nhiều chị em nơi miền đá gian khó này biết nói tiếng phổ thông và biết đọc, biết viết.
Để giúp chị em từng bước thay đổi tư duy, gạt bỏ tự ty để mở rộng giao lưu với bên ngoài. Vì thế, Hà cho biết, em cùng với BTV Hội và các đồng chí lãnh đạo xã rất quan tâm đến thúc đẩy việc học tiếng, học chữ phổ thông cho chị em phụ nữ; giúp chị em nâng cao việc tiếp thu các kiến thức khoa học, kỹ thuật để phát triển kinh tế. Qua đó, khi có CVĐ do tỉnh triển khai thí điểm tại xã, Hà đã cùng với nhiều chị em cán bộ thường xuyên lặn lội về các thôn để vận động chị em tham gia các lớp học tiếng và chữ phổ thông.
Theo thống kê từ trước khi triển khai CVĐ học nói tiếng và chữ phổ thông, trong tổng số 460 hội viên phụ nữ toàn xã Lùng Tám thì có đến 337 chị em mù chữ và tái mù chữ, 303 chị em không biết tiếng phổ thông. Đây là một thách thức không nhỏ vì không chỉ dạy tiếng và dạy cái chữ, mà quan trọng là từng bước thay đổi được tư duy của chị em phụ nữ, Hà cho biết. Thế nhưng, với sự hỗ trợ của tỉnh, sự nỗ lực của bản thân Hà cùng với các cán bộ Hội, Hội LHPN xã đã bước vào triển khai một cách tích cực cho chị em học tiếng và chữ phổ thông. Việc học được triển khai qua các bước học tiếng đến học chữ. Với phương châm “người biết dạy người chưa biết, người biết nhiều dạy người biết ít”, Hà cùng với Hội phụ nữ xã thành lập ra các nhóm chị em nòng cốt, nhóm cặp mẹ con, tổ hội và nhóm tự học để dạy nhau học tiếng, học chữ. Cùng với đó, Hà tích cực liên hệ, phối hợp với các tổ chức đoàn thể, các trường học của xã tuyên truyền, quán triệt cho học sinh của các trường khi về gia đình phải thường xuyên sử dụng tiếng phổ thông để giao tiếp với bố mẹ và các thành viên trong gia đình...
Tiếp nối việc học tiếng phổ thông là việc triển khai học chữ. Với phương châm triển khai một cách đơn giản, phù hợp với điều kiện công việc, hoàn cảnh của các gia đình và để giúp cho chị em được thoải mái dễ dàng tiếp thu, do đó việc tổ chức học tiếng và chữ cũng hết sức linh động. Đa phần việc học không cần lớp, không cần bàn ghế vì tại các gia đình, con biết có thể dạy cho mẹ, em biết có thể dạy cho chị, phụ nữ trong thôn, xóm có thể dạy cho nhau... Đồng thời, hiện nay tại xã đang thực hiện được 2 lớp học xóa mù chữ vào buổi tối cho chị em với gần 70 học viên theo học.
Với bao công sức của Đào Thị Hà cùng với cấp ủy, chính quyền từ xã đến thôn, qua hơn 1 năm triển khai CVĐ học tiếng và chữ phổ thông ở Lùng Tám đã đem lại kết quả rất khả quan. Từ chỗ chưa biết nói tiếng và chữ phổ thông, đến nay đã có 233/460 chị em hội viên của 7 thôn trong xã đã cơ bản biết đọc, biết viết, đặc biệt là các chị em ở thôn Hợp Tiến là thôn trung tâm của xã. Hà tâm sự, với đà hiện nay, trong thời gian tới chúng em sẽ phối hợp để nhận được sự hỗ trợ của tổ chức Caritas mở thêm một số lớp học tiếng và chữ phổ thông tại các thôn trong xã. “Mưa dầm thấm lâu”, chúng em sẽ đẩy mạnh hơn CVĐ này và tạo nên một sự chuyển biến mạnh mẽ cho nhận thức cho bà con, đặc biệt là chị em phụ nữ.
Ý kiến bạn đọc