Một cán bộ bán chuyên trách xã tận tình với công việc
HGĐT- Nhiệt tình, cần cù, chịu khó, đó là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về anh Phàn Văn Tiến, sinh năm 1986, dân tộc Dao ở thôn Nà Đén, xã Giáp Trung (Bắc Mê), hiện đang là cán bộ khuyến nông bán chuyên trách ở xã Giáp Trung.
Xuất thân từ nhà thuần nông, năm 2007 Tiến học xong cấp III, do điều kiện gia đình khó khăn, đông anh em nên ước mơ đi học chuyên nghiệp một thời hầu như là không thực hiện được. Với tính cần cù, chịu khó, trong cuộc sống hàng ngày luôn gần gũi, hoà đồng với mọi người nên Tiến được xã tuyển làm khuyến nông thôn, với đặc thù của công việc, lòng nhiệt tình của bản thân đã giúp anh trở thành người bạn đồng hành của nhiều hộ nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Anh cho biết: Nhìn cuộc sống của bà con trong thôn quanh năm lam lũ với ruộng, nương rẫy nhưng thu nhập vẫn còn chưa đủ ăn, là người địa phương được học nhiều hơn so với nhiều người, mình cảm thấy cần làm một cái gì đó cho thôn mình dần bớt đi cảnh nghèo đói. Công việc đã giúp anh thể hiện được lòng nhiệt huyết đó bằng cách vận động nhân dân thay đổi tập quán canh tác bằng đưa các giống lúa, ngô mới cho năng suất cao vào trồng. Nhưng tuyên truyền để thay đổi nhận thức canh tác từ bao đời nay của nhân dân đâu phải là dễ... Phải “nói được, làm được” thì dân mới tin, vậy là, Tiến đưa giống ngô, lúa lai vào trồng ở gia đình thử nghiệm trước, nhờ cần cù chịu khó, chăm sóc đúng khoa học nên cuối vụ sản lượng lúa, ngô gia đình anh cho năng suất cao hơn so với các hộ cùng thôn. Đồng thời, gia đình anh còn là một trong những hộ gia đình tiêu biểu trồng thâm canh vụ 3. Thấy hiệu quả nên nhiều người tự tìm đến học hỏi và cứ thế người dân ở thôn Nà Đén dần thay đổi dần tập quán sản xuất, áp dụng những giống mới vào canh tác, hàng năm nhiều hộ gia đình trong thôn thay đổi nhận thức, tận dụng những quỹ đất sau khi thu hoạch vụ mùa để phát triển cây vụ 3.
Hai năm làm cán bộ khuyến nông thôn, đến tháng 6 năm nay, anh được điều động làm cán bộ khuyến nông bán chuyên trách xã, vật lộn với nhiều địa hình phức tạp để tuyên truyền vận động nhân dân trong thực hiện phát triển kinh tế. Anh cho biết thêm: Do đặc thù là xã khó khăn, trình độ dân trí còn thấp nên ý thức tự chủ động của nhân dân trong phát triển kinh tế chưa cao nên công tác tuyên truyền vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng là rất khó khăn, đặc biệt là vận động nhân dân triển khai thực hiện cây trồng vụ 3. Để khắc phục tình trạng sản xuất manh mún trên đòi hỏi sự nhiệt tình của đội ngũ cán bộ khuyến nông phải gắn bó mật thiết với nhân dân, hiểu được tập quán canh tác sản xuất. Do đặc thù công việc và lòng nhiệt tình của mình, có thời điểm Tiến đi tuyên truyền hướng dẫn nhân dân kỹ thuật canh tác nhiều ngày, khiến công việc của gia đình đặt hết lên vai người vợ. Qua tuyên truyền, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo sự chỉ dẫn của cán bộ khuyến nông. Nhờ đó mà vài năm trở lại đây nền kinh tế nông nghiệp ở xã Giáp Trung đã có nhiều đổi thay.
Đi cùng chuyến công tác, vật lộn gần 20km đường lầy lội vào thôn do trời mưa, đôi lốp “con ngựa thồ” của anh khuyến nông được cuốn bởi 1 bộ xích tung hoành như chiếc “xe tăng” vượt qua bao đồi núi. Chúng tôi mới nhận thấy được công việc hàng ngày của Tiến là như thế nào! Công việc vất vả là vậy, nhưng hiện nay chế độ thù lao của cán bộ khuyến nông bán chuyên trách xã như Tiến còn rất thấp (trên 500.000 đồng/tháng). Anh cho biết: với mức tiền lương trên hàng tháng không bù đắp được tiền xăng, tiền sửa xe! Thiết nghĩ, chỉ có lòng nhiệt huyết của bản thân mới tạo ý chí cho anh như vậy. Trong xã hội hiện nay, rất cần có những cán bộ trẻ nhiệt huyết với công việc như vậy để tạo nguồn cán bộ cơ sở.
Ý kiến bạn đọc