Người đưa tiến bộ khoa học về góp phần giảm bớt khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh
HGĐT- Tốt nghiệp Đại học Y khoa Thái Nguyên năm 1998, bác sỹ Nguyễn Thế Cường khi ấy mới 22 tuổi đã xung phong lên Hà Giang. Qua nhiều năm công tác, năm 2008, anh được điều động về làm việc tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh. Ở độ tuổi 30 sung sức, với nhiệt huyết và sự phấn đấu không ngừng, anh đã được tin tưởng giao nhiệm vụ là Phó trưởng khoa, đứng đầu khoa Khám bệnh – Hồi sức cấp cứu, đồng thời phụ trách thêm phòng Nội soi của Bệnh viện.
Bác sỹ Cường (người cầm ống dây nội soi) và đồng nghiệp đang thực hiện ca nội soi phế quản cho người bệnh.
|
Bác sỹ Cường tâm sự, với chức năng khám, chữa bệnh lao và bệnh liên quan đến phổi, đặc biệt là bệnh lao, căn bệnh thường gặp ở những bệnh nhân nghèo, ở những nơi vùng sâu, vùng xa... Do đó, với tâm huyết nghề nghiệp, đồng thời mong muốn đem những tiến bộ khoa học kỹ thuật về để giảm bớt khó khăn cho người bệnh ở một tỉnh còn nghèo, anh luôn nỗ lực học hỏi cách chữa trị những ca bệnh khó qua thực tế và qua nhiều lần lặn lội học tập kinh nghiệm từ các bậc thầy ở tuyến trên...
Năm 2009, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh được cấp máy nội soi phế quản, một thiết bị hiện đại giúp cho việc chẩn đoán chính xác bệnh liên quan đến phổi và cuống phổi, thay thế cho việc chẩn đoán bệnh trước đây thường phải dựa vào chụp X.quang. Ban lãnh đạo Bệnh viện đã đặt niềm tin khi cử bác sỹ Cường cùng một đồng nghiệp khác xuống Bệnh viện Phổi T.Ư để học triển khai phương pháp nội soi phế quản, một phương pháp mà cho đến giờ chưa có nhiều tỉnh ở khu vực miền núi phía Bắc triển khai như Hà Giang. Qua nhiều tháng “tầm sư học đạo” ở Hà Nội, tháng 3.2010, ca nội soi phế quản đầu tiên được triển khai thành công ngay tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh. Đây là mốc đánh dấu cho một bước tiến mới trong công tác khám, chẩn đoán và điều trị bệnh liên quan đến phổi cũng như mở ra cơ hội đối với những người bệnh ở một tỉnh còn nghèo như Hà Giang.
Từ khi triển khai phương pháp nội soi phế quản, qua gần 1 năm đã có trên 100 bệnh nhân, trong đó đa phần là người nghèo, được hưởng lợi từ phương pháp mới này mà không phải mất công sức, tiền của về tận Hà Nội để thực hiện như trước đây. Bên cạnh đó, thông qua máy móc và phương pháp nội soi phế quản, đã có những ca bệnh nặng được bác sỹ Cường và đồng nghiệp phát hiện, kịp thời gửi lên tuyến trên điều trị hoặc nhờ các chuyên gia tuyến trên tư vấn điều trị thành công. Cùng với đó, với sự trang bị máy móc hiện đại và cán bộ được đào tạo bài bản, đã giúp cho Bệnh viện có thể thực hiện được những phương pháp khó như thăm dò chức năng hô hấp, xét nghiệm khí máu cho người bệnh, phát hiện sớm u phổi... mà không cần gửi lên tuyến trên khám như trước.
Không chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại Bệnh viện tuyến tỉnh, bác sỹ Cường cùng đồng nghiệp thường xuyên xuống cơ sở từ huyện đến các xã khó khăn để tham gia chỉ đạo tuyến, đồng thời góp phần tích cực vào hoạt động khám, chữa cho bệnh nhân tại cơ sở. Nhờ những kinh nghiệm thực tiễn, sự học hỏi và từng bước vươn lên nên từ 2007 đến nay, bác sỹ Cường cùng đồng nghiệp đã tiến hành khám, chữa được nhiều ca bệnh khó mà trước đây thường phải chuyển lên tuyến trên như tràn dịch khí màng phổi, lao màng não. Sự nỗ lực của anh và đồng nghiệp đã từng bước góp phần không nhỏ vào việc thanh toán bệnh lao và nâng cao chất lượng khám, chữa các bệnh liên quan đến phổi trên địa bàn tỉnh.
Nhận xét về Bác sỹ Nguyễn Thế Cường, Bác sỹ Chúc Hồng Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh khẳng định: “Bác sỹ Cường là một trong số những bác sỹ trẻ có lối sống khiêm tốn, giản dị, nhưng luôn chịu khó học hỏi, đặc biệt là việc học tập để tiếp cận với các phương pháp khám, chữa các ca bệnh khó, các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Trong đó nổi bật là phương pháp nội soi phế quản đã được bác sỹ Cường cùng đồng nghiệp phát huy tốt và tối đa kỹ thuật mới này. Từ đó, giúp cho việc chẩn đoán chính xác nhiều bệnh liên quan đến phổi ngay tại bệnh viện tuyến tỉnh mà không cần phải về T.Ư”... Từ những nỗ lực trong công tác chuyên môn cũng như việc tham mưu đắc lực trong công tác xây dựng Bệnh viện, từng bước vươn lên trở thành một địa chỉ tin cậy ở tỉnh, suốt 3 năm từ 2008 đến nay, năm nào bác sỹ Cường cũng được bình xét là chiến sĩ thi đua cơ sở. Đó là danh hiệu xứng đáng đối với những gì mà bác sỹ Cường và các đồng nghiệp đã làm cho ngành Y tế tỉnh nhà.
Ý kiến bạn đọc