Kinh nghiệm phòng, chống rét cho gia súc của bác Lý Xuân Mìn
HGĐT- Trong đợt rét vừa rồi, thôn Bản Đáng, xã Đường Hồng (Bắc Mê) có rất nhiều trâu bị chết rét. Trâu trong thôn chết rét không chỉ do điều kiện thời tiết rét đậm, rét hai kéo dài mà do bà con chủ quan trong công tác phòng, chống rét cho gia súc, không thực hiện nghiêm túc các giải pháp, hướng dẫn phòng, chống rét của chính quyền xã.
Bác Lý Xuân Mìn buồn rầu kể lại: “Cách đây 3 năm, vào mùa rét cuối năm 2007, thời tiết khắc nghiệt không khác gì mùa đông năm nay, nhưng khi đó gia đình tôi chủ quan lắm, trong những ngày rét đậm, rét hại mà vẫn thả rông gia súc lên đồi ăn cỏ. Trâu già và nghé con kể cả trâu cày kéo không chống chọi được rét cứ chết dần trong sự đau sót của gia đình. Tổng đàn trâu của nhà có 16 con thì có đến 10 con bị chết rét. Một đống tài sản tuột khỏi tay mà ngẫm lại cũng chỉ vì bản thân mình còn chủ quan”. Đau sót quá nhưng đó cũng là bài học đắt giá cho gia đình bác Mìn trong việc phòng, chống rét cho gia súc trong mùa đông.
Quyết tâm không để gia súc chết rét nữa nên trong những vụ đông tiếp theo, bác Mìn đọc sách hướng dẫn, tìm hiểu kinh nghiệm phòng, chống rét theo cách cổ truyền, từ đó rút ra được kinh nghiệm cho bản thân . Kinh nghiệm đó được bác Mìn áp dụng có hiệu quả trong mùa đông năm nay, bác cho biết: “Điều quan trọng đó là phải đảm bảo được nguồn thức ăn cho gia súc khi thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài. Trước hết phải tận dụng nhiều nguồn thức ăn khác nhau để đáp ứng việc nuôi gia súc nhốt chuồng trong khoảng thời gian dài. Do đó phải tích cực trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi, hiện tại gia đình tôi đã trồng được gần 1 ha cỏ, đảm bảo một phần thức ăn cho đàn trâu. Tuy nhiên số lượng đàn trâu nhiều, thời gian nuôi nhốt chuồng kéo dài cần phải tận dụng các loại phế phụ phẩm nông nghiệp mới đáp ứng đủ nhu cầu, có thể là phế phụ phẩm của cây lúa, cây ngô... Do đó, khi gặt xong lúa mùa gia đình lại thu gom rơm về chất đống ở góc vườn để khi trời rét tưới ít nước muối cho trâu ăn. Với cách làm đó nên trong những ngày rét vừa rồi, đàn trâu 6 con của gia đình nuôi nhốt chuồng mà vẫn đủ thức ăn. Không những thế, trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, cần phải bổ sung chất tinh bột như nấu cháo loãng, bột ngô, cám gạo để tăng cường dinh dưỡng. Một kinh nghiệm dân gian đó là cho gia súc uống nước ấm pha với muối, vùng nào trồng được cây thảo quả thì cho gia súc ăn một ít quả thảo quả để tăng thân nhiệt, sức đề kháng. Ngoài ra, phải theo dõi dự báo thời tiết và thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. Không để gia súc thả rông dưới 120C, lấy bạt che phủ chuồng trại, đốt lửa, hun trấu trong chuồng, kể cả việc tận dụng bao tải để mặc cho gia súc khỏi rét”.
Nhờ thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống rét nên đàn gia súc của nhà bác Mìn năm nay được an toàn. Ngoài việc phòng, chống rét gia súc của gia đình, bác Mìn cùng với chính quyền địa phương vận động, hướng dẫn bà con trong xã, trong xóm cách phòng chống rét cho gia súc. Nhiều người nghe và làm theo đã bảo vệ được đàn gia súc khỏi chết nhưng có những hộ chủ quan không làm theo nên ở trong xã vẫn có 67 nghé con, trâu già chết rét và ở thôn của bác Mìn có 20 con.
Theo dự báo, thời tiết rét đậm, rét hại có thể tiếp tục tiếp diễn, do đó bài học phòng, chống rét của bác Lý Xuân Mìn ở xã Đường Hồng cần được bà con trong xã, trong huyện, tỉnh học tập và làm theo để bảo vệ đàn gia súc, bảo vệ tài sản, sức cày, kéo của gia đình.
Ý kiến bạn đọc