Làm “dân số” phải tận tâm
HGĐT- Đứng trước mắt tôi là người đàn ông tầm thước rất khó đoán tuổi nhưng khuôn mặt đượm màu thời gian nắng và gió. Làm cộng tác viên (CTV) dân số từ những năm 1998 - 1999 ở thôn Xá Thượng, xã Tân Lập (Bắc Quang) nơi có 62 hộ đồng bào các dân tộc sinh sống; chủ yếu là người dân tộc Dao Đỏ cho đến nay ông Lò Dùn Quấy đã trở thành “người nhà” của gần hết các hộ trong thôn.
Tâm sự về công việc CTV dân sô, ông Quấy thành thật: Làm CTV dân số vất vả lắm, nhiều khi đi suốt cả ngày vì một việc “đẻ vừa thôi” với dân bản, nói đến khản cả tiếng. Nhưng, mỗi khi thấy các hộ, hoặc các cặp vợ chồng lấy nhau xong, sinh nở theo kế hoạch, làm ăn tiến tới, lòng cũng mừng. Kể lại chuyện ngày đầu đi tuyên truyền cùng các cán bộ xã, trạm y tế, các tổ, hội, đoàn thể ào ào xuống thôn, nhưng tham gia nghe tuyên truyền chỉ “độc” vài gia đình. Chuyện sinh đẻ từ ngàn đời nay ai phải chỉ, phải bảo đâu? Còn việc đẻ, nuôi con, đó là việc của nhà tôi, nhà chị, chứ đâu cần chỉ, dạy, thật là lắm chuyện chẳng đâu vào đâu...? Đấy là dân nói thế. Ông Quấy cười. Rãi bày hồi lâu chuyện làng xóm, chuyện cấm kỵ, đặt tên cho con, rồi đến đủ thứ chuyện ông Quấy bảo tôi, mình nhận với xã làm CTV đang trong độ tuổi sinh con nên gương mẫu, tuyên truyền dần dần trong anh em, họ tộc việc sinh nở theo kế hoạch, việc nuôi dạy con và lựa lời trò chuyện cả những việc “thầm kín” để động viên, lôi kéo và uốn nắn dần. Lăn lộn từng nhà, tìm hiểu từng hoàn cảnh, tháo gỡ từ những vướng mắc nho nhỏ trong sinh hoạt của các cặp vợ chồng. Tranh thủ uy tín cũng như ý kiến của già làng, trưởng bản để họ ủng hộ mình làm dân số. Tựa như những giọt nước chảy trong cái máng lần từ núi về nhà vậy, giọt nước nhỏ, dòng chảy nhỏ nhưng bền bỉ chảy mãi cũng thành chum, đầy vại, đầy cả cái ao. Làm công tác vận động mãi, tuyên truyền lôi kéo mãi cũng thấm dần trong dân. Từ việc bớt cúng bái, dùng thuốc trị bệnh hiệu quả hơn cho đến việc giảm cưới to, lễ lớn. Anh biết đấy, “khi xưa cưới vợ người Dao Đỏ thách cưới bằng bạc già, sà tích, vòng tay... bằng bạc, thì nay quy ước làng bản chỉ còn lại bằng tiền mặt, nhưng cũng nhẹ thôi”. Vậy khó nhất khi làm CTV dân số ở thôn Xá Thượng trong những năm qua là gì? Tôi hỏi... “khó nhất và cũng là dễ nhất” chính là mình “chưa hiểu họ và họ chưa hiểu mình”. Hay nói một cách khác là mình phải hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng cũng như khó khăn về gia đình hay về kinh tế, hoặc bị giàng buộc bởi phong tục, lễ giáo v.v... Nói làm CTV dân số thì nói về đủ thứ trong đời sống anh ạ. Nhìn ông Quấy rãi bày tôi mới hiểu, làm CTV dân số hay làm DS-KHHGĐ chính là làm một cuộc “cách mạng” của cả chính bản thân gia đình mình và mỗi gia đình trong cộng đồng dân cư thì mới rõ, mới hiểu đúng, làm được. Trở lại câu chuyện tuyên truyền, ông Quấy cho biết: Khi mình hiểu họ, họ cũng hiểu và tin mình thì mọi việc làm trở nên đơn giản.Hãy nói cho người được tuyên truyền biết sinh từ 1-2 con sẽ có đủ điều kiện nuôi dạy cho trẻ ăn, học để vươn lên. Hãy nói cho họ biết đưa con, cháu đi tiêm phòng là tránh được bệnh tật hay nói cho họ bỏ bớt các hủ tục là tiết kiệm tiền bạc để đầu tư cho chăn nuôi, sản xuất thì họ nhất nhất nghe mình. Để làm công tác dân số tốt hơn khi họ đã nghe, đã hiểu đấy là lúc mình kết hợp với các tổ chức chính quyền cơ sở, các đoàn thể, đặc biệt là thanh niên, phụ nữ, những đối tượng năng nổ, chịu ảnh hưởng trực tiếp đến công tác DS-KHHGĐ cùng vào cuộc vận động dân số sẽ mang lại kết quả tốt nhất. Có đến Tân Lập mới thấy rõ khó khăn của các CTV bởi xã 100% đồng bào dân tộc. Cả xã có 8 thôn thì cả 8 thôn vùng sâu, xa, đường đi lại khó, điện chưa có (trừ quanh trụ sở UBND xã) nên việc truyền thông chậm về bản. Tuyên truyền chủ yếu là tuyên truyền miệng. Theo kết quả phấn đấu nhiều năm, xã Tân Lập nay có 414 người trong độ tuổi sinh nở thì đã có 388 trường hợp sử dụng các biện pháp phòng tránh thai. Chị Nguyễn Thị Hậu cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã cho biết: Công lao đóng góp lớn nhất trong công tác dân số được dành cho bác Quấy. Từ bác Quấy “nhân ra” đến nay xã, có 13 CTV dân số hoạt động đều tay ở 8 thôn bản. Năm 2010 là năm tích cực nhất, hiệu quả nhất sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu là không có trường hợp nào sinh con thứ 3. Mọi chỉ tiêu tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi đạt rất tốt. Chị em trong độ tuổi sinh nở đã biết cách áp dụng các biện pháp tránh thai.
Chia tay anh Phàn Thành Châu, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập có hẹn “...Lần sau vào lâu lâu, ta theo bác Quấy về Xá Thượng để hiểu rõ thêm một CTV dân số tích cực nhất trong nhiều năm phấn đấu, nay bác là Trưởng thôn Xá Thượng” – Tin thật vui.
Ý kiến bạn đọc