Một con người luôn cần mẫn với công việc nghiên cứu lịch sử
HGĐT- Sinh ra lớn lên ở vùng đồng chiêm trũng nghèo khó Thái Bình, nghe theo tiếng gọi của Đảng, anh Phạm Xuân Thủy lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở 2 đầu biên giới phía Nam và phía Bắc, trong đó có chiến dịch giải phóng Thủ đô Nông Pênh - Căm-Pu-Chia ngày 7.1.1979.
Học xong khóa đào tạo sĩ quan Đặc công, anh được điều lên phía Bắc, làm cán bộ trung đội, đại đội, tiểu đoàn thời kỳ chiến tranh biên giới ở huyện Xín Mần. Do có chút năng khiếu văn học và khả năng tư duy, nhớ lâu do người cha truyền lại, cộng với cảm hứng ham đọc, ham viết từ nhỏ, anh trở thành cộng tác viên tích cực của tờ “Nội san Binh chủng Đặc Công” và Báo Hà Tuyên thời kỳ bảo vệ Tổ quốc. Chiến tranh biên giới kết thúc, anh được điều về cơ quan nghiên cứu lịch sử quân sự tỉnh năm 1988. Hiện nay, Thượng tá Phạm Xuân Thủy, đảm nhiệm trọng trách là Trưởng ban Khoa học lịch sử, Bộ CHQS tỉnh.
Được thủ trưởng đơn vị đã tạo điều kiện cho anh đi dự các lớp tập huấn, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ sử học ở trong và ngoài quân đội anh dồn hết tâm trí vào việc học tập, nghiên cứu biên soạn lịch sử chiến tranh địa phương. Vừa nỗ lực học tập, nghiên cứu, anh vừa chủ động tìm thầy dậy cho mình.
Những buổi ban đầu đầy khó khăn vất vả, công tác lịch sử, tổng kết chưa được quan tâm, không có kinh phí hoạt động, phải cơm nắm gạo gói long đong, lận đận đi sưu tầm tư liệu, gặp gỡ nhân chứng ở mọi nơi, thậm chí phải bỏ tiền lương chi tiêu để công việc nghiên cứu đạt kết quả. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, anh luôn tận tâm tận lực với trách nhiệm cao, bất kể ngày, đêm, trưa, tối hễ suy ngẫm ra điều gì là vùi đầu vào viết. Anh tâm sự “Thời gian đầu chưa quen, công việc rất khó khăn vất vả, có khi phải viết tới 6, 7 lần mới thành bản thảo chính thức, bây giờ có máy vi tính đỡ vất vả hơn rất nhiều”.
Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của Thủ trưởng đơn vị, và sự nỗ lực tư duy nghiên cứu, anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao: Tham mưu cho Đảng uỷ, thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tổng kết chiến tranh, biên soạn lịch sử chiến tranh địa phương trong 2 cuộc kháng chiến và thời kỳ bảo vệ Tổ quốc. Với hơn 22 năm trong nghề, anh trực tiếp làm trưởng ban biên soạn 7 cuốn lịch sử, tổng kết chiến tranh của tỉnh: Ngoài ra còn tham gia biên soạn 14 cuốn lịch sử Đảng của tỉnh, của các huyện, thị, lịch sử ngành và hàng chục chuyên đề, chuyên ngành quân sự. Với sự cống hiến đó, anh đã được tặng thưởng 13 Bằng khen về thành tích nghiên cứu lịch sử, tổng kết chiến tranh.
Đối với anh, công việc nghiên cứu lịch sử là niềm vui, là đam mê, càng nghiên cứu càng hứng thú, anh luôn siêng năng cần mẫn với công việc, không ngừng học tập nâng cao khả năng chuyên môn về phương pháp sử học. Có thể nói anh là người đi đầu trong việc tìm tòi biên soạn lịch sử cấp tỉnh ở Hà Giang: Cuốn “Hà Giang lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954”, Bộ CHQS tỉnh xuất bản năm 1994, chính là cuốn lịch sử cấp tỉnh đầu tiên được xuất bản ở Hà Giang. Đây chính là tác phẩm đầu tay mà anh đã dầy công nghiên cứu tới 6 năm mới hoàn thành. Nhìn những tập ấn phẩm đã xuất bản, những tủ tài liệu, những cặp bản thảo viết tay mà anh lưu giữ hơn hai chục năm nay mới cảm thấy mến phục đức độ, tính kiên nhẫn phi thường của anh. Với bản tính trung thực, tâm huyết, anh thực sự là người làm lịch sử, bởi lịch sử được dựng lại từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau, chỉ có những người trung thực, tâm huyết, có nhân cách, có lưng có vốn thì lịch sử mới được tái hiện một cách công tâm, khách quan, trung thực.
Anh thường nói với chúng tôi: “Lịch sử chính là chính trị, là nghiên cứu quan điểm đường lối của Đảng, bởi Đảng lãnh đạo toàn diện tuyệt đối trên tất cả các mặt: Cán bộ chính trị giỏi, lại có kiến thức lịch sử sâu rộng, thì lý luận càng trở nên uyên bác”; rồi anh nói tiếp “Lịch sử Việt Nam chính là một trong những nền văn minh lịch sử hay nhất thế giới, ấy vậy mà thật đáng buồn là lớp trẻ, thậm chí là cán bộ đảng viên trẻ ngày nay, lại rất ít quan tâm đến pho lịch sử bằng vàng ấy”.
Ý kiến bạn đọc