Hà Giang làm theo lời căn dặn của Người
HGĐT- Cách đây 49 năm, ngày 26.3.1961, Bác Hồ cùng một số đồng chí ủy viên T.Ư Đảng, thay mặt cho BCH T.Ư, Quốc hội, Chính phủ lên thăm Đảng bộ và đồng bào các dân tộc Hà Giang. Cùng thời gian đó, tỉnh Hà Giang đang diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III, quyết định phương hướng và mục tiêu cơ bản của Đảng bộ tỉnh để thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ I.
Bác Hồ đã nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội Đảng, đại biểu về dự Hội nghị bàn về lãnh đạo sản xuất và đại biểu các ngành, các giới xung quanh tỉnh. Bác nói: “Phải tăng cường đoàn kết các dân tộc, quán triệt và phát huy tốt tinh thần làm chủ tập thể làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng Đoàn thanh niên; chú trọng lãnh đạo tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, giữ gìn tốt trật tự trị an; lãnh đạo phải toàn diện; phải bồi dưỡng, giúp đỡ cán bộ địa phương”.
Lời Bác căn dặn Đảng bộ và đồng bào các dân tộc Hà Giang ngày đó, nay đã gần 50 năm. Giờ Người đã đi xa... nhưng trong lòng Đảng bộ và đồng bào 23 dân tộc anh em Hà Giang vẫn khắc sâu hình ảnh của Người trong trái tim, không ngừng củng cố tình đoàn kết các dân tộc, làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng Đoàn thanh niên... Đặc biệt là Đảng bộ Hà Giang đã lãnh đạo xuất sắc nhiệm vụ phát triển KT – XH, củng cố AN – QP ở một tỉnh miền núi biên giới địa đầu của Tổ quốc; không ngừng chăm lo chú trọng đến bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ địa phương.
Nhìn lại những năm đầu khi Hà Giang được tái lập (tháng 10.1991), nền kinh tế rất thấp, kết cấu hạ tầng (điện, đường, trường, trạm...) hầu như chưa có gì, bởi ảnh hưởng khách quan...; đời sống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh còn nghèo khó, văn hóa-xã hội rất thấp... Hà Giang lúc đó được xếp vào hàng tỉnh nghèo nhất nước. Vậy mà sau gần 20 năm tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo của BCH Đảng bộ tỉnh, được sự quan tâm, chăm lo đúng mức của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cùng các bộ, ngành T.Ư, cộng với lòng khát khao, nêu cao tinh thần đoàn kết, vượt lên mọi khó khăn gian khổ, không cam chịu đói nghèo, lạc hậu của cán bộ, đảng viên và nhân dân, qua 4 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh; đến nay, Hà Giang như một con Rồng ngủ dài bừng tỉnh, vươn lên khẳng định tầm vóc và vị thế ở miền cực Bắc, nhanh chóng hòa nhập cùng nhịp đập của sự phát triển kinh tế thị trường, từng bước thoát đói nghèo, bộ mặt của Hà Gianghôm nay như “lột xác”. Sự thay da đổi thịt đó chính là lời hứa quyết tâm to lớn của Đảng bộ và đồng bào các dân tộc Hà Giang với Bác Hồ.
Đến bây giờ lần giở lại trang sử, Đảng bộ và đồng bào các dân tộc Hà Giang thấy mình đã trải qua những thời kỳ cam go và ác liệt như thế nào; nhiều lúc những yếu tố khách quan như thiên tai, dịch bệnh đói rét... hoành hành; tình hình chính trị biên giới phức tạp, ác liệt... và cả những yếu tố chủ quan của con người (nhận thức, trình độ, lòng nhiệt huyết...) có lúc có nơi, có người, có bộ phận... giảm sút, yếu kém. Nhưng sức mạnh đoàn kết, lòng quyết tâm cao, ý chí tự lực tự cường... và sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ... đã đưa Hà Giang bay cao từ một tỉnh nghèo nhất nước nay vươn lên có nền kinh tế hàng hóa, từ thị xã về nông thôn, từ vùng thấp lên vùng cao biên giới và đang xóa dần nghèo... Hết năm 2009, về phát triển kinh tế, Hà Giang đạt tổng giá trị gia tăng 13,46%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Nông – lâm nghiệp chiếm 35,07%; công nghiệp – xây dựng chiếm 26,27%; thương mại – dịch vụ 38,64%...; thu nhập bình quân đầu người đạt 6,3 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, còn 20,64% (giảm 7% so năm 2008). Lương thực bình quân đầu người đạt 419 kg; tổng đàn gia súc (trâu, bò, lợn, dê) đạt trên 80 vạn con, tăng 5% so 2008. Trồng rừng mới 16.159,6 ha, trong đó trồng rừng sản xuất đạt 13.456ha, độ che phủ của rừng đạt 52%. Về giáo dục, tỷ lệ huy động trẻ từ 6 – 14 tuổi đến trường đạt 97,8%. Chất lượng khám, chữa bệnh được ngày càng nâng cao. Các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao, văn nghệ... tiếp tục được phát triển... công tác AN – QP được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị không ngừng được tăng cường... Phải chăng những thành tựu to lớn đó mà Đảng bộ và đồng bào các dân tộc Hà Giang đạt được chính là lời hứa với Bác Hồ và T.Ư Đảng.
Hôm nay, thực hiện theo Di chúc của Bác, tư tưởng và tấm gương của Người vẫn dọi sáng chỉ đường trong tâm trí của mỗi người con đất Việt. Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được 3 năm. Sau 3 năm thực hiện, Tỉnh ủy Hà Giang đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tới các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị; cán bộ, đảng viên và nhân dân đi vào chiều sâu, với những chủ đề, những việc làm cụ thể, thiết thực, gắn với từng thời điểm... Hàng nghìn tấm gương về thực hành “tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu... Nâng cao ý thức trách nhiệm hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”, cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu trong rèn luyện, giữ gìn phâm chất, đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc... làm gương cho quần chúng noi theo đã góp phần tích cực vào xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị... Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm BC – VH – NT và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được các nhà báo, văn nghệ sĩ và nhân dân tích cực tham gia. Qua 2 năm triển khai (2008 – 2009), tỉnh ta đã sơ kết và trao giải thưởng cho hàng chục tác phẩm xuất sắc viết về các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ. Đó là những con người và tập thể ở các lĩnh vực từ cán bộ CCVC, lực lượng vũ trang đến nông dân, công nhân, trí thức, học sinh, sinh viên, doanh nghiệp và các cụ gia, em nhỏ... thể hiện lòng kính yêu biết ơn đời đời của nhân dân ta đối với Bác Hồ.
Năm 2010, đất nước ta kỷ niệm các ngày lễ lớn trọng đại của dân tộc, trong đó có kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đảng ta tiếp tục thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, với chủ đề “Xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, là đạo đức là văn minh”; gắn với cuộc vận động “Xây dựng và chỉnh đốn Đảng”. BTV Tỉnh ủy Hà Giang đã ra chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động, với những nhiệm vụ cụ thể, chủ yếu: Đó là thực hiện nghiêmtúc chế độ sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cấp ủy định kỳ; chế độ tự phê bình và phê bình, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Trong đó các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu ở các cấp, các ngành phải gương mẫu... Để chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, công tác nhân sự đại hội cần được quán triệt sâu sắc trong cán bộ, đảng viên và rèn luyện, gìn giữ phẩm chất đạo đức, lối sống, lề lối làm việc, cảnh báo một số biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống... Từng cán bộ, đảng viên phải liên hệ xây dựng chuẩn mực cụ thể với kế hoạch rèn luyện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đặc biệt là quan tâm nêu gương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến và sự gương mẫu của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các cấp về đức, lối sống và tác phong, lề lối làm việc... Phải chăng, đó là thể hiện lời hứa bằng hành động của Đảng bộ và đồng bào các dân tộc Hà Giang với Người.
“Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”, sự trong sáng ấy đã và đang được cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc Hà Giang thể hiện từng giờ, từng phút trong rèn luyện, tu dưỡng; bằng hành động cụ thể ở mỗi việc làm dù nhỏ nhất, để góp phần xây dựng Hà Giang – mảnh đất cực Bắc của Tổ quốc ngày càng giàu mạnh, văn minh như Bác hằng mong muốn.
Ý kiến bạn đọc