Vận dụng tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giảng dạy phần học Nghiệp vụ công tác đoàn thể
HGĐT- Công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam, là điều kiện quan trọng đảm bảo cho sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội, thắt chặt mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với dân. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Việc dân vận rất quan trọng, dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Nâng cao chất lượng giảng dạy phần học Nghiệp vụ công tác đoàn thể là một yêu cầu tất yếu khách quan trong giai đoạn hiện nay. Muốn vậy, chúng ta cần học tập và vận dụng phương pháp dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thứ nhất: Giảng viên dân vận cần phải có kiến thức vừa đa dạng vừa chuyên sâu. Đây là một yêu cầu tất yếu. Nói đa dạng là vì, trước hết, phải hiểu biết về lý luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phải có kiến thức chung về dân vận và phải hiểu về dân, mà dân thì có nhiều hạng xét ở nhiều góc độ: Lứa tuổi, giới tính, thành phần dân tộc, tâm lý, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần nghề nghiệp. Nguyện vọng, mong muốn, tình cảm, thói quen, phong tục, tập quán, lễ tiết... mỗi đối tượng một đặc trưng riêng. Phải có kiến thức chuyên sâu, có nghĩa, giảng dạy đối tượng nào thì giảng viên phải hiểu về đối tượng đó, phải nắm vững quan điểm của Đảng, chính sách Nhà nước đối với bộ phận dân đó như thế nào? Cách thức vận động ra sao? Ví dụ, giảng công tác vận động thanh niên thì giảng viên phải có kiến thức về thanh niên, phải hiểu thanh niên cũng như nắm được những quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thanh niên thì bài giảng mới đạt chất lượng, hiệu quả.
Thứ hai: Bài tập tính huống trong giảng dạy nghiệp vụ công tác đoàn thể không nhất thiết xây dựng thành một bài giảng quy củ cho một buổi giảng, mà có thể sử dụng theo hình thức lồng ghép. Đó là trong quá trình giảng các bài mang tính nghiệp vụ, cần nêu lên một vài tình huống dễ gặp trong quá trình vận động đối tượng mà chúng ta đang giảng như thanh niên, phụ nữ, nông dân... những tình huống này có thể do giảng viên chủ động đề ra, cũng có thể gợi ý để học viên nêu lên từ thực tiễn công tác của họ. Giải quyết tình huống là một cách hướng dẫn cụ thể trong công tác dạy học lý luận. Hướng dẫn từ giảng viên và tự học viên hướng dẫn giúp nhau. Đây là một trong những phương pháp dạy học tích cực gắn lý luận với thực tiễn.
Thứ ba: Đối với giảng viên nói chung, ai cũng cần có nghiệp vụ sư phạm, đó là có sự hiểu biết các học viên trong lớp ở các mặt trình độ, lứa tuổi, nghề nghiệp, tâm lý, nguyện vọng,... để lựa chọn mức độ nội dung và phương pháp truyền thụ phù hợp. Song, đối với giảng viên dân vận nói riêng, cần lồng ghép phong cách dân vận trong quá trình giảng dạy và tiếp cận học viên, đó là tăng cường tiếp xúc, giao lưu, trao đổi, thảo luận với học viên cả trong và ngoài lớp, để có sự gần gũi, chia sẻ, đồng thời nhận sự phản hồi về kiến thức bài giảng từ phía học viên và học hỏi ở họ những điều còn thiếu. Đây cũng là cách để tránh tình trạng áp đặt trong giảng dạy dân vận.
Thứ tư: Giảng viên dân vận cũng chính là cán bộ dân vận vì vậy giảng viên dân vậnkhông phải chỉ hiểu biết sâu về kiến thức dân vận và công tác dân vận mà ở họ cũng phải cần thực hành những kiến thức ấy trong quá trình ở trên lớp, trong tiếp xúc với học viên và cả trong thực tiễn cuộc sống, công việc hàng ngày. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Muốn hướng dẫn nhân dân thì tự mình phải mực thước để người ta bắt chước”, “dĩ nhân nhi giáo, dĩ ngôn nhi giáo”, tức là trước hết phải giáo dục bằng tấm gương sống và việc làm của mình, sau đó mới giáo dục bằng lời nói. Vì lẽ đó, dạy học viên ở cơ sở phải trọng dân, gần dân, hóa đồng cùng nhân dân, mà bản thân mình không thể hiện được điều đối với học viên, thì những gì mình nói không có tính thuyết phục. Gần gũi, hòa đồng ở đây không chỉ ở thái độ, lời nói mà còn cần chú ý đến cách ứng xử và trang phục, như nếu có điều kiện thì có thể ăn cơm tập thể cùng học viên để gây sự hòa đồng, gần gũi, trang phục nên đứng đắn, giản dị, tránh cầu kỳ, sang trọng thái quá... trong khi học viên chủ yếu là ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Như vậy, học tập và vận dụng tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giảng dạy phần học nghiệp vụ công tác đoàn thể, là người giảng viên dân vận cần thực hiện đúng phương pháp dân vận “Phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” trong quá trình công tác và giảng dạy.
Ý kiến bạn đọc