Giáo dục, bồi dưỡng về chí khí cách mạng cho thanh niên theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh
HGĐT- Để lý tưởng trở thành hiện thực cần phải hành động, phải vượt qua biết bao gian truân khó nhọc, phải kiên trì đấu tranh… Chính vì thế thanh niên cần phải có ý chí, có nghị lực… Trong những điều Chủ tịch Hồ chí Minh căn dặn và quan tâm hàng đầu đến việc bồi dưỡng, giáo dục cho thanh niên là “Nâng cao chí khí cách mạng”.
“Chí” mà Người nêu lên ở đây là ý chí, nghị lực, chí lớn, “Khí” là khí phách, khí tiết, khí dũng trong con người … Là người tiêu biểu cho tinh hoa văn hoá dân tộc, Người luôn mong muốn được trao truyền và phát huy bản sắc và truyền thống tinh thần quý báu của dân tộc cho con cháu. Chính vì vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên khuyên nhủ thanh niên tu dưỡng, rèn luyện chí khí. Vào đầu thế kỷ XX, một số nhà nho yêu nước và cả hai cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đều có đề cập đến vấn đề mở mang dân trí và chấn dân khí… Thật vậy, yêu nước mà thiếu dũng khí hành động, thiếu tinh thần anh dũng đấu tranh với quân thù thì cũng chẳng làm được gì ích quốc lợi dân. Ông cha ta thường nói tới “Chí làm trai” là để cổ vũ con cháu vượt qua khó khăn, gian khổ vì sự nghiệp lớn.
Đó là chí khí nói chung, chí khí của truyền thống dựng nước và giữ nước. Hồ Chí Minh khuyên nhủ thanh niên tiếp tục phát huy chí khí truyền thống đó một cách cụ thể trong hành động nhưng lại rất mới mẻ, bao quát, đầy đủ hơn, đó là: “Chí khí cách mạng: Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Đây chính là nội dung chí khí cách mạng trong thời đại mới mà Người đã đặt ra để ai cũng có thể thấu hiểu được.
- Muốn trung với nước, hiếu với dân, cần có chí khí.
- Muốn hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào, cần có chí khí.
- Muốn vượt qua mọi khó khăn, cần có chí khí.
- Muốn đánh thắng vô luận kẻ thù nào rất cần đến chí khí.
Hơn thế, muốn thực hiện lý tưởng đã lựa chọn lại rất cần có chí khí.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là một tấm gương sáng về tinh thần quyết tâm cách mạng. Từ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của mình, Người khẳng định nếu có quyết tâm cách mạng thì dù khó khăn đến đâu con người cũng vượt qua được, Người khuyên thanh niên:
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên (1).
Sức mạnh “đào núi và lấp biển” của bao thế hệ thanh niên Việt Nam trong kháng chiến cũng chính là sức mạnh của lý tưởng, của chí khí, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
“Nâng cao chí khí cách mạng, trung với nước, hiếu với dân...” trong năm điều Hồ Chí Minh dạy bao hàm những nội dung rất mới mẻ trên cơ sở phát triển những tinh hoa của dân tộc và nhân loại.
Trung và hiếu là những khái niệm quan trọng mà Nho giáo đưa ra. Nhưng trung, hiếu truyền thống chỉ bó hẹp trong phạm vi hết lòng với vua, với ông bà cha mẹ trong bất kỳ điều kiện nào. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng khái niệm trung, hiếu để khuyên nhủ thanh niên, nhưng khái niệm này đã được nâng cao, phát triển mang tính giai cấp sâu sắc. Đó là trung với nước, trung với Đảng. Thanh niên trước hết là có tinh thần yêu nước nồng nàn, sâu sắc được thể hiện trong suy nghĩ và hành động hàng ngày vì lợi ích của đất nước, không làm điều gì phương hại đến thanh danh và lợi ích của đất nước. Người dạy: “Yêu Tổ quốc là cái gì trái với quyền lợi của Tổ quốc, chúng ta kiên quyết chống lại” (2). Tư tưởng quán xuyến của Người là Tổ quốc luôn gắn liền với nhân dân, yêu nước hay trung với nước là làm sao cho “dân giàu, nước mạnh”.
Trung với Đảng, theo lời dạy của Người là:“...ngay thẳng, không có tà tâm, không làm việc bậy… ngoài lợi ích của Đảng không có lợi ích riêng… lúc Đảng giao cho việc thì bất kỳ to nhỏ đều ra sức làm cẩn thận”
Trung với Đảng với ý thức trách nhiệm, “…biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cân nhắc người tốt, đề phòng người gian”.
Đó là những nội dung hết sức sinh động, cụ thể, vừa là thước đo, vừa là sự chỉ dẫn không chỉ riêng đối với thanh niên mà cho mọi người, cho tất cả những ai đang tự nguyện chiến đấu dưới ngọn cờ của Tổ quốc, của Đảng. Hồ Chí Minh đặt vấn đề trung với nước đi liền hiếu với dân. Người luôn nhắc nhở thanh niên phải kính trọng và thương yêu cha mẹ, hiếu với dân, kết hợp nhuần nhuyễn giữa gia đình và xã hội, cha mẹ, anh chị em với đồng bào, đồng loại. Hiếu với dân như Người dạy là yêu mến nhân dân, quý trọng nhân dân, học tập, làm việc, chiến đấu vì nhân dân, làm cho ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Và yêu nhân dân với tinh thần trách nhiệm thường xuyên: “…việc gì, hay người nào phạm đến lợi ích chung của nhân dân, chúng ta kiên quyết chống lại…” (3).
Hiếu với dân còn có ý nghĩa là dám đấu tranh chống lại mọi biểu hiện sách nhiễu nhân dân, gây phiền hà cho nhân dân, luôn dựa vào quần chúng mà phát động mọi phong trào, làm cho quần chúng luôn phấn khởi, tin tưởng.
Đây là tư tưởng nhân văn, nhân đạo cao cả xuyên suốt của Người, đây cũng là mục tiêu trước mắt và lâu dài của công cuộc đổi mới do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo. Con đường đến ấm no, sung sướng, hạnh phúc tuy đã rộng mở, song phía trước như Người đã dự báo còn nghìn điều, muôn loại phức tạp, khó khăn. Vì vậy, thanh niên chúng ta ý thức sâu sắc về lời căn dặn của Người luôn nâng cao chí khí cách mạng để trong bất kỳ tình huống nào cũng quyết tâm vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Lịch sử dân tộc ta là lịch sử đấu tranh chống lại những kẻ thù xâm lược hùng mạnh hơn mình nhiều lần, các thế hệ thanh niên nước ta là lực lượng xung kích đi đầu trong các cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi là: “Thế hệ anh hùng của thời đại anh hùng”.
1. Hồ Chí Minh, (2004), toàn tập, tập 6, NXBCTGQ, HàNội, tr.95.
2. Hồ Chí Minh,(2004), toàn tập, tập 7, NXBCTQG, Hà Nội, tr.398.
3. Hồ Chí Minh,(2004), toàn tập, tập 7, NXBCTQG, Hà Nội, tr.398.
Ý kiến bạn đọc