Người có nhiều đóng góp trong vận động nhân dân tại thôn bản
HGĐT - Ở xã Nàn Xỉn, huyện Xín Mần có một người đã có nhiều đóng góp trong công tác vận động quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Quốc gia và an ninh trật tự tại thôn bản. Đó chính là anh Tẩn Văn Đức, Phó Chủ tịch HĐND xã.
Nàn Xỉn là xã biên giới còn nhiều khó khăn với 6,6 km đường biên tiếp giáp Hương Mào Phìn, trấn Đô Long, huyện Mã Quan, châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Xã có 8 thôn bản, trong đó có 2 thôn giáp biên, địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều khe suối, độ dốc lớn và có độ cao khoảng 2.000m, thời tiết quanh năm khắc nghiệt. Toàn xã có 6 dân tộc gồm La Chí, Mông, Nùng, Phù Lá, Dao, Mường, trong đó dân tộc La Chí chiếm 37,54%. Là xã đặc biệt khó khăn, điểm xuất phát thấp, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu, nhận thức của nhân dân còn nhiều hạn chế; cùng với đó, tình hình buôn lậu qua biên giới, buôn bán phụ nữ và trẻ em, truyền đạo trái pháp luật còn nhiều phức tạp; đặc biệt là các thế lực thù địch từng ngày từng giờ lợi dụng, kích động, lôi kéo đồng bào... ; nhận thức được điều đó, anh Đức đã tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền xã thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng gắn với bảo vệ đường biên cột mốc, xây dựng các phong trào quần chúng như: “Tổ an ninh tự quản thôn bản”, phong trào “Thanh niên làm chủ đường biên, xây dựng các điểm văn hóa” trên biên giới; tăng cường xây dựng củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững; thường xuyên chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể vận động nhân dân chấp hành nghiêm túc Hiệp định tạm thời (7/11/1991), Hiệp ước biên giới trên bộ Việt Nam - Trung Quốc (30/12/1999), Luật Biên giới Quốc gia...; chỉ đạo Tổ đoàn kinh tế quốc phòng 314 đóng trên địa bàn xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về các nội dung liên quan đến bảo vệ biên giới, phân giới cắm mốc, thực hiện nhiệm vụ xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Anh Đức cho biết: Mỗi năm anh cùng các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với lực lượng biên phòng tổ chức tuyên truyền hàng trăm buổi với hàng nghìn lượt người nghe. Kết quả, nhận thức của nhân dân về chủ quyền biên giới được nâng lên, nhân dân có ý thức tự giác bảo vệ biên giới, phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm chủ quyền biên giới. Ví dụ: Ngày 8/5/2007, đối tượng hai bên biên giới cấu kết với nhau lấy trộm 1 máy biến áp 35 KV, quần chúng nhân dân phát hiện báo với lực lượng dân quân phối hợp với bộ đội biên phòng bắt được 6 đối tượng. Mới đây, ngày 23/10/2009 có 2 đối tượng người Trung Quốc sang bắt cóc phụ nữ trên đỉnh Ka Ba - Gia Long đã bị nhân dân kịp thời phát hiện báo cho chính quyền xã và lực lượng dân quân truy đuổi bắt 2 đối tượng và cứu được nạn nhân...
Khi được hỏi về những kinh nghiệm trong việc vận động quần chúng, anh Đức cho rằng: Trước hết cấp ủy, chính quyền ở cơ sở phải thường xuyên quán triệt các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận và kịp thời đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo sát, đúng. Thường xuyên bồi dưỡng rèn luyện cán bộ, đảng viên trực tiếp làm công tác vận động quần chúng có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt và có năng lực vận động quần chúng; không chỉ tuyên truyền mà còn phải trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân; người làm công tác vận động quần chúng phải có bản lĩnh vững vàng, không sợ gian khó, gương mẫu, kiên nhẫn, thận trọng, nói đi đôi với làm, phải gần dân, sát dân và hiểu dân, biết thuyết phục, lôi cuốn nhân dân các dân tộc cùng thực hiện.
Ý kiến bạn đọc