Nguyễn Văn Toàn với ước mơ làm giàu
HGĐT- Ở tuổi 25, Nguyễn Văn Toàn đã và đang làm chủ một trang trại chăn nuôi lợn thịt có trị giá hàng trăm triệu đồng. Điều đáng ghi nhận ở người thanh niên trẻ tuổi này là ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình khi vợ và đứa con 9 tháng tuổi của anh đang làm cán bộ ở một xã biên giới xa nhà.
Từ chăn nuôi lợn thịt mỗi năm cho gia đình anh Nguyễn Văn Toàn, thôn Chang, xã Việt Lâm thu nhập hàng trăm triệu đồng. |
Đến xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên tôi được chị Hà Thị Chư, Bí thư Đảng ủy xã và Chủ tịch Hội nông dân Nguyễn Thị Nguyện đưa đến thăm mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Nguyễn Văn Toàn ở thôn Chang. Theo các chị đây đang là mô hình chăn nuôi lợn tiêu biểu, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt và lớn nhất tại xã hiện nay.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ còn khiêm tốn, Toàn cho biết: Trước đây cũng đã loay hoay mãi không biết nên làm nghề gì và bắt đầu từ đâu bởi sau khi học xong cấp III, anh chỉ ở nhà làm ruộng. Thế rồi 2 năm trở lại đây, sau khi đã lấy vợ rồi có con nhỏ, cuộc sống gia đình với trăm nỗi lo toan, vất vả, phần vì thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, phần vì chưa được học qua một lớp nghề gì… Suy nghĩ mãi, Toàn quyết định chọn nghề chăn nuôi lợn. Với số vốn ít ỏi ban đầu, vợ chồng anh mua đôi lợn nái sinh sản. Sau một thời gian, đôi lợn nái đẻ được bao nhiêu con, anh quyết định để lại nuôi cả, ngoài ra anh còn mua thêm vài con lợn giống để bõ công chăm sóc. Rồi cứ thế nhân lên, cùng với đức tính chịu khó, ham làm, vừa nuôi vừa học tập kinh nghiệm, từ nguồn thức ăn do gia đình sản xuất, đàn lợn nhà anh đã không phụ công người chăm sóc cứ sinh sôi và lớn lên hàng ngày. Năm ngoái với 5 đàn lợn anh đã xuất bán được trên 3 tấn lợn thịt cho các thương lái đến tận nhà thu mua, sau khi trừ chi phí cũng cho lãi vài chục triệu đồng. Giờ thì có vốn, có kinh nghiệm, anh lại dồn hết số tiền vào xây dựng chuồng trại, mua lợn giống, mua máy nghiền thức ăn và lúa, ngô làm thức ăn dự trữ… Tính đến tháng 10 năm nay, anh đã xuất bán được trên 8 tấn lợn thịt, cho thu nhập gần 2 trăm triệu đồng và hiện tại trong khu chuồng vẫn còn khoảng gần 100 con, trong đó có tới vài chục con đang đến kỳ xuất bán.
Tiếng anh Toàn có mô hình chăn nuôi lợn mang lại hiệu quả kinh tế cao không những cả xã Việt Lâm ai cũng biết mà đến cả lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp huyện Vị Xuyên cũng khen ngợi sau khi đã trực tiếp đến để thẩm định nguồn vốn một trăm triệu đồng mà Ngân hàng Nông nghiệp huyện vừa cho Toàn vay trong tháng 10 để anh tiếp tục mở rộng trang trại chăn nuôi. Khi hỏi anh về kế hoạch và phương án sử dụng nguồn vốn vay, anh dẫn chúng tôi ra khu vườn sau nhà, nơi đang có những người thợ xây miệt mài làm việc. Tại đây có hơn chục ô chuồng, với diện tích mỗi ô khoảng 20 mét vuông đã được xây dựng hoàn thiện, nâng tổng số lên gần 20 ô chuồng, tạo thành 2 dãy nhà khá khoa học và đẹp mắt, đang sẵn sàng để đón những lứa lợn giống mới. Ngoài ra, anh còn cho xây dựng hệ thống hầm Bioga trị giá hơn 15 triệu đồng để lấy khí đốt được tận dụng từ nguồn phân chuồng. Đây sẽ là nguồn nhiên liệu phục vụ đắc lực cho chăn nuôi và sinh hoạt của gia đình, vừa tiết kiệm được đáng kể chi phí về chất đốt, nhất là trong mùa đông vừa đem lại môi trường sạch cho gia đình và cộng đồng xung quanh. Anh cho biết thêm: Tới đây mỗi ô chuồng anh sẽ nuôi khoảng 20 con lợn giống và như vậy trong chuồng sẽ luôn có từ 250-300 con lợn. Theo cách chăn nuôi này thì cứ đàn trước nối đàn sau, mỗi tháng anh sẽ suất bán hai lứa, với giá cả như hiện nay cũng cho thu nhập hàng chục triệu đồng sau khi đã trừ hết chi phí. Hiện tại mỗi ngày đàn lợn nhà anh tiêu tốn hơn 1 tạ ngô làm thức ăn và trong thời gian tới, số lượng thức ăn sẽ còn phải tăng lên gấp nhiều lần nên ngay từ bây giờ vì đang là mùa thu hoạch nên gia đình đang tích cực thu mua gom thức ăn để dự trữ, nhằm đảm bảo nguồn thức ăn dồi dào cho đàn lợn phát triển.
Có thể khẳng định, Nguyễn Văn Toàn, một thanh niên có tuổi đời còn rất trẻ, song đã sớm có nghị lực vượt khó, vươn lên để làm giàu bằng chính đôi bàn tay và trí óc của mình. Và chắc chắn hình ảnh cũng như mô hình chăn nuôi của người chủ trang trại này sẽ còn là một minh chứng, làm thay đổi đến phong tục, tập quán chăn nuôi lạc hậu của người dân nơi đây đã bị kéo dài suốt bao năm qua, đem lại hiệu quả về mặt xã hội, một cách làm mới, đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu vật nuôi theo hướng chăn nuôi hàng hoá, giải quyết được lao động dư thừa ở nông thôn và là giải pháp xoá đói, giảm nghèo hiệu quả để vươn tới làm giàu bền vững, một mô hình đáng được quan tâm nhân rộng.
Ý kiến bạn đọc