16:30, 23/10/2009
HGĐT- Năm 2004, Lâm trường Hoàng Su Phì giải thể, anh Lê Văn Thảo về nghỉ theo chế độ tại nhà riêng ở thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì). Những tưởng anh sẽ ở nhà kinh doanh, buôn bán nhưng cái duyên với nghề rừng đã thôi thúc anh rời phố huyện đông vui để vào tận cánh rừng già xa sôi ở xã Hồ Thầu trồng thảo quả.
|
|
Hành trình đến với cây thảo quả của anh Lê Văn Thảo là cả quãng thời gian dài. Khi còn là cán bộ ươm cây giống tại Lâm trường Hoàng Su Phì, anh đã nhiều lần đi chơi cùng Đội kỹ thuật của Lâm trường vào những cánh rừng già ở xã Hồ Thầu để khảo sát. Những chuyến đi thực tế đó đã giúp anh phát hiện một tiềm năng lớn ở vùng đất này nhưng chưa được khai thác, đó là cây thảo quả. Thảo quả mọc tự nhiên và có mặt ở hầu hết các cánh rừng trong xã, tuy nhiên nhiều nhất là khu vực rừng đầu nguồn con suối Chiến Thắng, khu vực cổng trời Hồ Thầu và một số cánh rừng lân cận. Đến năm 2004, Lâm trường Hoàng Su Phì giải thể, anh về sinh sống tại nhà riêng ở thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì). Khu vực gia đình anh ở nằm ngay trung tâm phố huyện nên ai cũng nghĩ anh sẽ ở nhà kinh doanh, buôn bán. Thế nhưng cái duyên với nghề rừng đã thôi thúc anh Thảo rời phố huyện lên cánh rừng già xa sôi ở Hồ Thầu khai thác tiềm năng thảo quả lâu nay vẫn bị bỏ quên trên vùng đất này. Anh Thảo thuê đất rừng với diện tích gần 14 ha, thời hạn 50 năm ở thôn Chiến Thắng, khu vực rừng ở cổng trời Hồ Thầu. Đây là khu vực rất thuận lợi bởi nó có nguồn nước, có đường liên xã chạy qua và đặc biệt là có tán rừng để trồng thảo quả. Ngay sau khi được huyện cấp đất, anh bắt tay ngay vào việc chuẩn bị để trồng thảo quả. Do lần đầu tiên trồng giống cây này nên anh Thảo đã lên Phòng Nông nghiệp huyện để xin sách hướng dẫn kỹ thuật trồng cây thảo quả về học. Được trang bị kiến thức từ sách kỹ thuật lại có một chút kinh nghiệm từ ngày còn ở Lâm trường, anh Thảo bắt tay ngay vào việc ươm cây giống thảo quả. Anh đã ra tận xã Lao Chải (Vị Xuyên) để mua quả giống tốt rồi về tự ươm ở vườn rừng. Ngay lần đầu tiên ươm, anh đã ươm giống thảo quả thành công. Vừa ươm giống, vừa chuẩn bị làm đất, đào hố cho đến tháng 11 năm 2006, anh Thảo tập trung trồng gần 20.000 cây thảo quả. Năm đầu trồng thành công, cây phát triển tốt, gia đình anh tiếp tục ươm giống và trồng thêm 10.000 cây trong năm 2007. Đến nay gia đình anh có khoảng trên 30 ha diện tích cây thảo quả. Diện tích lớn hơn so với diện tích đất của gia đình đó là do khu vực rừng giáp danh giữa xã Quảng Nguyên và Hồ Thầu thuộc sự quản lý của xã nên anh phát triển mở rộng diện tích trồng thảo quả vừa để giữ rừng cho xã, vừa mở rộng diện tích thảo quả của mình. Vừa trồng, vừa học hỏi kinh nghiệm, diện tích thảo quả của anh Thảo phát triển đều và tốt. Không phụ công người, năm 2009 này những cây thảo quả đã cho thu hoạch vụ đầu tiên. Vụ đầu nhưng cũng được thu trên 2 tấn quả, bán với giá thị trường hiện nay cũng được khoảng 30 triệu đồng. Anh Thảo tiết lộ: Năm nay có khoảng 10 ha cho thu hoạch, sang năm 2010 có khoảng 25 ha cho thu hoạch tôi ước tính cũng sẽ thu được từ 20 đến 25 tấn. Với giá thành bán như năm nay thì chỉ trong vòng năm 2010 gia đình tôi sẽ lấy lại được vốn đầu tư mấy trăm triệu vào vùng đất này. Còn khi được hỏi về kỹ thuật trồng, anh Thảo cho biết: “ Cây thảo quả trồng không khó nhưng phải biết kỹ thuật chăm sóc thì cây mới phát triển và cho quả đều, trước tiên là cây phải được trồng dưới tán rừng, nếu chỗ nào không có tán rừng cây sẽ úa vàng và chết, do đó việc trồng thảo quả ngoài ý nghĩa về kinh tế còn có ý nghĩa giữ rừng rất tốt. Trong quá trình chăm sóc cần phải thực hiện một số biện pháp kỹ thuật như phun thuốc chống nấm dễ cây khi cây non, không được dùng phân hữu cơ mà chỉ được dùng phân chuồng ủ ải, khi cây phát triển khoảng 7 cm cần tỉa thưa cây để cây phát triển tốt hơn cũng như vừa lấy cây giống để nhân rộng diện tích.
Không chỉ phát triển diện tích thảo quả cho gia đình, anh Thảo cũng đã vận động người dân trong thôn cùng trồng thảo quả, anh đã hướng dẫn kỹ thuật và cung cấp cây giống cho một số hộ gia đình lân cận. Ngay cạnh diện tích thảo quả của gia đình anh giờ có thêm diện tích thảo quả khoảng 7 ha của nhà ông Bàn Quầy Phú. Gia đình ông Phú cũng học kỹ thuật trồng thảo quả của anh Thảo và cũng được anh cung cấp giống để trồng ban đầu. Theo quan sát của anh Thảo thì ở Hồ Thầu tiềm năng phát triển cây thảo quả còn rất lớn, do đó bà con trong xã có thể mở rộng diện tích bởi anh Thảo cũng mong muốn Hồ Thầu sẽ trở thành vùng trồng thảo quả tập trung để gia đình mình với người dân trong thôn cùng phát triển bảo vệ, chăm sóc và làm giàu từ thảo quả. Cùng từ những người như anh Thảo nên tiềm năng cây thảo quả đang được xã Hồ Thầu khai thác, hiện nay xã đã vận động bà con trồng được gần 100 ha, diện tích này năm tập trung ở thôn Chiến Thắng, Tân Thành, Quang Vinh, trong đó có gần 50 ha đã cho thu hoạch.
Dự định của anh Lê Văn Thảo trong năm tới là sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng thảo quả, cùng với đó là anh cũng khoanh vùng để nuôi lợn rừng, nuôi gà đen.
Khánh Toàn
Ý kiến bạn đọc