Gương phụ nữ sản xuất giỏi
HGĐT- Sinh ra và lớn lên tại một xã nghèo, vùng biên của huyện Quản Bạ, cũng như bao gia đình khác, gia đình chị Thào Thị Súa, thôn Sải Giàng Phìn, xã Tả Ván vì đông con, diện tích canh tác ít, đất canh tác chủ yếu trồng ngô 1 vụ, năng suất thấp nên cái đói, cái nghèo luôn đeo bám gia đình chị.
Sau nhiều đêm trằn trọc, suy nghĩ, chị nhận thấy chỉ phát triển trồng trọt thì không thể thoát được đói nghèo, chị đã mạnh dạn dùng số vốn ít ỏi của gia đình sau bao năm tích góp đã mua 1 con bò cái về nuôi, sau gần 2 năm đã sinh thêm 1 con bê, nhưng do thiếu vốn đầu tư, thiếu kiến thức về chăn nuôi nên cái nghèo vẫn đeo bám lấy gia đình chị.
Dịp may đã đến với chị khi năm 2006, Chương trình 135/CP đã đầu tư hỗ trợ cho gia đình chị 1,5 triệu đồng trồng cỏ; 1,5 triệu đồng làm chuồng trại để phát triển trồng cỏ gắn với chăn nuôi gia súc tập trung. Do được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật và ý chí không cam chịu đói nghèo, chị đã mạnh dạn vay thêm vốn để mua trâu, bò và phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm. Với số vốn ban đầu, chị đã quyết tâm chuyển 1 phần diện tích đất trồng ngô cho năng suất thấp sang trồng cỏ, diện tích đất sản xuấtcòn lại chị chuyển sang trồng giống lai và mua phân bón đầu tư thâm canh. Do chịu khó tìm tòi, học hỏi thông qua các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật và chăm sóc thu hoạch đúng kỹ thuật nên hiện nay chị đã có 2 ha cỏ Goatemala sinh trưởng và phát triển tốt. Về chăn nuôi, gia đình chị đã có 18 con trâu, bò, trong đó có 7 con trâu cái và 9 con bò cái. Do đã có kỹ thuật nên khi bê, nghé sinh ra chị giữ nuôi toàn bộ con cái để sinh sản còn con đực nuôi vỗ béo để bán. Ngoài ra, chị còn phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm, mỗi năm xuất chuồng 300 – 400 kg lợn hơi, gần 100kg thịt gà. Hàng năm từ chăn nuôi cho gia đình chị thu nhập trên 30 triệu đồng.
Để các con không bị thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa, chị sắp xếp công việc rất hợp lý để các con chị vừa có thời gian học tập vừa giúp chị làm công việc gia đình. Hiện nay, các con chị đều đã lớn và đi học xa nhà,1 cháu đang làm nghĩa vụ, 2 cháu đi học đại học và 2 cháu đang học phổ thông trung học nên chỉ còn 1 mình chị là lao động chính nên chị cho nuôi rẽ 12 con trâu bò. Bằng sự lao động bền bỉ của cả gia đình và sự chị khó kiên trì của chị đến nay gia đình chị đã có tiện nghi sinh hoạt tuy chưa đầy đủ lắm nhưng đã có tivi màu, xe máy và cái lớn hơn cả là nuôi con cái ăn học đầy đủ.
Qua mô hình phát kinh tế của gia đình chị Thào Thị Súa cho thấy: Phát triển trồng cỏ gắn với chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hoá là rất phù hợp. Đây là biện pháp hữu hiệu tăng thu nhập góp phần xoá đói giảm nghèo vươn lên làm giàu của người dân vùng cao núi đá. Tuy nhiên, để thực hiện tốt và nhân rộng mô hình cần có sự quan tâm thường xuyên của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp của các tổ chức tuyên truyền, vận động sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn nhân dân thâm canh và thu hoạch diện tích cỏ đã trồng theo đúng kỹ thuật, dự trữ và chế biến thức ăn cho đại gia súc trong vụ đông, thường xuyên mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi trâu bò sinh sản, trâu bò vỗ béo, làm tốt công tác vệ sinh thú y và phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, sự nhiệt tình tham gia và tuân thủ theo hướng dẫn kỹ thuật của hộ gia đình là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của mô hình.
Ý kiến bạn đọc