Học tập đạo đức cách mạng trong Di chúc của Hồ Chí Minh

17:02, 28/08/2009

HGĐT- Đọc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta không chỉ thấy ở đó một tình cảm tha thiết đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta và bạn bè quốc tế, mà còn thấy ở đây một mẫu hình sáng ngời của tư tưởng đạo đức trong sáng.


Khi thấy mình đã ở vào cái tuổi “Xưa nay hiếm”, không còn phục vụ cách mạng được lâu nữa, Bác viết Di chúc để lại mấy lời. Trong khoảng thời gian 4 năm, từ khi khởi thảo viết lời đầu tiên (10.5.1965) đến lần sửa cuối cùng (19.5.1969), hàng năm cứ vào tháng 5 sinh nhật mình, Bác đều đem ra xem và sửa. Từng ý, từng lời trong Di chúc của Bác đều chân thành, giản dị, không vì lợi ích cho riêng mình, Bác viết Di chúc với một lý do rất đơn giản, nhưng lại chứa đựng một tinh thần cách mạng lớn lao: “Phòng khi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột”. Người luôn dành tình yêu thương vô hạn, sự quan tâm đối với mọi tầng lớp nhân dân, đặt niềm tin sâu sắc vào khả năng và bản chất tốt đẹp của con người.


Đạo đức cao quý của Hồ Chí Minh là “Hy sinh tất cả vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân”, “bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của nhân dân”. Cuộc đời Bác “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho đất nước được hoàn toàn được độc lập, dân tộc ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Vì vậy, suốt cuộc đời Bác phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân và khi biết mình đến cái tuổi sắp phải xa thế giới này, Bác chỉ tiếc rằng không được phục vụ cách mạng, phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Người không để lại tài sản gì cho riêng mình. Trước khi mất, với tình yêu thương nhân dân vô hạn, thương đất nước còn nghèo, Người căn dặn: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân”.


Bằng tấm lòng yêu nước nồng nàn, Người đã sớm đến với chủ nghĩa Mác- Lênin, tìm thấy ở chủ nghĩa Mác- Lênin ánh sáng soi đường cứu dân, cứu nước. Với tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, học đi đôi với hành, gắn lý luận với thực tiễn, Người đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- lênin và hoàn cảnh thực tiễn đất nước, sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện Đảng, vạch đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam từng bước đi lên, từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Với tinh thần của một chiến sĩ cách mạng Đảng cộng sản Việt Nam, Người đã nhận thức rất rõ thắng lợi của cách mạng Việt Nam có sự đóng góp rất lớn của Đảng. Do đó, trong Di chúc người đề cao vai trò, nhiệm vụ của Đảng, đảng viên: “Để Đảng vững mạnh về chính trị tư tưởng và tổ chức, gắn bó mật thiết với nhân dân và để làm tròn sứ mệnh lịch sử với dân tộc thì trong Đảng phải đoàn kết, đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta… các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình Người đã đúc kết: “mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Bởi khi người cán bộ, đảng viên thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự liêm chính, chí công vô tư, thì họ mới có thể hết lòng vì nước, vì dân, mới được nhân dân tin yêu và làm theo. Mục tiêu tối cao của cán bộ, đảng viên là hướng tới phục vụ nhân dân vô điều kiện, tất cả là đặt quyền lợi của nhân dân, của Tổ quốc lên trên, còn quyền lợi của mình sẽ nằm trong quyền lợicủa nhân dân, của dân tộc. Một khi quyền lợi của toàn thể dân tộc, nhân dân có thì sẽ có quyền lợi của mình, chứ không nên suy bì gì. Người cán bộ là phải đề cao đức tính hy sinh của mình. Do đó, Người nhấn mạnh một cách đặc biệt đến nhiệm vụ chăm lo, bồi dưỡng đạo đức cách mạng: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển, củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” và “mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ khoẻ vô cùng”.


Qua 40 năm thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh, Đảng cộng sản Việt Nam nói chung và Đảng bộ tỉnh Hà Giang nói riêng đã thể hiện rõ sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo điều hành đất nước, địa phương, với những chính sách hợp tác, ưu tiên, hỗ trợ, giúp đỡ thông qua các chương trình, dự án, các hoạt động quyên góp, ủng hộ… Đảng đã cùng nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức, đấu tranh chiến thắng quân xâm lược, làm thất bại nhiều âm mưu “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, phản động, ngăn chặn đẩy lùi lạm phát, suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững vùng biên cương của Tổ quốc, xây dựng một đất nước như Bác đã dặn trong Di chúc: “Xây dựng một đất nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh”.


Tuy nhiên, 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực tế có lúc, có nơi đã để xảy ra hiện tượng mất đoàn kết; một bộ phận cán bộ, đảng viên làm việc quan liêu, tham nhũng, xa rời phẩm chất đạo đức cách mạng; không ít thanh, thiếu niên đã rơi vào cạm bẫy những tệ nạn xã hội như say mê cờ bạc, rượu chè, nghiện hút thuốc phiện và các thứ ma tuý khác… Để thực hiện tốt Di chúc của Bác, mỗi chúng ta cần không ngừng rèn luyện học tập, lao động, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, chấp hành tốt mọi chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện và đưa Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vào trong cuộc sống, công tác, học tập, lao động của chính mình để mỗi chúng ta sẽ là một gương sáng hướng theo tấm gương đạo đức sáng ngườiHồ Chí Minh.


Hoàng Trung Luyến (Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội viên nông dân Hầu Sía Pó huyện Đồng Văn tích cực phát triển kinh tế gia đình
HGĐT- Ông Hầu Sía Pó, 45 tuổi, là hội viên Hội Nông dân thôn Sì Phài, thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn), là một trong những hội viên gương mẫu, đi đầu trong việc phát triển kinh tế gia đình của thôn.
31/07/2009
Kết quả thực hiện cuộc vận động ở Đảng bộ xã Trung Thành
HGĐT- Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được Bộ Chính trị chính thức phát động từ cuối năm 2006 đến nay, giờ đã thực sự trở thành một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trên khắp cả nước nói chung và Hà Giang nói riêng.
31/07/2009
Người làm kinh tế giỏi ở xã Đường Thượng
HGĐT- Đó là anh Lù Văn De, người dân tộc Mông, năm nay 40 tuổi, nhà ở thôn Sảng Pả 1, xã Đường Thượng (Yên Minh). Nhìn cơ ngơi khang trang cũng như nghe anh nói về quá trình phát triển kinh tế của gia đình, có thể khẳng định anh là người vừa chịu khó, vừa làm kinh tế giỏi.
29/07/2009
Người phụ nữ vượt lên số phận
HGĐT- Xuất phát từ trung tâm xã Mậu Duệ (Yên Minh), vượt qua chặng đường đồi núi dốc mất gần 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã đến nhà bà Lầu Thị Súa, 50 tuổi, dân tộc Mông ở thôn Kéo Hẻn, xã Mậu Duệ. Bà là người tàn tật bị cụt 2 chân và một tay, nhưng với nghị lực vươn lên số phận, vượt qua mọi khó khăn xây dựng gia đình hạnh phúc.
28/08/2009