Cựu chiến binh Trần Văn Điểm vượt khó làm giàu

16:50, 21/08/2009

HGĐT- Chúng tôi có dịp về xã Trung Thành (Vị Xuyên), nơi có nhiều hội viên cựu chiến binh (CCB) vượt khó làm kinh tế giỏi. Theo sự dẫn đường của lãnh đạo Hội CCB huyện Vị Xuyên và xã Trung Thành, chúng tôi đã đến gia đình CCB Trần Văn Điểm ở thôn Trung Sơn.


 
 
Ngôi nhà vắng vẻ, chỉ khi có tiếng gọi của khách, cả gia đình bác Điểm mới rời nương chè bước xuống, hồ hởi đón khách trong những giọt mồ hôi lăn đầy trên má.


Sau những năm tháng phục vụ Quân đội, được vinh dự tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn 1975, đến năm 1980, bác Trần Văn Điểm được phục viên trở về quê tại xã Trung Thành. Gia đình bố mẹ khó khăn nên khi bác Điểm lập gia đình rồi ra ở riêng chỉ với 2 bàn tay trắng. Công cuộc đổi mới do Đảng đề ra từ năm 1986 tạo điều kiện cho người dân trong đó có gia đình bác Điểm phát triển kinh tế hướng ra thị trường. Trải qua nhiều mô hình sản xuất như cam, ớt, tích cực cải tiến, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi…, thành công có, thất bại cũng không ít, cho dù rất chăm chỉ nhưng cuộc sống của gia đình bác Điểm vẫn chỉ dừng lại ở hai chữ “đủ ăn”. Khi ốm đau, chắc chắn hai chữ “đủ ăn” ấy cũng sẽ bị đe dọa. Không chịu an phận với hai chữ “đủ ăn”, trên một mảnh đất khá rộng khoảng gần chục héc ta đất đồi, bác Điểm từng bước học hỏi kinh nghiệm sản xuất ở nhiều nơi, đặc biệt là tích cực hưởng ứng phong trào phát triển kinh tế do Hội CCB xã phát động. Cuối cùng mô hình VACR đã được gia đình bác Điểm xây dựng một cách quy mô và thành công.


Gia đình đã tích cực khai hoang, phục hóa để tạo ra 3ha chè, 4ha rừng, 1.500m2 ao cá và các diện tích trồng màu... Kết hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong một quy trình sản xuất, gia đình bác đã tích cực đầu tư chăn nuôi lợn, gia cầm, và đàn trâu… tạo ra nguồn phân bón cho cây trồng. Ghi nhận của chúng tôi khi đến với gia đình CCB Trần Văn Điểm là sự cần cù, chịu khó của cả gia đình, từ đó đã tạo ra những thành quả bù đắp lại những giọt mồ hôi vất vả sau bao ngày tháng lao động. Bác Điểm cho biết, hiện nay mỗi năm thu nhập từ nương chè, trong đó có 1ha chè Shan tuyết đạt khoảng trên 30 triệu đồng; thu nhập từ chăn nuôi gồm trên 2 tạ gia cầm, 6 tạ lợn, cá mỗi năm đạt khoảng 35 triệu đồng; ngoài việc sản xuất đủ lương thực cho nhu cầu gia đình, phục vụ chăn nuôi thì gia đình còn xuất bán được các nông sản như lạc, rau, lương thực khác đem lại khoảng trên 5 triệu đồng/năm. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, trong những năm qua gia đình bác Điểm đã mạnh dạn đầu tư 56 triệu đồng mua 4 loại máy nông nghiệp như: Máy cày, máy tẽ ngô, máy tuốt lúa và máy xay sát, vừa để sản xuất, vừa làm dịch vụ cho bà con trong xã, mỗi năm cũng thu về gần 30 triệu đồng. Chưa kể 4 ha rừng keo khi đủ tuổi thu hoạch cũng sẽ tạo ra một nguồn thu nhập khá lớn…


Bác Điểm cho biết, trong vài năm qua bình quân mỗi năm thu nhập của gia đình đạt khoảng trên 100 triệu đồng, trừ các tri phí sản xuất sẽ còn khoảng 50 – 60 triệu tiền lãi. Với điều kiện làm nông nghiệp như bác Điểm, ngoài việc tự cung cấp được lương thực thì con số thu nhập trên là một điều rất đáng khích lệ. Có thu nhập ổn định, cuộc sống vật chất, tinh thần của gia đình bác Điểm cũng khá sung túc, cả 4 người con được sự dạy dỗ của vợ chồng bác đều trưởng thành và chăm chỉ lao động. Không chỉ đạt tiêu chí gia đình văn hóa tiêu biểu của xã, trong phòng trào “Thi đua, yêu nước” của huyện Vị Xuyên giai đoạn 2004 – 2009, gia đình bác Điểm đã vinh dự được huyện biểu dương, khen thưởng.


Giao Thư

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội viên nông dân Hầu Sía Pó huyện Đồng Văn tích cực phát triển kinh tế gia đình
HGĐT- Ông Hầu Sía Pó, 45 tuổi, là hội viên Hội Nông dân thôn Sì Phài, thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn), là một trong những hội viên gương mẫu, đi đầu trong việc phát triển kinh tế gia đình của thôn.
31/07/2009
Kết quả thực hiện cuộc vận động ở Đảng bộ xã Trung Thành
HGĐT- Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được Bộ Chính trị chính thức phát động từ cuối năm 2006 đến nay, giờ đã thực sự trở thành một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trên khắp cả nước nói chung và Hà Giang nói riêng.
31/07/2009
Người làm kinh tế giỏi ở xã Đường Thượng
HGĐT- Đó là anh Lù Văn De, người dân tộc Mông, năm nay 40 tuổi, nhà ở thôn Sảng Pả 1, xã Đường Thượng (Yên Minh). Nhìn cơ ngơi khang trang cũng như nghe anh nói về quá trình phát triển kinh tế của gia đình, có thể khẳng định anh là người vừa chịu khó, vừa làm kinh tế giỏi.
29/07/2009
“Sống và chiến đấu theo gương Bác Hồ vĩ đại”
HGĐT- Đó là những tâm sự rất chân tình của Thượng tá Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ nhiệm chính trị, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh. Anh là một trong những gương điển hình trong phong trào “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
28/07/2009