“Sống và chiến đấu theo gương Bác Hồ vĩ đại”
HGĐT- Đó là những tâm sự rất chân tình của Thượng tá Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ nhiệm chính trị, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh. Anh là một trong những gương điển hình trong phong trào “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Thượng tá Nguyễn Văn Đức |
Với cương vị là thành viên thường trực BCĐ Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong lực lượng biên phòng, trong những năm qua, Thượng tá Nguyễn Văn Đức đã tham mưu, chỉ đạo làm tốt công tác Đảng trong lực lượng Biên phòng Hà Giang, đóng góp một phần rất lớn vào quá trình xây dựng và phát triển lực lượng với phương châm “Truyền thống - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”. Quá trình phấn đấu và rèn luyện của Nguyễn Văn Đức trong lực lượng Biên phòng tỉnh được các cấp lãnh đạo đánh giá rất cao, với 7 lần là chiến sỹ quyết thắng, 5 năm liền đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua, những danh hiệu cao quý ấy được Đảng và Nhà nước cũng như các cấptặng nhiều Bằng khen, ghi nhận công lao mà anh đã cống hiến trong lực lượng Biên phòng.
Không thích nói về bản thân mình - đó là tính cách của anh (!). Anh Đức tâm sự: Đối với những người lính Biên phòng chúng tôi, với bất kỳ ai, ở cương vị nào trong lực lượng cũng chỉ một tâm niệm“ Sống và chiến đấu theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Chiến công của chúng tôi là thành tích của cả tập thể, mỗi tấc đất nơi biên cương được bảo vệ, được bình yên đó là niềm động viên, an ủi chúng tôi trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, khu vực biên giới Hà Giangđã có bước phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Tuy vậy, khu vực biên giới vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp... Đứng trước tình hình đó, Thượng tá Nguyễn Văn Đức cùng các đồng chí lãnh đạo trong lực lượng Biên phòng tỉnh đã tham mưu bàn bạc, đưa ra các phương án tối ưu, vừa có thể thực hiện được Quyết định số 219 - QĐ/TU ngày 21.12.2008 về “Trưng tập cán bộ Bộ đội Biên phòng tăng cường cho các xã, thị trấn biên giới ” và Công văn số 432 - CV/BTC ngày 29/1/2008 của Ban Tổ chức Tỉnh uỷvề việc chỉ đạo Bộ đội Biên phòng tham gia sinh hoạt Chi bộ thôn, vừa có thể dựa vào địa thế, điều kiện riêng trên địa bàn biên giới Hà Giang nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ công tác.
Dưới sự chỉ đạo, tham mưu của Thượng tá Nguyễn Văn Đức, 34 cán bộ Biên phòng đã xuống tăng cường cho các thôn, bản, đảm nhiệm cương vị Phó Bí thư xã với chức năng là củng cố quốc phòng - an ninh, phát động sâu rộng, giúp đỡ đồng bào biên giới phát triển kinh tế; đưa 145 đảng viên về 354 thôn, bản vùng biên giới để sinh hoạt cùng đồng bào đây là một trong những phương án xây dựng quốc phòng - an ninh vùng biên giới Hà Giang được Bộ Quốc phòng đánh giá cao như là một sự sáng tạo trong cách quản lý và phát triển kinh tế vùng biên giới. Giải thích về vấn đề này, Thượng tá Đức cho biết thêm: Do địa hình biên giới Hà Giang có những đặc thù riêng, lại sát với nước bạn Trung Quốc... nên lực lượng Biên phòng tỉnh phải trực tiếp xuống với dân, sinh hoạt cùng dân, phát triển công tác Đảng trong từng Chi bộ thôn, bản, phải đảm bảo tình quân dân như“cá với nước ”. Từng cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm tham mưu cho địa phương thực hiện tốt phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và ANTT xóm, bản, khu vực biên giới”.
Lập chiến công - tiếp bước cha anh
Thật khó để có thể phân tách những chiến công của Thượng tá Đức với tập thể lực lượng Biên phòng tỉnh, và anh cũng không bao giờ khẳng định mình đã lập chiến công gì... nhưng có thể khẳng định, trong mỗi chuyên án được phá, trong mỗi cuộc đấu tranh chống lại các loại tội phạm nguy hiểm của lực lượng Biên phòng tỉnh đều in dấu bước chân anh.
Chiến công và vinh dự nhất của Thượng tá Nguyễn Văn Đức và lực lượng biên phòng tỉnh trong những năm vừa qua đó là trận chiến “ Biên phòng trong lòng dân”, các anh đã thực sự xây dựng được hình ảnh người lính Cụ Hồ trong trái tim đồng bào, nhân dân vùng biên giới. Với chiến dịch “Mái ấm biên cương”, và mô hình Giúp dân phát triển kinh tế”, vấn đề củng cố quốc phòng - toàn dân được đảm bảo, tạo đà khởi sắc cho phát triển kinh tế vùng biên.
Những chiến sỹ Biên phòng Đồn Bạch Đích - Yên Minh vẫn còn nhớ như in chuyên án Bạch Đích, như là một bài học về bảo vệ biên giới, bảo vệ sự an toàn của người dân thôn, bản. Nói về chuyên án này, Thượng tá Nguyễn Văn Đức không dấu vẻ ngậm ngùi: Năm 2007 và 2008, tại các vùng biên giới rộ các vụ án về cướp bóc tài sản, buôn bán phụ nữ, trẻ em...gây hoang mang dư luận, đặc biệt vụ án một số đối tượng giết chết một gia đình tại Yên Minh và bắt cóc 3 đứa trẻ ( chuyên án Bạch Đích) mang sang Trung Quốc. Các thế lực thù địch lợi dụng cơ hội này tung tin đồn nhảm, hòng lôi kéo những người dân nhẹ dạ, kích động, chống phá Đảng và Nhà nước... Nhằm đập tan mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù, quyết tâm phá án để trả lại sự công bằng cho công lý, Thượng tá Nguyễn Văn Đức đã trực tiếp chỉ đạo đưa ra các phương án tác chiến, phối kết hợp với lực lượng Công an huyện Yên Minh, lực lượng Biên phòng Trung Quốc tham gia phá chuyên án... Chỉ sau hơn 4h đồng hồ, các lực lượng Biên phòng Hà Giang và Biên phòng Trung Quốc đã tóm gọn 7 đối tượng gây án, giải cứu thành công 3 trong 7 đứa trẻ bị bọn chúng bắt cóc. Chuyên án Bạch Đích đã thành công, nhưng điều mà Thượng tá Đức luôn trăn trở đó là phải làm sao để xây dựng “trận tuyến lòng dân” sâu rộng hơn nữa, tuyên truyền cho đồng bào nơi vùng biên giới hiểu chỉ có Đảng và Nhà nước mới thực sự đem lại cuộc sống ấm no cho họ. Có lẽ những suy nghĩ của Thượng tá Đức cũng là suy nghĩ và là quyết tâm của lực lượng Biên phòng tỉnh Hà Giang trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Thượng tá Nguyễn Văn Đức, tâm sự chân tình: Anh không nên viết về tôi! các anh hãy viết về những chiến sỹ đang ngày đêm canh gác vùng biên giới cực Bắc, chúng tôi không có chiến công riêng mà chỉ có thành tích của cả một tập thể, của cả một nhịp đập trái tim người chiến sỹ...”.
Ý kiến bạn đọc