Người làm kinh tế giỏi ở xã Đường Thượng
HGĐT- Đó là anh Lù Văn De, người dân tộc Mông, năm nay 40 tuổi, nhà ở thôn Sảng Pả 1, xã Đường Thượng (Yên Minh). Nhìn cơ ngơi khang trang cũng như nghe anh nói về quá trình phát triển kinh tế của gia đình, có thể khẳng định anh là người vừa chịu khó, vừa làm kinh tế giỏi.
Trước năm 2000, gia đình anh De cũng khó khăn như bao hộ khác trong thôn, trong xã, cuộc sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ yếu là cây ngô. Đất trồng ngô thì nhiều nhưng do chưa biết thâm canh, trồng giống mới nên thu nhập từ cây ngô cũng không làm gia đình khá được. Khi đó, anh còn trẻ nên đã quyết định tạo dựng cuộc sống gia đình khấm khá hơn trên chính mảnh đất hiện có của mình. Anh đã tích cực học hỏi kinh nghiệm sản xuất qua các lớp tập huấn khuyến nông, đồng thời luôn gương mẫu trong việc đưa các loại giống mới vào gieo trồng. Do đó, nương ngô gia đình anh năm nào cũng được trồng bằng giống mới trên diện rộng, lại được thâm canh nên năng suất, sản lượng đạt cao hơn hẳn. Anh De không tính nhà mình có bao nhiêu ha đất trồng ngô, chỉ biết mỗi vụ chính gieo trên 48 kg giống, cuối vụ thu hoạch được khoảng 10 tấn ngô hạt. Sau khi thu hoạch ngô, gia đình anh bắt tay ngay vào sản xuất đậu tương, năm nào cũng trồng từ 20 đến 25 kg giống, vụ nào cũng cho thu một vài tấn. Sản xuất nông nghiệp không những giúp gia đình ổn định cuộc sống hàng ngày mà còn tạo điều kiện để phát triển chăn nuôi. Một phần ngô gia đình anh bán mua gạo về ăn quanh năm và chi phí cho sinh hoạt hàng ngày, một phần để nấu rượu để lấy bã nuôi lợn, mỗi tuần anh nấu từ 30 đến 40 kg ngô hạt để đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc. Bắt đầu nấu rượu, nuôi lợn từ năm 2003, trong chuồng lúc nào cũng có 1 đến 2 con lợn nái và vài con lợn thịt, bình quân mỗi năm xuất chuồng từ 10 con lợn hơi trở lên. Mất công chăm sóc, không phải chi phí mua thức ăn nên việc chăn nuôi lợn của gia đình có lãi cao. Ngoài nuôi lợn, gia đình anh De còn tập trung nuôi bò vàgia cầm. Hiện nay gia đình anh có 12 con bò, trong đó có 5 con cho nuôi rẽ, riêng về gà, vịt thì có rất nhiều…Từ các nguồn thu khác nhau, hàng năm, gia đình anh thu từ 20 đến 30 triệu đồng. Gia đình anh đã sắm đầy đủ các vật dụng trong gia đình, làm nhà khang trang và trở thành hộ khá theo tiêu chí mới.
Nhờ tư duy nhanh nhạy, chịu khó lại giỏi làm ăn nên năm 2007, gia đình anh đã được Dự án DPPR huyện chọn thực hiện mô hình trồng mận Tam hoa. Với 50 cây mận Tam hoa trong vườn nhà, do chịu khó chăm sóc nên cây đang phát triển rất tốt, năm nay bắt đầu bói quả. Chỉ vài năm nữa gia đình anh sẽ có nguồn thu khá từ vườn cây ăn quả này.
Anh Lù Văn De tâm sự: Trên vùng cao, để thoát khỏi cảnh đói nghèo không phải là khó, điều quan trọng nhất là phải chịu khó làm ăn, sau là tích cực tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật để đưa vào sản xuất, chăn nuôi nâng cao năng suất, sản lượng. Kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình của anh De thật giản đơn mà hiệu quả, bà con vùng cao có thể học tập và làm theo.
Ý kiến bạn đọc