“Trách nhiệm đẩy tôi tiến lên”
HGĐT- Gặp chị Lý Thị Chắm, ít ai nghĩ chị là cán bộ chuyên trách dân số của xã Ngam La (Yên Minh) bởi cái vóc dáng nhỏ bé và...quá trẻ của mình. Sinh năm 1987, nhưng đã có 3 năm kinh nghiệm trong vai trò một cán bộ chuyên trách dân số, chị Chắm có những kinh nghiệm, bài học cũng như kỷ niệm của người “vác tù và hàng tổng” dày như bất kỳ một cán bộ kỳ cựu nào.
Chị Lý Thị Chắm học hết phổ thông và tham gia công tác tại xã khi mới 18 đôi mươi tuổi. Mới tham gia công tác, lại được phân công phụ trách một trong những mảng cần phải có nhiều kinh nghiệm cũng như khả năng thuyết phục nhất - cán bộ chuyên trách dân số - chị vấp phải không ít khó khăn. Chị Chắm nhớ lại: Những ngày đầu mới tham gia công tác, tuổi còn trẻ, kiến thức về dân số - kế hoạch hoá gia đình hầu như ở mức “khởi động”, nhiều thuật ngữ chuyên môn cũng nắm chưa chắc nên công việc gặp khá nhiều khó khăn.
Ở một xã vùng cao như Ngam La, với thành phần dân tộc chủ yếu là Mông, Dao, Tày... thì việc vận động bà con không sinh con thứ 3, sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn hoặc đình sản là điều không đơn giản. Những ngày đầu tiên bắt tay vào công việc, chị Chắm chọn những thôn bản xa nhất, trình độ dân trí thấp nhất nhưPờ Chù Lủng, Sủng Hoà... Những thôn bản tuy chỉ cách trung tâm xã chưa đầy 7 cây số nhưng phải mất hơn 4 giờ đồng hồ đi bộ, xe máy không thể lên đến nơi. Chị Chắm nhớ lại, những ngày ấy tôi gần như phải bò đi bằng “4 chân”, nhưng năm nào tôi cũng đến những thôn bản này 4 lần, vừa để nắm tình hình, vừa để thuyết phục, vận động bà con.
Với những người làm công tác dân số, chuyện bị trách mắng, hiểu lầm kiểu “con tôi đẻ tôi nuôi” xảy ra như cơm bữa. Với chị Chắm, đó cũng là điều không thể tránh khỏi. Khó khăn nhất là khi mới tham gia công tác, chị chưa xây dựng gia đình nên những chuyện tế nhị như sử dụng bao cao su, đặt vòng hay đình sản luôn khiến chị đỏ mặt mỗi lần phải đứng trước những người phụ nữ đáng tuổi chị, tuổi mẹ, tuổi bà mình để vận động. Nhưng dần cũng quen, vừa học vừa làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sau 3 năm là cán bộ chuyên trách dân số của xã, chị Chắm đã trở nên chín chắn hơn, hiểu biết hơn và khéo léo hơn trong vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình: Với những thôn bản vùng gần trung tâm xã, trình độ nhận thức của dân tốt hơn như Phắc Đén, Ngài Trò, Khun Sản, Ngạm Soọc, Kéo Hẻn...chị có thể đến 1 mình, nhưng với những thôn như Pờ Chù Lủng, Sủng Hoà - ngoài việc dành nhiều thời gian đến cơ sở hơn, chị luôn phối hợp với các ngành phụ trách, trưởng thôn bản, cộng tác viên y tế cơ sở để công tác vận động, thuyết phục đạt hiệu quả cao hơn.
Gặp chị vội vàng ngay khi chị vừa kết thúc lớp học Trung cấp Nông, lâm nghiệp tại Trung tâm Dạy nghề Yên Minh, không có sổ sách, cũng không có bất cứ giấy tờ gì liên quan đến công việc, nhưng chị Chắm gần như không quên bất cứ số liệu nào liên quan đến công việc của mình. Toàn xã Ngam La hiện có 683 cặp vợ chồng thì hơn 600 cặp trong độ tuổi sinh đẻ. Tính đến thời điểm hiện nay, 100% số cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, trong đó hơn 500 cặp sử dụng biện pháp đình sản và đặt vòng, còn lại là sử dụng thuốc tránh thai. Ngoài tuyên truyền về các biện pháp tránh thai, chị Chắm còn lồng ghép thêm các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tình trạng tảo hôn, thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em, thủ tục làm giấy khai sinh...
Với mức phụ cấp 200.000 đồng/ tháng, khi được hỏi về những ngày phải bò 4 chân đến cơ sở: Có bao giờ chị nghĩ đến chuyện bỏ việc không? Lý Thị Chắm lắc đầu: Chưa bao giờ, lúc đó trách nhiệm của người làm công tác dân số đẩy tôi tiến lên phía trước...
Ý kiến bạn đọc