Người Trưởng nhóm tiết kiệm tín dụng năng động
HGĐT - Dáng nhỏ nhắn, khuôn mặt dễ nhìn và một giọng nói rất dễ thuyết phục người nghe, chị Phàn Thị Danh, năm nay 33 tuổi, được chị em thôn Đồng Tâm, xã Yên Thành (Quang Bình) đặt cho cái tên “người của bản”. Sở dĩ trở thành “người của bản” bởi chị đã từng lăn lộn với chị em nghèo không kể ngày đêm, mưa nắng.
Bất cứ lúc nào, khi nào cần chị, chị đều có mặt và sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ chị em gặp khó khăn trong đời sống, cũng như phát triển kinh tế. Qua vài năm đi vận động chị em nghèo tham gia tổ tiết kiệm tín dụng, nay tổ của chị có 20 chị em tham gia sinh hoạt, tự nguyện góp vốn xây dựng quỹ. Đã có 12 lượt chị em được hỗ trợ vay vốn làm ăn. Theo đánh giá của Ban quản lý Dự án DPPR huyện Quang Bình, chị Danh là “con át chủ bài” của Hợp phần 2E (tín dụng tiết kiệm) trong suốt quá trình thực hiện dự án kể từ khi khởi động đến nay.
Trao đổi với phóng viên, chị Danh cho biết: Cái khó của chị em nông thôn nói chung, chị em nghèo nói riêng, đó là giúp họ “vượt qua họ”. Hay nói cách khác, giúp họ vượt qua sự mặc cảm của bản thân, ít tiếp xúc với bên ngoài, dẫn đến ít, hoặc chậm hiểu biết; giúp họ chủ động tâm sự, tìm kiếm sự chia sẻ của chồng con, gia đình để mọi người ủng hộ họ tự chủ làm ăn theo suy nghĩ mà họ cho là có lợi cho bản thân, gia đình. Làm gì để giúp chị em nghèo vượt qua điểm yếu nói trên? Chị Danh cho rằng: Sự gần gũi thường xuyên, tâm sự thường xuyên sẽ tạo cho chị em mạnh bạo lên. Gắn kết giữa chị em trong nhà, trong hội, cùng sự vận động của tổ, hội, sẽ dần làm thay đổi tư duy từ mỗi gia đình. Khó nhất là làm cho từng chị, từng người bố, người mẹ, người chồng... trong mỗi gia đình nhận thức ra cái mới, từ đó lôi kéo họ. Để cho chuyển biến tích cực, toàn diện hơn, hàng tháng chị đến từng nhà, gặp từng người để mời họ tham gia sinh hoạt tổ. Trong sinh hoạt, ngoài sự chia sẻ khó khăn, tìm hiểu hoàn cảnh, còn có sự tư vấn lẫn nhau về các cách làm ăn kinh tế, sự khéo léo dàn xếp công việc nhà, gắn việc đồng, việc nuôi dạy con cái, đã làm cho mỗi chị, nhận rõ vai trò phụ nữ không những là chủ trong nhà, mà còn là chủ nhiều công việc ngoài xã hội nếu họ biết dàn xếp khéo léo, tinh tế trong cách ứng xử. Theo chị Danh, đến với tổ tiết kiệm tín dụng, các chị học được nhiều việc khác, trong đó có cách làm cho gia đình êm ấm, làm cho kinh tế khá lên và làm cho tình đoàn kết giữa các chị, giữa làng xóm ấm cúng, chan hòa. Qua nhiều năm hoạt động, chị còn tham gia tích cực vào công tác Dân số - KHHGĐ của thôn. Đã nhiều năm, thôn chị không có trường hợp chị em sinh con ngoài kế hoạch. Đồng thời, tổ nhóm tiết kiệm tín dụng của chị cũng ngày một vững hơn, mạnh lên nhiều, đã có rất nhiều chị em đi từ nghèo đến khá giả, tạo được lòng tin trong thôn bản, ngoài xã hội. Bản thân chị Danh còn có nhiều đề xuất đóng góp thiết thực để BQL dự án sửa đổi, điều chỉnh, nhằm hỗ trợ người nghèo vươn lên.
Ý kiến bạn đọc