Một cán bộ tín dụng tận tụy
HGĐT- Đó là anh Nguyễn Đình Túy, dân tộc Tày, sinh năm 1979, hiện là cán bộ tín dụng của Chi nhánh Ngân hàng No&PTNT huyện Quản Bạ.
Sinh ra và lớn lên tại xã Vĩnh Tuy (Bắc Quang), năm 2003 anh Túy thi đỗ vào trường Trung cấp Ngân hàng, tốt nghiệp năm 2005 anh về công tác tại Chi nhánh Ngân hàng No&PTNT huyện Quản Bạ. Lúc đầu còn bỡ ngỡ, nhưng được sự dìu dắt của các anh em đồng nghiệp cộng với sự năng động, ham học hỏi, tìm tòi của bản thân nên trong thời gian ngắn anh Túy đã tiếp cận được những kiến thức tín dụng trong ngành ngân hàng, nhanh chóng gây được uy tín với lãnh đạo và anh em đồng nghiệp. Với một huyện có địa hình khó khăn, phức tạp như huyện Quản Bạ, việc đi thẩm tra, giải ngân đến từng hộ gia đình là hết sức khó khăn, nhưng với lòng đam mê nghề nghiệp, những khó khăn vất vả đó anh Tuý đã vượt qua. Với đặc thù của công việc, phòng chỉ được biên chế có 4 cán bộ nên rất khó khăn cho việc đi thẩm tra và giải ngân ở cơ sở, nhưng anh Túy đã sắp xếp thời gian, lên kế hoạch khoa học cho từng tháng phù hợp với nhiệm vụ; hàng tháng từ ngày 30 đến mùng 5, Túy ở cơ sở để xây dựng kế hoạch làm báo cáo, trung bình một tháng anh Túy dành khoảng 10 -15 ngày xuống cơ sở, thời gian còn lại đi giải ngân, cho vay tiêu dùng đối với doanh nghiệp và các HTX trên địa bàn. Riêng anh được phân công phụ trách 5 xã, thị trấn là: Cán Tỷ, Bát Đại Sơn, Thái An, Quản Bạ và thị trấn Tam Sơn. Tính đến tháng 6.2009, tổng dư nợ trên địa bàn huyện đạt trên 39 tỷ đồng, đạt 97,5% kế hoạch cả năm, trong đó có khoảng trên 1.000 hộ, nhiều HTX và doanh nghiệp có quan hệ, vay vốn tại ngân hàng. Nhìn chung, nguồn vốn ngân hàng cho các hộ gia đình, các doanh nghiệp, các HTX vay để phát triển kinh tế đều làm ăn có lãi, đảm bảo an toàn, trong đó có công đóng góp không nhỏ của anh Túy trong việc thẩm định, giám sát nguồn vốn vay. Năm 2007 - 2008, do nền kinh tế suy thoái, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện không có khả năng trả nợ cho ngân hàng, phải nợ quá hạn, ngân hàng đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình đó làm hồ sơ xin giãn nợ, khoanh nợ để trả dần, ngân hàng tiếp tục cho hộ vay món nợ mới để họ có điều kiện chăn nuôi và có khả năng trả nợ. Vì vậy đến nay, tỷ lệ nợ quá hạn của ngân hàng còn rất thấp, chiếm 0,5%. Với sự năng động, nhiệt tình trong công việc, được đồng nghiệp tin tưởng, nhân dân quý mến, năm 2006 anh Túy được chọn đi thi nghiệp vụ tín dụng giỏi ở Ngân hàng No&PTNT và đạt giải cao, cũng trong năm đó, toàn ngành ngân hàng tổ chức hội thi nghiệp vụ tín dụng giỏi, anh Túy cũng may mắn được tham dự và đạt giải khuyến khích. Những kết quả đó đã khẳng định sự cố gắng, nỗ lực vươn lên của bản thân anh Túy là rất đáng biểu dương.
Khi được hỏi về những khó khăn, thuận lợi và mong muốn của anh trong công việc hiện nay, anh cười khiêm tốn: Khó khăn nhất hiện nay là chưa hiểu hết được phong tục, tập quán của đồng bào địa phương, đồng thời do bất đồng ngôn ngữ nên việc tiếp cận để tìm hiểu những khó khăn của đồng bào để cho vay vốn là rất khó khăn. Mặt khác, đường giao thông đi lại khó khăn, dân cư không tập trung và phải phụ trách nhiều xã trên một địa bàn rộng, phức tạp nên việc đi kiểm tra, giám sát không được thường xuyên. Hơn nữa trình độ nhận thức của đồng bào còn hạn chế nên khi tiếp cận với các mô hình, dự án rất khó khăn, họ chưa dám mạnh dạn để vay vốn…Trong thời gian tới sẽ tiếp tục học hỏi và trau dồi kiến thức, rút ra những kinh nghiệm để nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho bản thân. ý định của anh trong thời gian tới sẽ mạnh dạn đầu tư cho một số hộ điển hình về phát triển kinh tế vay vốn để làm giàu, hướng vào cho vay đầu tư trang trại ở một số xã như Thanh Vân, Quyết Tiến, Lùng Tám, Quản Bạ...vì những xã này có điều kiện tốt để phát triển chăn nuôi và trồng trọt theo hướng hàng hoá.
Ý kiến bạn đọc