Gương sáng “sao vuông”
HGĐT- Trong cái nắng oi ả, chúng tôi đến xã Quyết Tiến (Quản Bạ) đúng vào dịp xã đang tổ chức huấn luyện dân quân. Trên thao trường, Trung đội trưởng dân quân cơ động Ngũ Đức Thắng đang cùng đồng đội say sưa luyện tập.
Trong trang phục dân quân nai nịt gọn gàng, với các nội dung từ kỹ thuật bắn súng, đến ném lựu đạn... và bằng tình cảm, tinh thần trách nhiệm của người đảng viên, cán bộ Trung đội trưởng, anh tận tình giảng giải, hướng dẫn, uốn nắn sửa sai từng động tác cho cán bộ, chiến sỹ.Anh đang chỉ huy Trung đội luyện tập chiến thuật với đề mục: “Trung đội dân quân chiến đấu bảo vệ làng”. Dứt khẩu lệnh của Trung đội trưởng, từng cán bộ, chiến sỹ với các động tác kỹ, chiến thuật thuần thục, nhanh chóng vượt qua các địa hình phức tạp, bảo đảm bí mật, triển khai đội hình chiến đấu nhanh gọn, sẵn sàng đánh địch tiến công vào làng theo đúng phương án... Để xây dựng được một đơn vị dân quân trên một địa bàn xã vùng cao còn gặp nhiều khó khăn về nhiều mặt, bên cạnh các yếu tố khác, thì điều quan trọng cần phải có một cán bộ Trung đội trưởng thực sự năng động, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, chững chạc, nhanh nhẹn, quyết đoán trong chỉ huy và anh Ngũ Đức Thắng chính là mẫu người đó.
Sau buổi luyện tập, chúng tôi tới thăm gia đình anh Thắng, tại thôn Tân Tiến. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết anh là người dân tộc Pú Y, khi xây dựng gia đình, vợ chồng anh thuộc diện một trong những hộ nghèo của xã, tài sản chẳng có gì, bữa cơm, bữa sắn. Với trách nhiệm của người chồng, người cha, người trụ cột trong gia đình, nhìn cảnh vợ con nheo nhóc, đói khổ, anh rất khổ tâm: “Mình phải làm gì để đưa gia đình thoát khỏi cảnh nghèo đói”? Đó là câu hỏi luôn dày vò tâm trí anh. Năm tháng dần trôi qua, bằng sự chịu thương, chịu khó, một nắng hai sương, cần cù, tiết kiệm trong lao động sản xuất, “cái khó ló cái khôn” chắt chiu được chút vốn liếng, anh đã bàn với vợ mạnh dạn vay thêm vốn xóa đói, giảm nghèo của Nhà nước, làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và đầu tư làm đường ống nước với số tiền hơn 7 triệu đồng, dẫn nước từ nguồn cách nhà gần 2 km về cải tạo đất đai làm ruộng trồng lúa nước, trồng ngô và đào ao thả cá tăng gia sản xuất. Thấy cảnh bà con trong thôn phải vất vả, ngày nắng cũng như ngày mưa địu ngô, lúa trên con đường gập ghềnh hơn 5 km mới ra đến trung tâm xã để xay sát gia đình anh đã mua một máy xay sát liên hoàn, vừa phục vụ bà con trong thôn, vừa tận dụng sản phẩm phụ để chăn nuôi. Đến nay gia đình anh đã có mô hình tăng gia, sản xuất với một ao thả cá được xây dựng cơ bản, đàn lợn trên chục con, đàn gà, vịt hàng trăm con, đàn trâu 5 con, dư sức cày kéo trong mỗi vụ mùa, ấy là chưa kể đến diện tích trồng lúa. Có của ăn, của để, gia đình anh còn đầu tư mua một ô-tô tải trị giá gần 200 triệu đồng để vận chuyển hàng hóa, chuyên chở vật liệu phục vụ bà con và một máy khoan khai thác đá xây dựng các công trình trên địa bàn.
Anh khiêm tốn cho chúng tôi biết: Với mô hình tăng gia sản xuất như hiện nay, mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 150 triệu đồng, thu nhập bình quân 30 triệu đồng/người/năm.
Với bản tính cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm trong lao động sản xuất, gương mẫu, nhiệt tình, trách nhiệm, tích cực và chủ động, sáng tạo trong công tác xã hội, anh đã đưa gia đình thoát khỏi cảnh nghèo đói, đồng thời hoành thành xuất sắc nhiệm vụ người cán bộ, đảng viên. Liên tục trong những năm qua, anh được Chủ tịch UBND huyện, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Quản Bạ tặng Giấy khen. Trung đội trưởng dân quân Ngũ Đức Thắng thực sự là một tấm gương tiêu biểu để cán bộ, chiến sỹ LLVT noi gương và học tập.
Ý kiến bạn đọc