Chuyện về người trưởng thôn chưa biết chữ

17:02, 25/05/2009

HGĐT- Thôn Kẹp B, xã Minh Sơn (Bắc Mê) vùng đất thanh bình, hiền hoà như chính bản chất chân thật, mến khách của bà con nơi đây. Cũng chính trên mảnh đất này, đã đào tạo ra Trưởng thôn Thào Chờ Sáu, dù chưa biết chữ nhưng con người anh luôn đầy nhiệt huyết và trách nhiệm với công việc được giao và bất cứ ai, khi tiếp xúc với anh đều có một cảm giác khâm phục, kính nể...


 
 Anh Sáu kiểm tra sức khỏe con bò giống 2 năm tuổi của gia đình.

Như bao chuyến công tác khác, trên đường từ xã vào thôn, tôi luôn quan sát rất kỹ điều kiện sinh hoạt, ăn ở, lao động, sản xuất của người dân để cảm nhận được những thuận lợi, khó khăn của nơi mình đang tới. Trước khi vào thôn, Bí thư Đảng ủy xã Minh Sơn, Đoàn Văn Dũng còn nói với tôi điều khá bất ngờ, thú vị: “Vào gặp Trưởng thôn Sáu, chú thoả sức mà tác nghiệp. Một con người “phi thường” đó, một chữ “bẻ đôi” không biết nhưng lại nắm rất kỹ về tình hình KT - VH - XH; đời sống, tinh thần cũng như thường xuyên động viên bà con trong thôn tích cực lao động, sản xuất, tự XĐGN...”.


Lời giới thiệu tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng bao điều bí ẩn như liều thuốc tăng lực làm tôi quên hết cái mệt của một quãng đường xóc “nổ đom đóm mắt” để đến với Kẹp B. Thoạt nhìn thấy người mà mọi người ca ngợi, tôi có đôi chút thất vọng vì anh Sáu không như tôi tưởng tượng. Một con người tầm thước, gầy gò, không có gì đặc biệt nhưng trên khuôn mặt khắc khổ ấy có một đôi mắt rất cương nghị, quả quyết. Với tính tò mò vốn có, máu nghề nghiệp trỗi dậy, tôi dành trọn cả một ngày “3 cùng”: Cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, để cảm nhận hết cái “phi thường” trong anh và trong khuôn khổ bài báo tôi không thể nói hết những gì mình cảm nhận nên xin phép được mô tả những điều mình biết được về con người được mệnh danh là “phi thường” ấy.


Thào Chờ Sáu có một tuổi thơ đầy chông gai, gian khổ. Sinh ra, lớn lên tại xã Phố Là, huyện Đồng Văn. Khi ấy, trong thời điểm chiến tranh biên giới đang ở giai đoạn ác liệt (1979), gia đình di tản về địa điểm hiện đang sinh sống. Về nơi ở mới, cuộc sống thiếu thốn đủ mọi bề, gia đình đông anh em nên cả nhà phải lao động, khai phá đất hoang để có đủ cái ăn, cái mặc... Từ đó, sự nghiệp học hành của anh cũng dừng lại chỉ vẻn vẹn với 5 buổi học ở nơi ở cũ nên dù gần 40 tuổi đời anh Sáu vẫn chưa biết chữ nhưng bù lại cho những “hi sinh” của anh, hiện gia đình có một cơ ngơi mà nhiều người thèm muốn: Một ngôi nhà trình tường kiên cố, rộng rãi; 3 đứa con anh đều gửi ra huyện cho ăn, học đầy đủ; 3 chiếc xe máy WIN (Thái Lan) mà theo lời anh kể: Chiếc xe máy đầu tiên mua với giá 18,5 triệu đồng (năm 2002); chiếc thứ 2 có giá 15,6 triệu (năm 2005) và chiếc thứ 3 mua sau này với giá hơn 12 triệu đồng. Ngoài ra, trong nhà còn rất đầy đủ tiện nghi, đồ dùng sinh hoạt, như: Tivi màu, loa, đài, quạt điện và 7 con bò mà theo giá thị trường hiện nay nếu bán hết gia đình anh thu về trên 60 triệu đồng...

- Vậy anh đã phải làm những gì để có một cơ ngơi như ngày hôm nay? Tôi hỏi.

- Để đảm bảo cho cuộc sống gia đình nên tất cả mọi người phải lăn lộn, lao động ngày, đêm và trong thời điểm nông nhàn, chẳng biết làm gì, mình mạnh dạn bỏ vốn đầu tư thu gom hàng nông, lâm sản của bà con đem bán tại các chợ phiên của các xã lân cận. Kiếm được tiền nhưng quyết tâm dành dụm, chỉ sử dụng vào những việc thật cần thiết nên cũng dành ra được một khoản kha khá để mua sắm đồ sinh hoạt gia đình như các anh thấy đó...

Không quên lời nói của anh Dũng trước khi vào thôn, tôi bắt đầu “chiến dịch” khám phá những cái “phi thường” chưa biết trong anh. Tôi hỏi anh:

- Cả thôn giờ có bao nhiêu hộ, khẩu; bao nhiêu con bò, trâu; hộ nghèo; nhà tạm; bao nhiêu trẻ trong độ tuổi đến trường...? Tôi hỏi tiếp và anh cũng trả lời đầy đủ, chính xác cả những cái tôi chưa kịp hỏi mà chẳng cần suy nghĩ lâu cũng như tìm sổ, sách (vì anh có biết chữ đâu mà ghi, với chép!).

- Kẹp B hiện có 78 hộ với 473 khẩu, có 45 hộ được vay 545.200.000 đồng và sau một thời gian phát triển chăn nuôi, hiện cả thôn có 371 con bò, 21 con trâu. Trong đó, có 30 hộ vay tiền của Ngân hàng CSXH huyện mua, nuôi bò hàng hoá 23,8ha đất cấy lúa; 71 ha trồng ngô. Sau khi 17 hộ tự bỏ tiền làm mới, sửa lại nhà ở, hiện thôn không còn nhà tạm. Cả thôn có 31 xe máy; 9 cái tivi đen trắng, 4 tivi màu. à, cả thôn có 60 cháu trong độ tuổi tiểu học, 23 cháu mầm non... Chú cần thêm số liệu gì của thôn, hỏi đi để anh nói nốt?

Trước một con người có trí nhớ “siêu phàm” tôi chẳng biết nói gì, hỏi gì, chỉ biết ngồi ngắm anh với lòng khâm phục, kính nể. Dù chưa được học hành đến nơi, đến chốn, nhưng anh vẫn luôn hoàn thành tốt trách nhiệm được giao.

- Anh làm Trưởng thôn được bao nhiêu năm rồi và chưa biết chữ, làm thế nào để có thể truyền tải hết những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến bà con trong thôn?”.

- Lúc đầu, được chính quyền, bà con trong thôn, xóm phân công mình không dám nhận đâu. Sau đó, được cán bộ xã động viên nên mình cứ mạnh dạn làm thử xem, ấy thế mà cũng làm Trưởng thôn được 8 năm rồi đấy! Tự biết trình độ và năng lực có hạn, lại chưa biết chữ nên trong những lần ra xã, huyện tập huấn và dự các hội nghị triển khai các chính sách, chương trình... mình luôn chăm chú, lắng nghe thật kỹ, cố gắng nhớ hết mọi nội dung của cuộc họp để về thôn triển khai cho bà con thực hiện và từ khi có cuộc triển khai “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, mình luôn cố gắng học tập, làm theo lời Bác dạy để trước hết làm một người dân gương mẫu, sau đó là xứng đáng với niềm tin yêu của dân bản, sự tín nhiệm của chính quyền xã, nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức. Từ đó, mọi kế hoạch, chương trình do cấp trên triển khai, ngoài việc truyền đạt đến toàn thể bà con trong thôn, mình còn luôn gương mẫu đi đầu làm mẫu cho bà con học tập làm theo...

...

Như thấu hiểu những cảm nghĩ của tôi về con người ấy, chị Dương, Chủ tịch Hội LHPN xã tâm sự: “Thào Chờ Sáu chưa nói hết đâu, trí nhớ của nó y như cái “máy vi tính”, hỏi đâu trả lời đó. Nhớ cái lần ra xã họp triển khai chương trình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Sau đó “nó” đi tìm mượn được mấy quyển sách, mẩu chuyện viết về Bác Hồ về nhờ thầy, cô giáo ở điểm trường của thôn đọc cho nghe. Vậy mà nó cũng nhớ hết, không tin chú cứ hỏi mà xem!? Và cũng từ đó, Trưởng thôn Sáu luôn tổ chức, vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ, hương ước, quy ước; bảo đảm đoàn kết, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn trong thôn; đôn đốc người dân hoàn thành các nghĩa vụ theo luật định; trực tiếp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân cũng như vận động bà con phát huy tốt nguồn lực sẵn có của địa phương, phát triển lao động, sản xuất, chăn nuôi, tự XĐGN cho chính mình. Cho nên, hiện cả thôn không hề có hộ nghèo, không còn nhà tạm, tỉ lệ hộ khá tăng lên đáng kể và từ tấm gương phát triển kinh tế của gia đình Sáu cũng như việc thường xuyên giúp đỡ từ cây, con giống đến kinh phí sản xuất nên rất nhiều bà con trong thôn học tập làm theo, nay cũng đã thoát nghèo, đói. Điển hình, như: Hộ gia đình ông Giàng Phái Po có 13 con bò, 1 con trâu; Thào Chìa Dính có 17 con bò, 3 con trâu và hiện nay, tất cả các hộ trong thôn đều có từ 2 - 6 con bò, trâu trở lên… Chỉ cần những “con số” như vậy, chắc chú cũng đã hiểu được vai trò của Trưởng thôn Sáu đối với thôn Kẹp B rồi! à, nhắc đến điểm trường mới nhớ ra, thôn Kẹp B có được đất để xây dựng điểm trường rộng rãi như ngày hôm nay, vừa có cả đất để thầy, cô giáo tăng gia trồng rau, hoa màu, nhà lưu trú giáo viên... là do gia đình Sáu hiến đất đó, lần đầu hơn 1.300m2 (năm 2000); lần 2 hiến gần 300m2. Nhà “nó” tự nguyện hiến tầm 2/3 số diện tích đất khai hoang từ đời ông, đời bố đến đời con mới có được cho Nhà nước mà chẳng đòi 1 đồng tiền bồi thường, hỗ trợ nào cả...”.


Ngồi ăn bữa trưa giữa ngôi nhà trình tường mát mẻ, mặc cái nóng nực của cái nắng đầu Hè vẫn oi ả ngoài sân và trong cái cảm giác thán phục trước một con người “phi thường” làm tôi thấy bữa cơm đó với chén rượu ngô cay nồng ngon hơn. Trong cái ngà ngà say của rượu và của lòng người, tôi tiếp tục hỏi anh: “Nguyên do gì mà gia đình anh 2 lần tự nguyện hiến đất xây trường học mà không lấy một đồng tiền bồi thường, hỗ trợ?”. Anh nói: “Chẳng có lý do gì đâu! mình chỉ nghĩ đơn giản: Đời cha đã mù chữ nên đời con, đời cháu phải biết chữ, phải được đi học nên mình hiến đất xây trường học thôi...”. Nghe đến đó, tôi đã phải thật sự nghiêng mình cảm phục trước anh và cũng thiết nghĩ nếu con người “phi thường” này nếu được ăn, học tử tế sẽ còn có ích nhiều hơn nữa cho người dân và cho xã hội...


Tuấn Anh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bác Ngọc Đình Chài làm giàu từ đá
HGĐT- Vẻ mặt hiền từ, giọng nói trầm ấm nhưng đầy quyết đoán, người đàn ông 64 tuổi này làm tôi thực sự ngưỡng mộ. Với quyết tâm làm giàu từ đá, ông đã thành công và góp phần giải quyết nhiều việc làm cho đồng bào Mông vùng cao núi đá Mèo Vạc.
30/03/2009
Người đảng viên dân tộc Mông làm theo lời Bác
HGĐT- Tháng 3.1961, Bác Hồ lên thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang tại sân Kỳ đài (nay là Quảng trường 26/3), khi đó ông Mua Mí Chơ mới 16 tuổi, đang là học sinhtrường Thanh niên Dân tộc, khu Đoàn kết, Hà Giang, nên đã may mắn cùng học sinh trong trường được đi đón Bác Hồ.
29/04/2009
Đạo nghĩa - đạo làm gương - một biểu hiện tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh
HGĐT- Hồ Chí Minh không chỉ nói, lời nói của Người luôn đi đôi với việc làm và bao giờ Người cũng làm trước. Đạo làm gương hay đạo nghĩa của là một biểu hiện trong sáng của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
29/04/2009
Đảng bộ Huyện Quang Bình: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
HGĐT- Thực hiện Chỉ thị số 06 - CT/TW, ngày 7 tháng 11 năm 2006 của Bộ Chýnh trị; Kế hoạch số 19 - KH/TU, ngày 30 tháng 01 năm 2007 của BTV Tỉnh ủy và hướng dẫn của Ban tuyên giáo Tỉnh ủy V/v tổ chức triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
25/05/2009