Người đảng viên dân tộc Mông làm theo lời Bác
HGĐT- Tháng 3.1961, Bác Hồ lên thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang tại sân Kỳ đài (nay là Quảng trường 26/3), khi đó ông Mua Mí Chơ mới 16 tuổi, đang là học sinhtrường Thanh niên Dân tộc, khu Đoàn kết, Hà Giang, nên đã may mắn cùng học sinh trong trường được đi đón Bác Hồ.
Sau gần 30 năm cống hiến tài năng, sức lực cho quê hương, đã từng đảm đương nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng, như: Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND huyện, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Mèo Vạc, trong những giai đoạn khó khăn nhất, nay ông đã nghỉ hưu. Gần 50 năm trôi qua, nhưng với ông thì ngày được đón Bác là quãng thời gian đẹp nhất và có ý nghĩa nhất trong cuộc đời. Đến giờ ông vẫn còn nhớ rõ buổi nói chuyện hôm ấy, ông kể: Trước khi nói chuyện, Bác Hồ bắt nhịp cùng đồng bào hát vang Bài ca kết đoàn. Trong buổi nói chuyện, Bác căn dặn đồng bào các dân tộc Hà Giang hai vấn đề lớn. Thứ nhất: Hà Giang là một tỉnh miền núi có nhiều dân tộc chung sống, các dân tộc phải thực sựđoàn kết như anh em một nhà. Người người đoàn kết, nhà nhà đoàn kết, đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết tốt thì việc gì khó mấy cũng làm được. Hai là vấn đề học chữ, Bác nói: Hà Giang là tỉnh có nhiều người chưa biết chữ, đồng bào phải thi đua học chữ, người biết ít dạy người chưa biết, người biết nhiều dạy người biết ít. Bác mong vài năm nữa Hà Giang có vài vạn người biết chữ; học chữ phải trở thành phong trào rộng khắp trong nhân dân các dân tộc Hà Giang. Kể từ hôm ấy, hình ảnh của Bác đã im đậm trong tâm hồn người thanh niên dân tộc Mông đang tràn đầy nhiệt huyết được cống hiến cho quê hương; ông tự hứa với bản thân mình là phải quyết tâm làm theo lời Bác, xứng đáng với tình cảm Bác Hồ dành cho đồng bào các dân tộc Hà Giang. Những lời Bác dạy đã trở thành động lực, mục tiêu để ông phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng trong suốt quá trình học tập, công tác sau này.
Năm 1962, sau khi học hết lớp 7 và 1 năm học sư phạm, ông được điều động làm giáo viên ở huyện Đồng Văn, ông phấn phởi lên đường nhận nhiệm vụ dạy chữ cho đồng bào mình. Tuy nhiên, cũng chính thời gian này, gia đình ông cũng gặp không ít khó khăn, nhà ông tuy đông người nhưng lại có ít lao động, vì vậy việc làm nương rẫy thì chỉ có vợ ông đảm đương hết. Đã nhiều lần vợ và mẹ ông gọi điện bảo ông bỏ việc về nhà giúp gia đình. Khi ấy, dù ông đang làm giáo viên nhưng tiền trợ cấp cũng chỉ đủ để ông tằn tiện, chắt chiu cho sinh hoạt cá nhân chẳng giúp được gì cho gia đình. Mấy lần ông đã viết đơn xin tổ chức cho thôi việc để về giúp đỡ gia đình, nhưng mỗi lần viết đơn ông lại nhớ đến hình ảnh của Bác, nhớ lời Bác căn dặn đồng bào Hà Giang hôm nào. Rồi ông tự nhủ mình phải xứng đáng với một người đảng viên, phải quyết tâm làm theo lời Bác, quyết không vì khó khăn của gia đình mà phụ sự tin tưởng tổ chức. Và ông quyết định ở lại tiếp tục công việc dạy chữ cho đồng bào mình. Cho đến năm 1968, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra quyết liệt thì ông xung phong vào bộ đội. Năm 1978 thì được điều động từ quân đội về công tác tại huyện Mèo Vạc, với cương vị là Phó Chủ tịch UBND huyện, kể từ đó ông trải qua nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng khác như chủ tịch huyện, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, do đó ông có điều kiện thường xuyên dành sự quan tâm đến phong trào giáo dục. Có thời gian dài làm Trưởng ban chỉ đạo phong trào xoá mù chữ của huyện, ông không chỉ tích cực chỉ đạo các ngành phải đẩy mạnh cuộc vận động tuyên truyền mà còn tự mình đi xuống cơ sở thuyết phục, vận động nhân dân đi xoá mù tạo thành một phong trào rộng khắp. Suốt quá trình công tác, dù ở cương vị nào ông cũng luôn tự học nâng cao trình độ, luôn quan tâm đến việc học chữ của nhân dân. Đặc biệt, ông luôn đề cao vai trò của đoàn kết: Đoàn kết dân tộc, đoàn kết nội bộ Đảng. Giờ đây, huyện Mèo Vạc đã có nhiều đổi mới, đạt được nhiều thành tựu to lớn, như: Năm 2001 hoàn thành chương trình PCGD tiểu học; năm 2007, hoàn thành chương trình PCGD THCS; đặc biệt năm 2000, huyện Mèo Vạc vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Mặc dù lúc đó ông đã nghỉ hưu, nhưng công lao và những đóng góp của ông đối với huyện nhà nhất là đối với sự nghiệp giáo dục luôn được Đảng bộ và nhân dân huyện Mèo Vạc ghi nhớ.
Nay ông đã nghỉ hưu nhưng có mấy ai thấy ông nghỉ ngơi. Lẽ ra, ở cái tuổi gần 70 ông phải hưởng cuộc sống an nhàn, quây quần bên con cháu, nhưng ông bảo: Mình còn sức khẻo thì còn làm việc, vừa có điều kiện phụ giúp gia đình tăng thêm thu nhập, vừa làm tấm gương sáng cho con cháu biết trân trọng và yêu quý giá trị của lao động. Với chiếc cuốc trên vai, con dao quắm dắt ngang sườn, hằng ngày vẫnlên nương trồng ngô, cắt cỏ chăn nuôi bò. Chẳng thế mà trong nhiều năm liền, kể từ ngày nghỉ hưu đến nay ông Mua Mí Chơ là một điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất giỏi. Mỗi năm thu nhập từ chăn nuôi bò, lợn hàng chục triệu đồng. Đặc biệt, không ai có thể nhận ra vị chủ tịch huyện năm xưa, dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn âm thầm làm một việc giản dị nhưng đầy ý nghĩa. Đó là, cứ vào ngày chợ phiên chủ nhật hàng tuần vợ chồng ông lặng lẽ khiêng bộ bàn ghế ra chợ huyện ngồi bán rượu. Với số tiền lương hưu của ông cũng đủ để cả nhà chi tiêu trong sinh hoạt, nhưng với ông mục đích của việc làm đó thì ít ai biết được, ông nói: Cái chính là ra ngoài chợ được gặp gỡ đồng bào nhiều hơn, được ngồi với bà con mình để tìm hiểu cuộc sống của họ; để nhắc nhở đồng bào mình phải biết giữ gìn sự đoàn kết: Đoàn kết trong gia đình, trong dòng tộc và với cộng đồng các dân tộc xung quanh; phải biết quý cái chữ, đời mình không được học hành thì phải cho con cháu mình đi học biết cái chữ cho cái đầu mình sáng ra, cho cuộc sống bớt khổ. Ông bảo: Gần dân để hiểu dân hơn, Bác Hồ vẫn dạy chúng ta như thế. Không phân biệt người Mông, Tày, Dao... ai ông cũng vui vẻ tiếp chuyện và sẵn sàng chia sẻ những băn khoăn, trắc trở trong cuộc sống. Đến giờ ông cũng chẳng thể nhớ hết đã có bao nhiêu người rãi bày tâm sự với ông, được ông chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất, trong cuộc sống đời thường qua bàn rượu nhỏ của mình, chỉ biết rằng cứ vào ngày chợ chủ nhật hàng tuần lại thấy ông cười cười, nói nói vui vẻ cùng đồng bào qua chiếc bàn bé nhỏ ấy.
Trải qua những thăng trầm trong cuộc đời, ông đã tự tu dưỡng, phấn đấu và rèn luyện mình vượt qua biết bao gian lao vất vả và cả những cảm dỗ vật chất tầm thường để sống cuộc sống thanh thản, đạm bạc. Nay dù đã nghỉ hưu, đã bước sang tuổi 68 nhưng ông vẫntích cực tham gia lao động sản xuất, vẫn cần mẫn với nhiệm vụ của người bí thư chi bộ gươngmẫu trong hơn 8 năm qua, vẫn thầm lặng trong vaingười “dân vận” không lương. Ông là một tấm gương sống động cho lớp đảng viên trẻ hôm nay, là một điển hình về người đảng viên suốt đời phấn đấu sống, lao động và học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Ý kiến bạn đọc