Bác Hồ với việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho thanh niên

16:42, 18/03/2009

HGĐT- Hồ Chí Minh là người đã từng hoạt động trong các phong trào thanh niên khi còn trẻ từng tham gia đại hội Quốc tế thanh niên cộng sản, là người trực tiếp sáng lập, lãnh đạo các tổ chức thanh niên tiến bộ nước ta.


Chính vì vậy, Người đã nhìn nhận đánh giá một cách khách quan, về vị trí, vai trò của Thanh niên trong sự nghiệp cáh mạng, qua đó Người định hướng công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho thanh niên. Người khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà… nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”1. Thanh niên cũng là “lớp người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách, dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai – tức là các cháu nhi đồng”2.


Để làm tròn sứ mệnh cao cả và vẻ vang ấy, thanh niên phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, trước hết phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Người xác định mục đích của việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho thanh niên là để giúp họ phấn đấu trở thành những lớp người vừa có đức vừa có tài, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp vẻ vang của Đảng.

HồChí Minh cho rằng: “Thanh niên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là khiêm tốn, đoàn kết thực hành chủ nghĩa tập thể… ra sức cần kiệm xây dựng nước nhà”3.


Người khuyên thanh niên: “Các sự khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sự sung sướng thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước. Các việc đáng làm thì khó mấy cũng cố chịu quyết làm cho kỳ được. Ham làm những việc ích quốc lợi dân, không ham địa vị và công danh phú quý. Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, với việc. Quyết tâm làm gương về mặt: siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chớ kiêu ngạo tự mãn”4.


Để thực hiện khẩu hiệu: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm” Hồ Chí Minh đã chỉ rõ cho mỗi thanh niên phương hướng hành động để từ đó có một hướng đi đúng đắn, sát với thực tiễn. Thanh niên đã làm được rất nhiều điều quan trọng cho tổ quốc, nhưng theo Người “chớ vì thế mà tự cao tự đại, phải khiêm tốn, luôn luôn cố gắng hơn mới vượt qua mọi khó khăn để giành lấy thành tích nhiều hơn và lớn hơn”. Người nhấn mạnh: “Thanh niên phải xung phong đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả, thanh niên phải xung phong đến làm cho tốt, phải xung phong đến những nơi khó khăn để xây dựng CNXH”5.. Đồng thời Người cũng phê phán mạnh mẽ những thanh niên chỉ bo bo nghĩ đến lợi ích riêng mình, tự tư, tự lợi, tham lam vật chất, ham sung sướng, tránh khó nhọc, lười biếng, coi thường lao động, xa xỉ, kiêu ngạo…Thanh niên bao giờ cũng có nhiều ham muốn nhưng nếu ham muốn chỉ hướng vào những dục vọng tầm thường thì sẽ làm cho thanh niên sống không có mục đích đúng đắn. Người yêu cầu thanh niên phải luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, chống lười biếng lãng phí, tham lam.


Khi làm bất cứ việc gì thanh niên cũng đừng nghĩ đến mình trước mà phải nghĩ đến đồng bào, đến toàn dân đã. Người đã từng phân tích và căn dặn: huy hiệu của thanh niên ta là tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên, ý nghĩa của nó là thanh nhiên phải xung phong gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong rèn luyện đạo đức cách mạng. Thanh niên phải thành một lực lượng to lớn và vững chắc trong cuộc kháng chiến và kiến quốc.


Trong xây dựng rèn luyện đạo đức cách mạng cho thanh niên, Người nhấn mạnh phải chống chủ nghĩa cá nhân. theo Người thanh niên phải dũng cảm lên án và từ bỏ mọi thói hư tật xấu như chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù hung ác của đạo đức các mạng. Để làm tròn trách nhiệm, thanh niên ta phải nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, từ bỏ chhủ nghĩa cá nhân. Để chống chủ nghĩa cá nhân, Người luôn căn dặn thanh niên phải thật thà, ngay thẳng, phải cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải làm những việc ích nước thanh niên biết hành động, theo Hồ Chí Minh phải giúp họ xác định phương hướng đúng, nội dung phải cụ thể, tinh thần phải hăng hái tự giác.


Con đường hình thành đạo đức cách mạng cho thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh là con đường giáo dục, rèn luyện, kết hợp tự giáo dục, tự rèn luyện thông qua hoạt động thực tiễn. Bởi vì “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Mặt khác theo Hồ Chí Minh, đạo đức của con người “phần nhiều do giáo dục mà nên”, do đó phải kết hợp việc giáo dục của các tổ chức với việc phát huy cao độ vai trò tự rèn luyện của thanh niên.


Trong sự nghiệp đổi mới, bên cạnh những thành tựu đạt được trên nhiều lĩnh vực, chúng ta vẫn phải đối diện với những mặt trái của cơ chế thị trường, mà nổi lên đó là sự suy thoái đạo đức, lối sống diễn ra nghiêm trọng ở một bộ phận không nhỏ đoàn viên, thanh niên. Điều đó đã làm ảnh hưởng xấu đáng kể đến vị trí, vai trò của người thanh niên trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN. Trước thực trạng đó, Đảng ta đã xác định những tiêu chuẩn chung về đạo đức cách mạng của người đoàn viên, thanh niên trong tình hình mới, đó là “có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tuỵ phục vụ nhân dân, kiên định thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, phấn đấu thực hiện có hiệu quả đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng… có trình độ văn hoá, chuyên môn đủ năng lực và sức khoẻ để làm việc có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm cụ được giao”. Để thực hiện tốt những yêu cầu trên, đoàn viên, thanh niên chúng ta phải ra sức học tập, nắm vững tư tưởng đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh, vận dụng những tư tưởng đó một cách đúng đắn, sáng tạo trong cuộc sống và công tác. Có như vậy thanh niên mới thực sự xứng đáng là “người chủ tương lai của nước nhà” như Bác Hồ hằng mong muốn.

 

1, HCM toàn tập, NXBCTQG, H, 2000, T5, tr.185

2, HCM toàn tập, NXBCTQG, H, 1996, T10, tr.488

3, HCM toàn tập, NXBCTQG, Sđd,T10, tr.106

4, HCM toàn tập, NXBCTQG, Sđd,T5, tr.186

5, HCM toàn tập, NXBCTQG, Sđd,T5, tr.620.


Nguyễn Thị Hồng (Trường Chính trị tỉnh)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Người lính quân hàm xanh làm Phó Bí thư Đảng uỷ xã
HGĐT- Cuối năm 2006, Đại úy Đào Văn Luân nhận nhiệm vụ tăng cường cho xã biên giới Sà Phìn, huyện Đồng Văn, giữ chức Phó Bí thư Đảng uỷ xã.
27/02/2009
Nhiệt huyết của một bác sỹ trẻ
HGĐT- “Năng động, sáng tạo và luôn tâm huyết với nghề, cá nhân điển hình trong phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…”- đó là lời nhận xét chung của đồng chí Trần Đức Quý, Thầy thuốc ưu tú, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh khi nói với chúng tôi về Thạc sỹ - Bác sỹ Vũ Mạnh Hà, Trưởng khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
25/02/2009
Bác Phan Quốc Toản Nhiệt tình với công tác từ thiện
HGĐT- Vào cái tuổi gần “thất thập cổ lai hi”, lẽ ra chỉ ngồi an hưởng tuổi già, vui vầy cùng con cháu, thế nhưng, ông vẫn mở xưởng sửa chữa ô tô, hàng ngày cùng công nhân làm việc tại xưởng của gia đình mình. Kiếm ra đồng tiền, ông không chỉ dùng để phục vụ đời sống sinh hoạt trong gia đình phòng lúc ốm đau, mà còn tích cực làm từ thiện. Đó là bác Phan Quốc Toản ở tổ 21,
25/02/2009
Người bác sỹ 15 năm “sống cùng” dịch bệnh
HGĐT- Khi nói đến công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh Hà Giang thì đội ngũ thầy thuốc ngành y tế nhắc đến Thạc sỹ Nguyễn Trần Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh. Anh được cán bộ trong đơn vị và lãnh đạo ngành đánh giá là người của công việc, của những kế hoạch, phương pháp dịch tễ học và là người “chung thuỷ cùng các dịch bệnh”.
23/02/2009