Người bác sỹ 15 năm “sống cùng” dịch bệnh
HGĐT- Khi nói đến công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh Hà Giang thì đội ngũ thầy thuốc ngành y tế nhắc đến Thạc sỹ Nguyễn Trần Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh. Anh được cán bộ trong đơn vị và lãnh đạo ngành đánh giá là người của công việc, của những kế hoạch, phương pháp dịch tễ học và là người “chung thuỷ cùng các dịch bệnh”.
Khi có dịch thì dù bản làng sâu, xa đến mấy anh cũng đến tận nơi, khám bệnh, thu lượm thông tin, nghiên cứu tỷ mỷ và trực tiếp đề ra phương án chỉ đạo phòng chống dịch bệnh.
Sinh ra và lớn lên ở Hoa Lư (Ninh Bình), tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Thái Bình năm 1995, bác sỹ Tuấn đã nộp đơn lên đầu quân cho ngành y tế Hà Giang. 15 năm công tác trong ngành y tế là 15 năm anh gắn bó với công tác y tế Dự phòng tỉnh. Khởi đầu là 3 năm tham gia chương trình phòng, chống bệnh Phong, rồi từ đó đến nay anh công tác tại khoa dịch tễ học. Vừa làm, vừa học, anh tiếp tục thi lên cao học và tốt nghiệp xuất sắc bằng Thạc sỹ chuyên khoa Y tế dự phòng năm 2004. Trở về, anh được cử làm Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh. ở cương vị nào Thạc sỹ Tuấn cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao, được bạn bè, đồng nghiệp yêu quý và cấp trên tin tưởng.
Phòng, chống dịch bệnh là một công tác vô cùng vất vả và khó khăn, bởi nơi nào trình độ dân trí thấp, người dân thiếu kiến thức về phòng, chống dịch bệnh thì nguy cơ tiềm tàng và dễ bùng phát dịch bệnh càng cao. Vì vậy, hầu như 195 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có dấu chân anh đến kiểm soát, điều tra dịch bệnh. Tuy chỉ được theo chân anh trong hai chuyến công tác về cơ sở, nhưng tôi đã được tận mắt chứng kiến sự yêu nghề, say mê điều tra phòng, chống dịch của anh. Đó là lần cùng anh đội trời mưa lội giữa dòng lũ xiết ở xã Cao Bồ (Vị Xuyên). Lần khác là khi theo anh suốt hai ngày trời đi bộ leo đến hết bản này đến bản khác của 2 xã Khau Vai và Niêm Tòng (Mèo Vạc) khi dịch bệnh Than đang hoành hành để khám bệnh, phổ biến và hướng dẫn cách phòng dịch cho người dân, để cẩn thận lấy từng mẫu phân bò, phân gia súc đem về nghiên cứu, xét nghiệm. Thạc sỹ Tuấn thì chẳng nhớ nổi trong quãng thời gian công tác anh đã kiểm soát được bao nhiêu dịch bệnh, cấp phát bao nhiêu liều thuốc miễn dịch cho cộng đồng, lấy và phân tích bao nhiêu mẫu bệnh phẩm. Anh chỉ cười và nói, mỗi xã, mỗi huyện, mỗi vùng trong tỉnh có một đặc thù, một cơ cấu dịch bệnh khác nhau và nguy cơ lây truyền từ vùng này sang vùng khác cũng rất lớn. Vì vậy, công tác kiểm soát dịch bệnh và cung cấp vắc xin sinh phẩm luôn được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi người cán bộ phải thực sự yêu nghề, có trình độ chuyên môn vững vàng, điều tra các yếu tố dịch bệnh kỹ lưỡng mới đề ra được các giải pháp ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả nhất.
Về cơ sở, anh là người đồng nghiệp, người cán bộ vừa giỏi chuyên môn lại dễ gần, chủ động tiếp xúc với dân, học thêm các ngôn ngữ của các đồng bào dân tộc thiểu số để tiếp cận, điều tra dịch bệnh một cách dễ dàng, chính xác nhất. Trở về cơ quan, anh lao vào miệt mài nghiên cứu các số liệu, những mẫu phân tích bệnh phẩm, để từ đó đúc rút ra các báo cáo, kế hoạch và những giải pháp chống dịch mới. Thời gian còn lại, anh không ngừng học hỏi, trau dồi thêm công tác chuyên môn, học từ người đi trước, từ tuyến trên, đồng nghiệp xung quanh và cả trong sách vở. Anh tâm sự: Mình còn trẻ, còn phải học. Học để mình tự tin hơn khi giao tiếp với đồng nghiệp và không hổ thẹn với người dân vùng dịch.
Những nỗ lực hết mình của Thạc sỹ Nguyễn Trần Tuấn đã và đang đóng góp để làm nên kết quả mà ngành y tế Dự phòng Hà Giang hiện nay đã đạt được là: Quản lý dịch bệnh đi vào nề nếp, theo lịch trình và được tổ chức thành mạng lưới từ tỉnh đến thôn bản; số liệu dịch bệnh được quản lý chặt chẽ, theo dõi sát sao, cập nhật đầy đủ. Từ đó, xây dựng nên các mô hình bệnh truyền nhiễm tại Hà Giang để kịp thời đưa ra các giải pháp ngăn chặn, khống chế dịch bệnh. Anh được Bộ Y tế, UBND tỉnh và Sở Y tế đánh giá cao, tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen.
Ý kiến bạn đọc