Anh Luyện làm giàu từ hai bàn tay trắng
HGĐT- Được UBND xã tặng Giấy khen 2 năm liền về sản xuất kinh doanh giỏi, gia đình anh không những thoát khỏi đói, nghèo đã đeo bám bao nhiêu năm trên mảnh đất được mệnh danh là “đá núi”, mà giờ đây đã có trong tay cơ ngơi hơn 100 triệu đồng nhờ mô hình chăn nuôi lợn và trồng rau. Đó là anh Đỗ Đăng Luyện (35 tuổi) ở tổ 9, thôn Đoàn Kết, xã Ngọc Đường (TXHG).
Anh Luyện chăm sóc đàn lợn sắp xuất chuồng.
|
Ấn tượng với chúng tôi ngay lần gặp đầu tiên, đó làm một người đàn ông nước da xạm nắng, có cái bắt tay thân thiện, lời nói cởi mở. Rót nước mời chúng tôi, anh cho biết: “Gia đình tôi chuyển lên đây từ năm 1988, vì ở quê đất chật, người đông, việc làm khó khăn nên tôi quyết định tìm đến mảnh đất Hà Giang để kiếm kế sinh nhai. Thứ giá trị nhất mà vợ chồng tôi mang theo lúc bấy giờ là con lợn cái 8 kg, với hy vọng làm nái sau này”. Kể về những ngày đầu vất vả phát cỏ, tìm đất dựng nhà, cuộc sống khó khăn chồng chất, chúng tôi thấy giọng anh xúc động. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, do vốn tính hay đi, mỗi lần về quê anh lại đi các nơi để học hỏi cách làm ăn. Trở về, anh cùng vợ phát cỏ, mở đất phát triển chăn nuôi. Con lợn nái ngày đầu mang lên đã cho lứa đầu tiên. Vợ chồng anh quyết định bán đi một nửa đàn lợn và giữ lại một nửa làm giống. Do mới đầu chưa có chuồng trại, đất vườn dốc nhiều đồi núi, lợn nuôi theo hình thức thả rông nên đàn lợn của anh không mang lại hiệu quả, kinh tế gia đình không mấy thay đổi. Đến năm 2003, nhờ Chương trình giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo của Chính phủ, của tỉnh cùng với sự mạnh dạn của bản thân, anh Đỗ Đăng Luyện đã vay 30 triệu đồng của Ngân hàng CSXH tỉnh để mua lợn nái và gà về phát triển chăn nuôi. Giai đoạn đầu anh nuôi 2 lợn nái và hơn 1.000 con gà. Do mới bước vào chăn nuôi, kinh nghiệm chưa có; mặt khác công tác thú y và chăm sóc chưa chu đáo, chuồng trại chưa đảm bảo nên đàn lợn và đàn gà của gia đình anh không mang lại nhiều hiệu quả. Điều khiến anh lo lắng nhất là giá cả và dịch bệnh. Đặc biệt, trong khoảng thời gian vài năm gần đây do ảnh hưởng của dịch tả, dịch lợn tai xanh, dịch cúm gà, nhưng với việc chủ động phòng, chống bệnh cho gia súc, gia cầm tốt nên đàn lợn và đàn gà nhà anh Luyện không mắc bệnh. Tuy nhiên, do nhu cầu của thị trường giảm nên thu lãi không đáng kể.
Sau 4 năm tích cóp được ít vốn, anh Luyện mở rộng khu chăn nuôi, quy hoạch chuồng trại, chủ động tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm. Chính vì vậy, cho đến nay anh Luyện là người đứng đầu về hiệu quả chăn nuôi ở thôn Đoàn Kết. Thấy nuôi lợn bột không mang lại hiệu quả cao, đầu năm 2008, anh luyện mua thêm 16 con lợn nái, đã cung cấp hàng trăm con giống cho bà con trong xã và các huyện... Năm 2008, anh có tới 32 đàn lợn với tổng 288 con, cộng với vườn rau xanh gần 1 ha, trừ chi phí sản xuất, vợ chồng anh thu lãi trên 70 triệu đồng. Vừa qua, anh Luyện đã về trại Anh Khánh thuộc Hà Tây (Hà Nội) đặt mua 50 con lợn nái giống và đầu tư 110 triệu đồng xây chuồng, hầm bi ô ga, cùng với hệ thống chiếu sáng dùng bằng khí bi ô ga lấy trực tiếp từ hầm. Với cách làm này đã giảm đi khoản chi tiền điện, tiền củi trong sinh hoạt gia đình.
Hiện anh đang vận động các hộ chăn nuôi trong thôn thành lập “Hợp tác xã chăn nuôi Đoàn Kết” do anh làm Chủ nhiệm để giúp nhau trong phát triển kinh tế. Hiện tại, gia đình anh Luyện còn 10 con lợn nái, 40 con lợn giống và 14 con lợn thịt, gần 1 ha rau (chủ yếu rau theo mùa vụ), 190 gốc bưởi Diễn, dự kiến sẽ cho thu hoạch sau 2 năm.
Nhìn ngôi nhà 3 gian khang trang, sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi: Ti vi, tủ lạnh... chúng tôi cảm thấy vui và cảm phục những con người biết vượt khó, không cam chịu đói nghèo, vươn lên làm chủ cuộc đời...
Ý kiến bạn đọc