Lý Văn Chiêu “làm dân số”
HGĐT- Bỏ qua chút bẽn lẽn, Lý Văn Chiêu tâm sự: Anh là người dân tộc Dao, ở thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì; năm nay 28 tuổi, có thâm niên 3 năm liền gắn bó với công tác Dân số - KHHGĐ. Công việc của Chiêu bắt đầu từ thôn Phìn Hồ có 39 hộ, 210 khẩu, 100% là dân tộc Dao đỏ. Cả thôn sống ở độ cao trên 1.300 m so với mực nước biển.
Đời sống của đồng bào chủ yếu làm lúa nước, trồng chè Shan tuyết và chăn nuôi gia súc, gia cầm; đời sống nhiều năm trước còn chật vật, bởi nhiều lý do, trong đó có việc sinh đẻ quá nhiều con. Được ra ngoài học tập, va chạm, Chiêu dần nhận thức về công tác sinh nở có kế hoạch cũng là cách để hạn chế đói nghèo, lạc hậu. Nhận làm cộng tác viên dân số của thôn, rồi đến xã; qua hơn 3 năm liên tục vật lộn với công việc, đi khắp 13 thôn, bản để tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, Chiêu đã nhận thức: Thanh niên, phụ nữ trong lứa tuổi là người quyết định sinh hay không sinh để có bước tiếp cận họ. Bỏ qua mặc cảm bản thân, rào cản xã hội, công tác Dân số - KHHGĐ trong thôn Phìn Hồ của anh cứ “lớn” dần lên ở cả 13 thôn của xã. Làm cộng tác viên Dân số - KHHGĐ, theo anh là vượt qua “chính mình”, vượt qua sự xấu hổ ngăn cách giữa mình (cán bộ), với người xung quanh bằng những việc làm lúc ở nhà, lúc trên đồng ruộng, nương rẫy... vượt qua sự hạn chế trong “quan điểm làng xã” bằng các phong tục, tập quán nhờ vào nỗ lực bản thân đi từ mình, gia đình mình, qua sự giúp đỡ của người già, người lớn tuổi nơi cư trú, đi ra ngoài. Vừa kiên trì vận động, vừa thuyết phục, lôi kéo nhiềungười cùng làm, dần dần Chiêu đã đưa cả gia đình mình vào cuộc, kéo theo bà con dân bản. Chiêu cho rằng: Cộng tác viên dân số phải là ngườibiết ăn nói “những điều tế nhị” đúng lúc, đúng cách mới mong người ta hiểu. Từ hiểu, đến chia sẻ rồi làm theo là cả một quá trình liên tục mới có kết quả.
Các anh lãnh đạo xã Thông Nguyên nhận xét: Thành công của xã trong nhiều năm liền không có người sinh con thứ ba là nhờ công đóng góp rất lớn của Lý Văn Chiêu. Đến thăm một số gia đình trẻ, nói chuyện sinh đẻ có kế hoạch, người ta thường nhắc và gọi tên Lý Văn Chiêu là “Lý dân số”.
Trưởng thành từ cộng tác viên dân số đã đưa Chiêu từ thôn Phìn Hồ ra làm cán bộ xã Thông Nguyên. Đó là sự ghi nhận bước trưởng thành của một thanh niên người Dao đầy nhiệt huyết, năng động, sống gắn bó và có ý thức xây dựng cộng đồng. Có người hỏi về yếu tố tạo ra thành công trong công tác DS-KHHGĐ ở xã, Chiêu khẳng định: Vượt qua rào cản trong mặc cảm và biết chia sẻ khó khăn với cộng đồng, làng xã thì nhất định thành công. Giờ đây là thường trực Đảng uỷ xã Thông Nguyên, Lý Văn Chiêu đang nỗ lực học tập để có kiến thức tốt hơn, rộng hơn và sâu hơn góp phần vào các hoạt động thúc đẩy KT-XH của địa phương ngày một phát triển.
Ý kiến bạn đọc