Nông dân Nguyễn Hùng Quân với bước đi táo bạo về cây Dó Trầm
HGĐT- Đến thôn Muộng, xã Liên Hiệp (Bắc Quang), hỏi về anh Nguyễn Hùng Quân hầu như ai trong thôn cũng biết đến anh không chỉ là một nông dân cần cù, chịu khó mà còn là ông chủ của một loại cây trồng mới vừa quý, vừa hiếm đang được ưa chuộng hiện nay trên thị trường, đó là cây Dó Trầm.
Anh Quân bên vườn ươm cây Dó Trầm.
|
Dó Trầm là loại cây gỗ lớn, ưa độ ẩm, thường được dùng làm trầm hương, kỳ nam dùng trong chế biến hương liệu và xuất khẩu, đặc biệt là trầm hương rất có giá trị trên thị trường trong và ngoài nước. Gỗ cây Dó Trầm có thể dùng làm đồ gia dụng hoặc dùng trong xây dựng. ở xã Liên Hiệp, cây Dó Trầm đã phát triển lâu đời, người ta đã tìm thấy và bảo tồn một số cây lớn có tuổi thọ hàng trăm năm. Vì thế năm 2004, khi đề tài khoa học về cây Dó Trầm được chính thức đưa vào trồng thử nghiệm và phát triển ở địa phương, gia đình anh Quân là hộ đầu tiên mạnh dạn trồng thí điểm loại cây này. Ban đầu, gia đình anh được Sở NN-PTNT hỗ trợ 1.000 cây giống để trồng. Nhưng phán đoán được nhu cầu thị trường và suy tính về lợi ích kinh tế lâu dài, anh quyết định đầu tư trồng lồng ghép cây Dó Trầm với các cây lâm nghiệp khác của gia đình. Hiện nay, anh đang có khoảng 1 vạn cây trồng xen canh trên 4 ha vườn rừng và có khoảng từ 3 – 4 ha diện tích Dó Trầm được trồng rải rác trong dân. Anh Quân cho biết: Qua một thời gian dài trồng thử nghiệm và chăm sóc, so với các loại cây trồng khác, Dó Trầm có mức đầu tư nhiều hơn cây keo, nhưng hiệu quả kinh tế lại hơn hẳn. Cây đã có đường kính từ 10 cm trở lên và cao khoảng 4 – 5 m. Với mức giá hiện nay khoảng 300.000 đồng/cây, nếu được chăm bón tốt, chỉ trong khoảng 5 năm cây sẽ cho thu hoạch trọn gói. Nếu cấy thuốc tạo trầm thêm 2 năm nữa, giá trị kinh tế của cây sẽ lên đến 1 triệu đồng/cây. Gia đình anh Quân đã tiến hành cấy thuốc tạo trầm cho 40 cây Dó Trầm và dự kiến đến năm 2009 sẽ cho thu hoạch.
Không chỉ dừng lại ở việc phát triển một cách riêng lẻ, gia đình anh Quân đã tự mở vườn ươm cây Dó Trầm, trực tiếp bán cây giống phục vụ người dân trong xã và vùng lân cận như: Bằng Lang (Quang Bình), Hùng An (Bắc Quang); Lục Yên (Yên Bái)… Tại thời điểm bán cây giống, giá từ 5 – 7 ngàn đồng/cây.
Theo tiến trình phát triển, ít nhất phải mất thêm 2 năm nữa, cây Dó Trầm mới thật sự khẳng định được hiệu quả kinh tế một cách rõ nét, thế nhưng thương hiệu của nó đã bắt đầu hình thành và đang thu hút các cơ sở thu mua trong và ngoài tỉnh. Không riêng gia đình anh Quân mà hiện nay, tại xã Liên Hiệp đã có khoảng 30 hộ dân trồng loại cây quý hiếm này, trong đó người nhiều nhất có đến hàng vạn cây và người ít cũng có từ 200 cây trở lên. Điều này cho thấy, những người nông dân như anh Quân và nhiều người khác đang bắt đầu có những chuyển biến quan trọng về nhận thức, không ngừng thử nghiệm và tìm tòi ra những phương thức mới phát triển kinh tế, XĐGN một cách táo bạo, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của vùng và nhu cầu của thị trường hiện nay. Sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của gia đình anh đã chứng minh được vai trò và sức mạnh của nông dân trong thời buổi cơ chế thị trường, sự thích nghi với môi trường mới đúng như như mong muốn của Bác là: “Phải làm cho đồng bào nông dân thông suốt là phải cần kiệm xây dựng Nước nhà”.
Ý kiến bạn đọc