Một nông dân trên cao nguyên đá làm giàu từ nguồn vốn vay
HGĐT- Chúng tôi đến thôn Đồng Tâm, xã Đồng Văn (huyện Đồng Văn) được mọi người giới thiệu về tấm gương một nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhờ nguồn vốn vay Ngân hàng No - PTNT. Anh tên là Đường Văn Phình, năm nay ngoài 30 tuổi, là Bí thư Chi đoàn, ngoài có tàiphát triển kinh tế gia đình, anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 11 nông dân trong xóm và việc làm theo thời vụ cho 39 nông dân trong xã, lương bình quân 1,5 đến 2 triệu đồng/người.
Được biết, những năm học phổ thông gia đình gặp nhiều khó khăn, anh không thể theo học hết lớp 12 được, phải về nhà giúp đỡ gia đình, mặc dù anh luôn là học sinh giỏi, ngoan ngoãn, được bạn bè, thầy cô quý mến. Đến năm 1994, gia đình có điều kiện anh lại tiếp tục đi học Trung cấp Kinh tế tại Hà Nội, chuyên ngành Kỹ thuật cầu đường và vận tải, năm 1997 anh tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, trở về địa phương, được đoàn viên, thanh niên xóm Đồng Tâm, xã Đồng Văn tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn xóm. Năm 2005, anh vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng và năm 2008 gia đình anh được UBND tỉnh tặng Bằng khen, được công nhận Gia đình Văn hóa.
Hiện anh đang điều hành 39 công nhân làm việc ở các lĩnh vực khai thác vật liệu xây dựng, mở xưởng gạch bê - tông và xưởng sửa chữa xe máy, bình quân hàng năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Phình tâm sự: Sinh ra và lớn lên ở Cao nguyên đá Đồng Văn núi đá chiếm trên 73%, trình độ dân trí thấp, đời sống đại đa số nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn, hàng năm thường xuyên đói từ 3 - 4 tháng...; anh luôn trăn trở làm sao để đồng bào cũng như đoàn viên, thanh niên của xã nhà bớt khổ, bớt đói và có công ăn việc làm. Thế là anh đã quyết tâm đi học nghề và kinh nghiệm làm ăn bên Trung Quốc rồi về địa phương thực hiện mục đích, ý tưởng của mình. Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi như: Nguồn nhân lực dồi dào, khéo léo, chịu khó, thị trường tốt và được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ...;anh cũng gặp không ít khó khăn: Lao động trình độ thấp, thiếu đất xây dựng xưởng sản xuất, không có khả năng mua máy móc hiện đại, thiếu nước...
Còn nhớ những năm 1990, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh phải vừa đi học vừa làm thêm để nuôi các em. Những ngày đầu anh làm thêm, lương hàng tháng của anh chỉ có 300.000 đồng. Do chịu khó và chi tiêu tằn tiện nên đến năm 1999 anh tích cóp được 6 triệu đồng. Lúc đó anh quyết định thực hiện mở xưởng riêng nhưngvẫn thiếu vốn. Rồi anh mạnh dạn vay Ngân hàng thêm 3 triệu đồng mua 1 máy khoan khai thác đá trị giá gần 8 triệu đồng, để đi khoan thuê; tranh thủ thời gian sang tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) học thêm kinh nghiệm và mua linh kiện cho các xưởng sản xuất khác ở Hà Giang không có hoặc chi phí cao. Sau một năm làm thuê, anh tích lũy được số tiền khá lớn, anh chuyển mở xưởng sản xuất riêng và mua thêm 3 máy khoan. Đến đầu năm 2001, trong tay anh đã có số vốn trên 80 triệu đồng, anh bàn với gia đình mua thêm máy ép khí, máy nghiền đá và tiếp tục nhận mở các tuyến đường. Nhiều lúc công nhân lên đến 100 người, thu nhập có năm gần 200 triệu đồng. Năm 2002, nhận thấy vật liệu xây dựng ở Đồng Văn cần số lượng rất lớn, anh thỏa thuận với dân mua đồi đá trọc, các loại máy nén khí, máy sản xuất vật liệu, xây nhà ở cho công nhân. Một năm sau, anh đã khai thác được vật liệu và đưa ra địa bàn huyện tiêu thụ. Đến năm 2003, anh lại quyết định vay thêm Ngân hàng mua máy ép gạch bê - tông và dải bê - tông, tiếp tục tạo công ăn việc làm cho 23 nông dân trong xã và đến năm 2008 anh mở rộng thêm một cơ sở sửa chữa xe máy tại nhà, mua một ô - tô hãng trị giá trên 450 triệu đồng...
Anh Đường Văn Phình thực sự là một tấm gương tiêu biểu của vùng Cao nguyên đá Đồng Văn.
Ý kiến bạn đọc